Chủ nhật, 24/11/2024 09:34 (GMT+7)
Thứ tư, 10/07/2019 16:00 (GMT+7)

Xuất hiện 2 trường hợp đầu tiên phản ứng vắc xin ComBE Five tại TP.HCM

Theo dõi KTMT trên

Ngày 9/7, Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết, hệ thống giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng trên địa bàn đã ghi nhận 2 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin ComBE Five tại quận Tân Phú và quận Thủ Đức.

Xuất hiện 2 trường hợp đầu tiên phản ứng vắc xin ComBE Five tại TP.HCM - Ảnh 1
Phụ huynh cần chú ý theo dõi trẻ sau khi tiêm chủng, nếu có dấu hiệu bất thường phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất - Ảnh minh họa

Đây là thông tin chính thức được công bố tại Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng tháng 7 vào chiều 9/7. Hai trường hợp được xác định là: 1 trẻ tiêm tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu (quậnThủ Đức) và 1 trẻ tiêm tại Trạm Y tế phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú).

Trường hợp thứ nhất là bé L.M.P.T. (3 tháng tuổi) được gia đình đưa đến tiêm ngừa vắc-xin ComBE Five và uống vắc-xin OPV tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức lúc 8h30 ngày 17/5/2019. Sau chủng ngừa, được theo dõi tại Trạm Y tế trong thời gian 30 phút nhưng không có biểu hiện bất thường. Trước khi bệnh nhi về nhà, người mẹ đã được nhân viên y tế hướng dẫn theo dõi, chăm sóc bé tại nhà trong 48 giờ tiếp theo.

Tuy nhiên sau hơn 2 giờ sau khi tiêm chủng, bé gái L.M.P.T. đã khóc thét, tím tái và lịm đi nên người nhà đã đưa bé trở lại trạm y tế. Tại đây, bé được bác sĩ của trạm y tế khám và xử trí Adrenaline theo phác đồ xử trí phản vệ của Bộ Y tế. Tuy nhiên, do lo ngại với trường hợp của bé, nhân viên Y tế tại trạm y tế đã báo ngay cho Bệnh viện quận Thủ Đức điều xe cấp cứu đưa bé T. đến bệnh viện để theo dõi và điều trị.

Đặc biệt, trường hợp trẻ tiêm vắc-xin ComBE Five bị nguy kịch xảy ra tại Trạm Y tế phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú) là bé trai H.T.T. (2 tháng tuổi). Bé trai này tiêm vắc-xin vào lúc 8h30 ngày 26/6. Sau khi tiêm chủng, bé được theo dõi 30 phút tại trạm y tế nhưng không phát hiện bất thường nào.

Khoảng 3 giờ sau tiêm chủng, tại gia đình trẻ có biểu hiện khóc nấc, khó thở, da xanh tái sau đó tím tái, lịm người. Bé nhanh chóng được người thân đưa trở lại Trạm Y tế. Bệnh nhi đã được xử lý theo phác đồ của Bộ Y tế sau đó chuyển đến Bệnh viện quận Tân Phú để theo dõi, điều trị. Sau 2 ngày tại bệnh viện, sức khỏe của bé bình phục hoàn toàn, cháu được xuất viện về với gia đình.

Ngay sau khi xảy ra 2 trường hợp bị tai biến nghiêm trọng trên, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP. HCM đã họp và đánh giá nguyên nhân gây ra tai biến này là do phản ứng phản vệ độ III xảy ra sau khi tiêm vắc-xin ComBE Five.

Hội đồng chuyên môn cho rằng, cả 2 cơ sở tiêm chủng trên đã phát hiện và xử lý kịp thời đúng phác đồ sốc phản vệ của Bộ Y tế và điều chuyển bệnh nhi đến cơ sở có đủ thiết bị y tế, chăm sóc kỹ lưỡng nên 2 bé đã nhanh chóng được phục hồi.

Theo GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương:

Vắc-xin ComBE Five do Ấn Độ sản xuất đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành ở Việt Nam từ tháng 5/2017. Vắc-xin này có thành phần tương tự như Quinvaxem, có hiệu quả phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib; đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO và đã được sử dụng ở hơn 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều.

Ở Việt Nam, vắc-xin ComBE Five được triển khai đồng loạt trên toàn quốc vào cuối tháng 12 năm 2018, thay thế cho vắc-xin Quinvaxem trước đó.

Diệu Nguyên (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Xuất hiện 2 trường hợp đầu tiên phản ứng vắc xin ComBE Five tại TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới