Chủ nhật, 24/11/2024 11:48 (GMT+7)
Thứ hai, 04/11/2019 10:00 (GMT+7)

Xử lý hiệu quả hành vi xâm phạm di sản quốc gia

Theo dõi KTMT trên

Thời gian gần đây, những vụ việc liên quan các công trình xây dựng xâm phạm nghiêm trọng các di sản văn hóa và thiên nhiên quốc gia liên tục diễn ra khiến dư luận không khỏi bức xúc. Cũng từ đây, đặt ra vấn đề về tầm nhìn trong quy hoạch và trách nhiệm quản lý, bảo vệ di sản của các cơ quan chức năng.

Xử lý hiệu quả hành vi xâm phạm di sản quốc gia - Ảnh 1
Hình ảnh công trình xây trái phép trên đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Hoàng Dương

Khi vụ việc công trình nhà 7 tầng xây trái phép trên đèo Mã Pì Lèng còn chưa yên thì mới đây dư luận lại dậy sóng với dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, thuộc địa bàn xã Lũng Cú (huyện Ðồng Văn, Hà Giang). Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vị trí của dự án nằm trong lòng Công viên cao nguyên đá Ðồng Văn, nơi đã được UNESCO ghi danh là Công viên địa chất toàn cầu năm 2010, chưa tuân thủ hai quy hoạch về cao nguyên đá Ðồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017 là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030.

Ðiều đáng bàn là dù sai phạm nhưng các công trình này vẫn cứ được thi công. Ðến thời điểm này, dù khắc phục bằng cách nào thì suy cho cùng, các di sản cũng đã bị xâm hại và không thể lấy lại sự nguyên vẹn như vốn có. Thêm nữa, đối với di sản, nếu cứ khắc phục bằng cách sai rồi mới sửa, thi công rồi mới dỡ thì không hiểu có bao nhiêu di tích, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng sẽ còn bị xâm phạm, nhất là khi thời gian qua, hàng loạt di sản nổi tiếng của Việt Nam đã phải kêu cứu vì những công trình sai phạm cứ thế xuất hiện trong vùng di sản.

Báo giới từng tốn không ít giấy mực phản ánh tình trạng bán đảo Sơn Trà, nơi được ví là lá phổi xanh của Ðà Nẵng bị xâm lấn bởi hàng loạt công trình trái phép; hay việc một công trình du lịch đồ sộ bỗng mọc lên ngay ở vùng lõi Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình); rồi pho tượng Bà Chúa Xứ thứ hai được doanh nghiệp thi công “chui” trên núi Sam (An Giang)… Không ít người đặt câu hỏi, khi các dự án “khủng” này đang triển khai thì các cấp quản lý đang ở đâu, để khi việc đã rồi mới đi “dập lửa”? Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, trong những vụ việc này, bên cạnh nguyên nhân thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng luật pháp của người dân và doanh nghiệp, còn là sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý và bảo vệ di sản của cơ quan chức năng các cấp khi cấp phép các công trình xây dựng liên quan di sản. Nếu những quy định hiện hành được thực hiện từ đầu, kiểm tra, giám sát một cách nghiêm túc, sẽ khó xuất hiện những vụ việc kiểu “con voi chui lọt lỗ kim” như đã thấy.

Trên thực tế, nhiều di sản trên khắp cả nước đã được xếp hạng, vinh danh cấp tỉnh, quốc gia, thế giới trong thời gian qua. Mục đích của việc xếp hạng, vinh danh là để nhận thức, đánh giá đúng giá trị của di tích, di sản để từ đó tìm cách bảo vệ, khai thác và phát huy. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là dường như sau khi có danh hiệu, những vi phạm trong ứng xử với di sản lại xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Dễ nhận thấy trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, phần lớn vẫn nặng về khai thác mà chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo vệ di sản để bảo đảm phát triển bền vững. Những công trình, dự án cứ được tiến hành, nhưng không có sự tính toán, tham vấn kỹ từ những chuyên gia di sản văn hóa, không có những đánh giá tác động đến môi trường, cảnh quan di sản, cho nên không khống chế được những ảnh hưởng tiêu cực vượt giới hạn cho phép.

Ðã có quá nhiều dẫn chứng cho thấy sự vi phạm nguyên tắc cái mới, cái xây sau phải tôn trọng di sản gốc, cho nên bài toán cân bằng giữa bảo tồn và phát triển càng trở nên hóc búa, khó giải. Do đó, ứng xử với di sản - nguồn tài nguyên vô giá vốn nhạy cảm và dễ bị tổn thương, đòi hỏi trách nhiệm và cả tầm nhìn của các cấp quản lý trong việc tổ chức quy hoạch địa giới, khoanh vùng di sản. Quy hoạch cần bảo đảm vừa tổng thể, vừa chi tiết và không thể có những vùng mập mờ, không rõ ràng. Theo đó, phải quy định rõ khu vực nào được xây dựng, mức độ đến đâu, kiến trúc như thế nào, khu vực nào nhất định không được xây dựng... để có cơ sở quản lý và thanh, kiểm tra các dự án, công trình liên quan di sản.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với những sai phạm trong xây dựng các công trình liên quan đến di sản, cần truy cứu, kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các bên liên quan và xử lý sai phạm đến cùng. Bởi nếu không giải quyết nghiêm khắc sẽ dễ tạo nên hội chứng người này làm được người khác cũng làm được, chỗ này làm được chỗ kia cũng làm được. Nếu chỉ phạt tiền (dù là con số lớn) rồi cho tồn tại cũng sẽ không thể làm gương cho những vi phạm tiếp theo, và hệ lụy trong lương lai là điều không thể lường hết...

Bạn đang đọc bài viết Xử lý hiệu quả hành vi xâm phạm di sản quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới