Chủ nhật, 24/11/2024 08:27 (GMT+7)
Thứ năm, 11/11/2021 07:00 (GMT+7)

Xe điện có thực sự thân thiện với môi trường như chúng ta nghĩ?

Theo dõi KTMT trên

Xe điện (EV) là vũ khí lợi hại của thế giới trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên tác động của chúng rất khác nhau giữa các quốc gia trên thế giới, thậm chí xe điện còn gây ô nhiễm hơn cả các loại xe chạy bằng xăng.

Theo dữ liệu từ Công ty tư vấn nghiên cứu Radiant Energy Group (REG), tại châu Âu - nơi doanh số bán hàng đang tăng nhanh nhất trên thế giới, xe điện ở Ba Lan và Kosovo thực sự tạo ra nhiều khí thải carbon hơn vì các hệ thống lưới điện phụ thuộc rất nhiều vào than đá.

Tuy nhiên, ở những nơi khác trên khắp châu Âu có sự cải thiện hơn, mặc dù mức tiết kiệm carbon tương đối phụ thuộc vào loại lưới cung cấp và thời gian các phương tiện trong ngày được sạc.

Theo đó, những nước có thành tích tốt nhất là Thụy Sĩ sử dụng năng lượng hạt nhân và thủy điện ở mức tiết kiệm 100% carbon đối với xe chạy xăng, Na Uy 98%, Pháp 96%, Thụy Điển 95% và Áo 93%.

Xe điện có thực sự thân thiện với môi trường như chúng ta nghĩ? - Ảnh 1
Xe Renault Kangoo ZE được sạc điện tại đại lý Renault ở Cagnes-Sur-Mer, Pháp. (Ảnh: REUTERS)

Trong khi đó, những nước đi sau là Síp với 4%, Serbia 15%, Estonia 35% và Hà Lan 37%. Dữ liệu cũng cho thấy, một tài xế lái xe EV tại nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu của Đức, hoạt động dựa trên sự kết hợp giữa năng lượng tái tạo và than đá sẽ giúp tiết kiệm 55% khí nhà kính.

Ở các quốc gia như Đức hoặc Tây Ban Nha đầu tư lớn vào năng lượng mặt trời và gió, việc thiếu bộ lưu trữ năng lượng tái tạo đồng nghĩa với việc lượng carbon tiết kiệm được khi lái xe EV phụ thuộc rất nhiều vào thời gian nạp năng lượng trong ngày.

Trong đó, nếu sạc vào buổi chiều, khi lượng ánh sáng mặt trời và gió nhiều hơn, sẽ tiết kiệm lượng carbon từ 16-18% so với ban đêm khi lưới điện có nhiều khả năng được cung cấp nhiên liệu bằng khí đốt hoặc than đá.

Phân tích dựa trên dữ liệu công khai từ nền tảng minh bạch của nhà điều hành hệ thống truyền dẫn của châu Âu ENTSO-E và Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA).

Nghiên cứu được công bố ngay trước thềm các cuộc đàm phán về giao thông vận tải tại hội nghị thượng đỉnh COP26 của Liên Hợp Quốc, nơi các quốc gia trên thế giới cam kết loại bỏ phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040.

Nghiên cứu cho thấy khả năng giảm phát thải của ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc vào việc tìm ra những cách tốt hơn để khử carbon trong lưới điện và lưu trữ năng lượng tái tạo. Đây được xem là những thách thức mà nhiều nước châu Âu vẫn chưa vượt qua được.

Xe điện có thực sự thân thiện với môi trường như chúng ta nghĩ? - Ảnh 2
Xe điện ở Ba Lan và Kosovo thực sự tạo ra nhiều khí thải carbon hơn vì các hệ thống lưới điện phụ thuộc rất nhiều vào than đá.

Pin Lithium-ion chỉ có thể lưu trữ năng lượng ở mức tối đa trong khoảng 4 giờ, có nghĩa là các quốc gia phải cung cấp một lượng đáng kể năng lượng mặt trời và năng lượng gió vào ban ngày để giữ cho nó hoạt động vào ban đêm.

Trên thực tế, khoảng cách về lượng khí thải giữa xe chạy điện và xe chạy xăng đã giảm trong những năm gần đây. Nguyên nhân là do các nhà sản xuất ô tô nhận thức được rằng họ cần phải đáp ứng các mục tiêu giảm khí thải carbon của EU trong khi vẫn bán phần lớn xe động cơ đốt trong giúp động cơ của họ tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Dữ liệu thống kê của EEA chỉ rõ, cường độ carbon của các xe ô tô chạy bằng xăng mới đăng ký ở châu Âu đã giảm trung bình 25% từ năm 2006 đến năm 2016. Theo đó, doanh số bán xe điện ở châu Âu được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp và quy định của Chính phủ đối với ô tô động cơ đốt trong (ICE) mới từ năm 2035. Một trong năm chiếc xe được bán ra ở châu Âu trong quý trước đã được điện khí hóa và công ty tư vấn Ernst &Young dự kiến doanh số của các mẫu xe không phát thải sẽ vượt qua ICEs về mặt tuyệt đối vào năm 2028.

Các nhà sản xuất ô tô bao gồm General Motors, Stellantis và Volkswagen đã đặt mục tiêu bán hầu hết hoặc độc quyền xe điện ở châu Âu trong những năm tới, với GM cam kết sẽ có một dòng xe điện ở châu Âu vào năm 2022 và Volkswagen đặt mục tiêu 70% doanh số hoàn toàn bằng điện vào năm 2030.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Xe điện có thực sự thân thiện với môi trường như chúng ta nghĩ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới