Chủ nhật, 24/11/2024 05:38 (GMT+7)
Thứ năm, 29/02/2024 10:00 (GMT+7)

Xử lý nghiêm cán bộ địa phương, 'đất tặc, cát tặc' hết lộng hành

Theo dõi KTMT trên

Vấn nạn “cát tặc, đất tặc” trong thời gian qua không chỉ gây bức xúc xã hội, thất thoát tài nguyên, khoáng sản Nhà nước mà còn gây hư hại hệ thống giao thông, đê kè, sạt lở nhà cửa, tài sản, hoa màu của người dân tại nhiều địa phương.

Mặc dù hành vi khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép người dân đều biết, cơ quan truyền thông báo chí không ít lần phản ánh nhưng địa phương không kiểm tra, xử lý. Cho dù PV theo dõi mảng tài nguyên môi trường ghi nhận hình ảnh liên hệ chính quyền địa phương nếu không bị né tránh, cũng gây khó khăn trong quá trình tác nghiệp, tìm hiểu thông tin. Có những địa phương lấy lý do không bắt được quả tang, lực lượng mỏng, thiếu cán bộ kiểm tra hay không đủ thẩm quyền …  

Có những nơi người dân phải luân phiên nhau chia ca trông coi, cùng nhau xua đuổi “cát tặc, đất tặc” để bảo vệ nhà cửa, hoa màu tài sản của gia đình mình.

Xử lý nghiêm cán bộ địa phương, 'đất tặc, cát tặc' hết lộng hành - Ảnh 1
Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra ở nhiều địa phương.

Ngày 26/1/2024, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với loạt lãnh đạo, cán bộ xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy) gồm Đồng Minh Chính (50 tuổi - Chủ tịch), Nguyễn Mậu Tuyến (52 tuổi - Phó Chủ tịch) và Bùi Anh Bính (61 tuổi, nguyên cán bộ địa chính) về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo kết quả điều tra các lãnh đạo này đã không chỉ đạo kịp thời và thực hiện các biện pháp ngăn chặn để cho Mai Văn Bấn (65 tuổi, người địa phương) có hành vi thuê người múc, vận chuyển đất và bơm hút cát (khoáng sản) trái phép trong khoảng thời gian từ ngày 24/4/2023 đến 28/7/2023. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Mai Văn Bấn về tội "vi phạm quy định về khai thác tài nguyên". Tại cơ quan điều tra, bị can Bấn thừa nhận đã khai thác tài nguyên khi không được cấp phép, phục vụ công trình trên địa bàn xã Thụy Trường và thu lời được hơn 1 tỉ đồng.

Xử lý nghiêm cán bộ địa phương, 'đất tặc, cát tặc' hết lộng hành - Ảnh 2
Lãnh đạo xã Thụy Trường (Thái Thụy) bị khởi tố (ảnh từ công an tỉnh Thái Bình).

Ngày 8/2/2024, UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có công văn gửi Công an huyện, Phòng TN&MT về việc xử lý vi phạm khai thác tài nguyên đất, hủy hoại đất rừng trên địa bàn xã Hồng Kỳ.

Trong các ngày 21/1/2024 đến 3/2/2024, khu vực đồi Truyền Thanh (thôn 2, xã Hồng Kỳ) liên tục xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên đất thuộc đất rừng để vận chuyển ra ngoài khu vực. Vi phạm này đã được UBND xã Hồng Kỳ và Công an xã Hồng Kỳ kiểm tra, phát hiện nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để. Theo kết quả kiểm tra diện tích đất bị khai thác gần 9.500m2, khối lượng đất đã khai thác hơn 25.500m3.

Vi phạm này được xác định đã làm thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước, hủy hoại đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo Công an huyện điều tra, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm để xử lý nghiêm. Trong quá trình điều tra, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sóc Sơn khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo đúng quy định của pháp luật.

Xử lý nghiêm cán bộ địa phương, 'đất tặc, cát tặc' hết lộng hành - Ảnh 3
Khai thác đất trái phép ở Sóc Sơn (Hà Nội)

Ngoài ra, cơ quan chức năng được giao kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của Trưởng Công an xã Hồng Kỳ trong việc chậm phát hiện, không kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm khai thác tài nguyên đất, hủy hoại đất rừng, để người dân bức xúc phản ánh đến các cơ quan quản lý Nhà nước. Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND huyện trong việc để xảy ra vi phạm khai thác tài nguyên đất, hủy hoại đất rừng mà không có biện pháp xử lý dứt điểm, kịp thời.

Thiết nghĩ với cách làm mạnh tay như tỉnh Thái Bình, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ địa phương “cát tặc, đất tặc” sẽ hết lộng hành.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam: Hoạt động khai thác đất, cát trái phép đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ… Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.

Kiên Giang

Bạn đang đọc bài viết Xử lý nghiêm cán bộ địa phương, 'đất tặc, cát tặc' hết lộng hành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới