Xây dựng phần mềm quản lý, cập nhật, khai thác dữ liệu tài nguyên nước quốc gia
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Quyết định số 1383/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến 2025.
Đề án Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng phần mềm quản lý, cập nhật, khai thác dữ liệu kiểm kê tài nguyên nước, phục vụ cho công tác quản lý lâu dài.
Đề án được phê duyệt trên quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý phải được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản; được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.
Việc kiểm kê tài nguyên nước được thực hiện định kỳ, thống nhất trên phạm vi cả nước, phù hợp với kỳ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước và phù hợp với Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước.
Đề án trên được triển khai từ năm 2021 đến năm 2025 với mục tiêu là tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia để có được các chỉ tiêu kiểm kê lần đầu về tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước.
Các chỉ tiêu quan trọng bao gồm:
Số lượng nguồn nước mặt (số lượng các sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, phá); Số lượng nguồn nước dưới đất (số lượng các tầng chứa nước); Lượng nước mặt (tổng lượng dòng chảy; lượng nước mặt chảy vào, ra khỏi biên giới quốc gia; tổng lượng nước chuyển giữa các lưu vực sông và tổng dung tích các hồ chứa trên phạm vi cả nước và theo lưu vực sông); Nguồn nước mưa (tổng lượng mưa);
Chất lượng nước mặt; Lượng nước dưới đất (trữ lượng tiềm năng; trữ lượng có thể khai thác trong các tầng chứa nước); Chất lượng nước dưới đất ( chỉ số độ tổng khoáng hóa để xác định diện tích phân bố nước mặn; nước ngọt trong các tầng chứa nước);
Khai thác, sử dụng nước mặt (danh mục các công trình khai thác, sử dụng; mục đích khai thác; lượng nước khai thác); Khai thác, sử dụng nước dưới đất (danh mục các công trình khai thác, sử dụng; mục đích khai thác; lượng nước khai thác); Khai thác, sử dụng nước biển (danh mục công trình khai thác, sử dụng; mục đích khai thác; lượng nước khai thác); Xả nước thải vào nguồn nước (danh mục các công trình xả nước thải; lưu lượng xả vào nguồn nước; loại hình nước thải).
Đề án còn hướng đến mục tiêu cụ thể là xây dựng được phần mềm quản lý, cập nhật, khai thác dữ liệu kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; và công bố được kết quả kiểm kê tài nguyên nước trong kỳ kiểm kê trên các lưu vực sông liên tỉnh và trên phạm vi cả nước.
Việc xây dựng phần mềm quản lý, cập nhật, khai thác dữ liệu kiểm kê tài nguyên nước phải bảo đảm kết nối với cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên môi trường và chuyển đổi số quốc gia; xây dựng các biểu mẫu, quy trình, phương pháp kiểm kê; tập huấn, chuyển giao và hướng dẫn sử dụng phần mềm, hướng dẫn kiểm kê.
Việc tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia được thực hiện và công bố số liệu trong kỳ kiểm kê trên phạm vi cả nước với đối tượng thực hiện là nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất, nguồn nước mưa, và các công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước…
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Đề án thực hiện xây dựng nội dung, dự toán và kế hoạch chi tiết để thực hiện kiểm kê tài nguyên nước trên phạm vi cả nước, bảo đảm khả thi, hiệu quả, đồng bộ và tránh lãng phí nguồn lực; thu thập, kế thừa các thông tin, số liệu liên quan đến chỉ tiêu kiểm kê, điều tra cơ bản từ các giai đoạn trước và trong kỳ kiểm kê.
Sản phẩm của Đề án là báo cáo kết quả tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; Phần mềm quản lý, cập nhật, khai thác dữ liệu kiểm kê tài nguyên nước; Các báo cáo chuyên đề theo từng chỉ tiêu kiểm kê; Bộ thông tin, số liệu về kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; Hồ sơ công bố kết quả tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025.
Bộ TN&MT sẽ phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán kinh phí; thống nhất với Bộ Tài chính cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện và tổ chức thực hiện việc kiểm kê đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; Tổ chức kiểm kê chỉ tiêu và tổ chức kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc tổ chức thực hiện Đề án.
Nguyên Đỗ