Xuất nhập khẩu của TP.HCM khởi sắc, tăng trưởng ấn tượng trong quý 1/2022
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, lũy kế cả quý 1, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 11,9 tỷ USD, tăng 3,5% so cùng kỳ.
Cục Thống kê TP.HCM cho biết, trong thời gian gần đây, hoạt động thương mại dịch vụ của Thành phố đang trên đà phục hồi nhanh và tăng trưởng trở lại sau khi tình hình dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, người dân quay trở lại thành phố làm việc, thích nghi với tình hình dịch hiện nay. Tâm lý e ngại dịch bệnh như trước đây cũng dần thay đổi.
Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM nêu rõ, trong tháng 3/2022, nhiều đơn vị kinh doanh đã triển khai các chính sách kích cầu trên nhiều phương tiện điện tử, kênh mua hàng trực tuyến, trực tiếp tại cửa hàng nhằm thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng chính trị trên thế giới, diễn biến giá cả thị trường ở một số nhóm ngành hàng như xăng dầu, sắt thép, vàng bạc, nguyên liệu sản xuất… có nhiều biến động.
Trong quý I năm 2022, mặc dù đại dịch Covid-19 và xung đột Nga – Ukraine có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại quốc tế, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP.HCM vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tăng 3,5% và nhập khẩu tăng 18,4%.
Theo số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, ước tính tháng 3/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 4.585,5 triệu USD, tăng 42,7% so với tháng trước. Riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 4.428,8 triệu USD, tăng 44,7%.
Tính riêng tại Thành phố, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Thành phố xuất qua cảng tại TP.HCM gồm cả dầu thô, trong tháng 3/2022 đạt 3.917,7 triệu USD, tăng 40,2% so với tháng trước.
Về cơ cấu xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao nhất, đạt 7.432,3 triệu USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 75,3%; tập trung chủ yếu vào 5 mặt hàng: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt – may, giày dép, máy móc – trang thiết bị khác.
Đáng chú ý, nhóm hàng nông sản có giá trị xuất khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 54,% so với cùng kỳ và chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố, trong đó xuất khẩu gạo tăng 39,8%, cà phê tăng 64,8%, cao su tăng 12,2%. Riêng nhóm hàng thủy hải sản có giá trị xuất khẩu đạt 270 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ.
Xét thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp thành phố với kim ngạch xuất khẩu trong quý 1/2022 đạt hơn 2,5 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ, chiếm 24,5% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đó là Hoa Kỳ đứng thứ 2 với giá trị xuất khẩu đạt hơn 1,6 tỷ USD, tăng 5%, chiếm tỷ trọng 16,2%; vị trí thứ 3 là thị trường Nhật Bản đạt 701,8 triệu USD, tăng 8,7%, chiếm tỷ trọng 6,8% và Hong Kong tỷ trọng 6,3%.
Hoạt động nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng trưởng với tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố trong tháng 3 tại các cửa khẩu trên cả nước đạt gần 6,8 tỷ USD, tăng 30,6% so với tháng trước.
Tính chung quý 1/2022, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt gần 17,4 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 274 triệu USD, tăng 9,3%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt gần 7,5 tỷ USD, tăng 90%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,3 tỷ USD, tăng 1,6%.
Xét về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 8,1 tỷ USD, tăng 27,4%, chiếm tỷ trọng 57,9%; nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu đạt 4,2 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng gần 30% tổng giá trị nhập khẩu. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; chất dẻo nguyên liệu…
Kim ngạch nhập khẩu của TP.HCM tăng trong tháng 3, trong quý 1 và tăng tháng sau cao hơn tháng trước trong quý I, là do kinh tế TP.HCM phục hồi, sản xuất công nghiệp tăng. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3 ước tăng 25,9% so với tháng 02/2022 và tăng 5,5% so cùng kỳ. Tính chung cả quý I, IIP trên địa bàn TP.HCM tăng 1,0% so cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,2%.
Mai Huỳnh