Xuất hiện 4 cơn bão liên tiếp khiến bão số 6 diễn biến rất phức tạp
Bão số 6 nằm trong 1 dải hội tụ nhiệt đới liên hành tinh với 4 cơn bão đều cùng hoạt động làm cho cơn bão số 6 có diễn biến tương đối phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo khí hậu Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, bão số 6 nằm trong 1 dải hội tụ nhiệt đới liên hành tinh và nằm trên chuỗi xoáy cận nhiệt đới, tức là cùng một lúc trên các đại dương 4 cơn bão đều cùng hoạt động là Nakri (Biển Đông), Maha (Ấn Độ Dương), Halong (Tây Bắc Thái Bình Dương) và bão Vịnh Bengan làm cho cơn bão số 6 có diễn biến tương đối phức tạp. Những hình thái này gây khó khăn vô vàn cho các dự báo viên không chỉ Việt Nam và trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo khí hậu Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia |
"Về tương tác giữa dải hội tụ nhiệt đới liên hành tinh đó làm cho cơn bão số 6 lúc thì đi ra, lúc thì đi vào, cường độ thay đổi thường xuyên và bị phụ thuộc vào cơn bão Ha Long và các cơn bão khác, áp thấp nhiệt đới cùng không khí lạnh tràn xuống trong những ngày 7-8/11. Do có quá nhiều yếu tố tác động như vậy nên hiện tại tất cả các mô hình dự báo trên thế giới như của Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan,... đều chưa có dự báo ổn định mà đang thay đổi liên tục thậm chí là trái ngược nhau", ông Hưởng cho hay.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, vào hồi 4h ngày 7/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 340km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 110km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chậm theo hướng Đông, sau đó có khả năng đổi hướng, di chuyển chậm về phía Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4h ngày 8/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 320km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.
Cùng một lúc trên các đại dương 4 cơn bão đều cùng hoạt động là bão Nakri (Biển Đông), Maha (Ấn Độ Dương), Halong (Tây Bắc Thái Bình Dương) và bão Vịnh Bengan |
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh: phía Bắc vĩ tuyến 11,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4h ngày 9/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 180km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14.
Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ nhanh hơn, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 4 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Quảng Ngãi - Khánh Hòa khoảng 280km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Trong 72-96 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 11/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền các tỉnh Tây Nguyên.
Trong 96-120 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và đi sâu vào đất liền, sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc Campuchia. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.