Chủ nhật, 24/11/2024 10:40 (GMT+7)
    Thứ năm, 09/12/2021 07:00 (GMT+7)

    Xu thế bùng nổ ứng dụng FINTECH trong giao dịch bất động sản

    Theo dõi KTMT trên

    Thị trường đang chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ của Fintech trong lĩnh vực bất động sản. Fintech đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, góp phần thay đổi bộ mặt của lĩnh vực tài chính trên thế giới.

    Tạo ra bước đột phá

    Là một trong những làn sóng dẫn đầu cuộc cách mạng 4.0, Fintech (Financial Technology – Công nghệ tài chính) đã tạo ra những thay đổi chóng mặt trên thị trường tài chính toàn cầu. Đặc biệt là sự thâm nhập mạnh mẽ của Fintech trong lĩnh vực BĐS (BĐS). Thực tế này được dự báo sẽ giúp cho việc mua, bán nhà trở nên hiệu quả hơn so với phương thức truyền thống, thậm chí sẽ trở thành xu hướng tất yếu của thị trường BĐS trong tương lai. 

    Theo TS Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia (VINEN), ở Việt Nam mới có hơn 600.000 doanh nghiệp, cơ hội khởi nghiệp là rất lớn, đặc biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ và thương mại điện tử. Nhiều nhà sản xuất muốn tung sản phẩm ra thị trường và họ cần công cụ về thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng nhanh nhất, nhiều nhất.

    Xu thế bùng nổ ứng dụng FINTECH trong giao dịch bất động sản - Ảnh 1
    Thị trường đang chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ của Fintech trong lĩnh vực BĐS. (Ảnh: Handout)

    “Người tiêu dùng cũng cần công cụ tìm các sản phẩm có nhu cầu, so sánh giá, tìm kiếm sản phẩm chất lượng qua thương mại điện tử được đáp ứng nhanh nhất. Thanh toán tài chính trên thương mại điện tử không chỉ người kinh doanh mà ngay cả khách hàng cũng rất cần, đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp”, ông Hòa cho biết.

    Theo các chuyên gia, xu thế tới đây, các lĩnh vực có giá trị thanh toán cao như BĐS, ô tô… đều có thể giao dịch thông qua đồng tiền kỹ thuật số ứng dụng công nghệ Fintech. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, đòi hỏi có những định hướng chính sách và hành lang pháp lý mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, song vẫn phải ngăn chặn được những tác động tiêu cực đến người tiêu dùng cũng như nền kinh tế.

    Fintech trong BĐS là việc các chủ đầu tư sử dụng các ứng dụng công nghệ (Blockchain) trong thanh toán, đầu tư BĐS. Có thể hiểu một cách đơn giản hơn, đây là ứng dụng thanh toán, đầu tư tài chính tích hợp trong công nghệ. Hiện nay, dòng vốn từ Fintech vào thị trường BĐS không nhiều nhưng là một kênh thị trường rất tiềm năng để nghiên cứu phát triển trong tương lai ở 3 khía cạnh chính sau:

    Thứ nhất, Fintech thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh trong BĐS, làm cho việc mua bán nhà trở nên hiệu quả nhiều lần so với phương thức truyền thống. Khách hàng sẽ dễ dàng mua một ngôi nhà như mua một cuốn sách trên Tiki. Mọi thỏa thuận và ký kết sẽ được thực hiện một cách tự động.

    Thứ hai, sự có mặt của Fintech trong các trang web và ứng dụng BĐS sẽ cung cấp thông tin các dự án minh bạch, cắt giảm đáng kể số lượng người trung gian trong mọi giao dịch, thúc đẩy hoạt động mua bán diễn ra nhanh hơn, tiện lợi hơn và đặc biệt chi phí thấp hơn.

    Thứ ba, Fintech là một kênh thu hút vốn đầu tư BĐS. Hiện nay, Fintech chủ yếu là thanh toán nhưng trong tương lai, sẽ có những Fintech huy động vốn cộng đồng để đầu tư vào BĐS hoặc góp phần tạo hệ sinh thái BĐS.

    Xu thế bùng nổ ứng dụng FINTECH trong giao dịch bất động sản - Ảnh 2
    Fintech sẽ trở thành một kênh thị trường rất tiềm năng để nghiên cứu phát triển trong tương lai tại lĩnh vực BĐS. (Ảnh minh họa)

    Theo nhận định của Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS Cấn Văn Lực, trong lĩnh vực BĐS, sự tham gia của Fintech sẽ có 4 chức năng chính.

    Một là, kênh để thị trường huy động vốn, nhất là nguồn vốn từ cộng đồng và có thể tồn tại dưới quỹ đầu tư hoặc nền tảng công nghệ để chủ đầu tư BĐS và nhà đầu tư bên ngoài trực tiếp liên kết với nhau.

    Hai là thanh toán, nhất là thanh toán tiền thuê, thủ tục phí, thanh toán các khoản chi phí có liên quan.

    Ba là, để so sánh về lãi suất, tỉ giá giữa các tổ chức tài chính, các nền tảng tài chính với nhau để cả chủ đầu tư và người mua BĐS có thể tham khảo.

    Bốn là, về lâu dài tiền kỹ thuật số sẽ phát triển, từ đó thanh toán không dùng tiền mặt trong BĐS cũng sẽ được thúc đẩy mạnh hơn.

    Cơ hội, thách thức để phát triển

    Cơ hội mở ra cho Fintech BĐS là rất lớn. Song có một thực tế là, dù đã phát triển mạnh mẽ ở các nước phát triển, nhưng lĩnh vực công nghệ tài chính - Fintech trong thị trường BĐS ở Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ. Trong khi đó, tài chính, cùng với yếu tố đất đai là 2 yếu tố quan trọng nhất của thị trường BĐS hiện nay.

    Một trở ngại nữa được đặt ra đó là đối với nhiều chủ đầu tư hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã là việc khó chứ chưa nói đến chuyện kết hợp với Fintech. Do đó, để chủ đầu tư cũng như Fintech bắt tay được với nhau thì chính chủ đầu tư phải thay đổi phần "lõi" của mình để có thể khớp được vào thân của Fintech. Ngược lại, các doanh nghiệp Fintech cũng phải nghiên cứu những ứng dụng phù hợp với từng doanh nghiệp BĐS.

    Xu thế bùng nổ ứng dụng FINTECH trong giao dịch bất động sản - Ảnh 3
    Thách thức lớn nhất có lẽ là hành lang pháp lý mới cho sáng tạo và phát triển của thị trường Fintech trong sự phát triển của ngân hàng số và lĩnh vực BĐS. (Ảnh: VnEconomy)

    Kể từ khi quốc gia đầu tiên trên thế giới là Vương quốc Anh (Cơ quan Giám sát tài chính Anh - FCA) ban hành Khuôn khổ thử nghiệm Fintech (gọi tắt là Sandbox) vào tháng 11/2015, hiện đã có 28 quốc gia trên thế giới có cách tiếp cận tương tự.

    Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonexia là bốn quốc gia đầu tiên ban hành “Regulatory Sandbox”, trong đó Singapore là quốc gia ban hành đầu tiên vào tháng 6/2016.

    Cũng như các nước trên thế giới, Việt Nam đang gặp một số thách thức mới trong quản lý nhà nước với sự xuất hiện của các công ty Fintech hoạt động trong các lĩnh vực như cho vay ngang hàng, các mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, tiền ảo/tài sản ảo, phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng (ICOs), kinh doanh đa cấp lợi dụng danh nghĩa tiền ảo/tài sản ảo... Hoạt động của loại hình các công ty nêu trên đã phát sinh những vấn đề xung đột lợi ích nhất định giữa các bên.

    Thách thức lớn nhất có lẽ là hành lang pháp lý mới cho sáng tạo và phát triển của thị trường Fintech trong sự phát triển của ngân hàng số cũng như hợp tác phát triển giữa ngân hàng và Fintech khi chia sẻ thông tin khách hàng, chia sẻ rủi ro, trách nhiệm giữa các bên với khách hàng trong mô hình kinh tế chia sẻ này. Các mô hình kinh doanh mới được số hóa mạnh mẽ và giao dịch qua môi trường mạng không giới hạn về không gian và thời gian sẽ là thách thức lớn cho cơ quan quản lý về thuế, về bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro ngày một tinh vi hơn. Bên cạnh đó mô hình cho vay P2P lending hiện tại cũng chứa đựng rủi ro lớn do chưa có khung pháp lý bảo vệ. Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa công bố dự thảo quy định quản lý hoạt động này.

    Trên thực tế, thể chế quản lý đối với lĩnh vực Fintech tại Việt Nam hiện nay chưa được đề cập trong hệ thống văn bản quản lý nhà nước; Các lĩnh vực hoạt động cụ thể của Fintech hiện cũng chưa có khuôn khổ pháp lý riêng để điều chỉnh, ngoại trừ lĩnh vực thanh toán.

    Kinh nghiệm xử lý đối với trường hợp Uber và Grab tham gia thị trường vận tải tại Việt Nam vừa qua đã cho thấy, bài học sâu sắc cho ngành tài chính - ngân hàng về việc ứng phó đối với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ; Nếu không chuẩn bị trước, đặc biệt là một hành lang pháp lý thì việc quản lý nhà nước có thể sẽ gặp nhiều lúng túng khi các công ty Fintech mở rộng phạm vi hoạt động.

    Do vậy, yêu cầu cấp thiết trước mắt cần có một “cơ chế quản lý thử nghiệm” để tạo khuôn khổ giám sát và quản lý cho sự hoạt động của các công ty trong lĩnh vực này nhằm hạn chế tối đa việc cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ.

    Theo đề xuất của ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), cần có thêm các điều khoản pháp lý để áp dụng với các khoản giao dịch tài chính thông qua dịch vụ phi ngân hàng nhằm giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra. “Fintech trong BĐS là xu hướng không thể bỏ qua, cần được quan tâm và tạo hành lang pháp lý để khai thác những tiềm năng của lĩnh vực này”, ông Hà nhấn mạnh.

    “Fintech dù là khái niệm mới nhưng sẽ là xu thế và cũng là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp BĐS tăng tính cạnh tranh, tạo đột phá trong thời kỳ phát triển mới. Fintech mang sứ mệnh đưa thị trường BĐS phát triển lên tầm cao mới", bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, đồng Chủ tịch Realtech Việt Nam khẳng định. 

    Lan Anh (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Xu thế bùng nổ ứng dụng FINTECH trong giao dịch bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới