Chủ nhật, 24/11/2024 08:56 (GMT+7)
Thứ sáu, 27/12/2019 07:30 (GMT+7)

Xuất siêu của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước tới nay

Theo dõi KTMT trên

Theo ông Trần Thanh Hải, nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây đã đảo chiều.

Xuất siêu của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước tới nay - Ảnh 1
Tàu 22.000 tấn vào bốc xếp hàng hóa tại cảng Chu Lai. (Ảnh: TTXVN).

Mặc cho kinh tế thế giới liên tục giảm sút về tổng cầu, xuất khẩu năm 2019 của Việt Nam vẫn vươn lên và duy trì tốc độ khả quan.

Đặc biệt hơn, bên thềm năm mới, thặng dư của cả nước chạm ngưỡng 9,94 tỉ USD. Đây là mức xuất siêu cao nhất từ trước tới nay và là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam xuất siêu liên tiếp.

Kỳ tích này, đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), giúp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỉ giá và cải thiện cán cân thương mại.

Gặt hái thành công

Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết thực tế, năm 2019 được đánh giá là năm khó khăn cho hoạt động ngoại thương.

Tuy nhiên, với nỗ lực của các doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt được con số ấn tượng khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt 264 tỉ USD, tăng khoảng 8% so với năm 2018, tạo nên con số xuất siêu 9,94 tỉ USD và kim ngạch 2 chiều đạt hơn 500 tỉ USD đầy ấn tượng.

Góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu năm 2019 là nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 222,172 tỉ USD, chiếm khoảng 84,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Trong 34 nhóm hàng công nghiệp chế biến chủ yếu, có tới 26 nhóm đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD trở lên, có 8 nhóm hàng đạt hơn 5 tỉ USD và 3 nhóm hàng đạt trên 30 tỉ USD. Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện đạt 51,827 tỉ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 36 tỉ USD; hàng dệt may đạt gần 32,6 tỉ USD…

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, để đạt được kết quả xuất khẩu nêu trên, trước hết phải kể đến sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước về chủ trương, chính sách thương mại, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính … đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, vượt qua nhiều rào cản thương mại từ các thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính bất hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt nhất lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Cụ thể, Bộ rà soát việc nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA; cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, kết nối Cơ chế Một cửa Quốc gia, triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 ...

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ của các nước nhập khẩu để kịp thời thông tin tới các doanh nghiệp và có biện pháp thích hợp đấu tranh tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu.

Mặt khác, Bộ Công Thương còn chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường bền vững, tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế quốc tế.

Điều đáng mừng là tại tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết Hiệp định thương mại tự do đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội. Chẳng hạn như xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tăng 8,3%, Nhật Bản tăng 7,7%; Nga tăng 10%; NewZealand tăng 9,7%...

Không những thế, phản ứng chính sách của Bộ Công Thương và các Bộ ngành đã chủ động, linh hoạt, kịp thời hơn; năng lực tham gia xử lý các vấn đề về tranh chấp thương mại của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp được nâng cao, qua đó đã xử lý một cách bài bản và hiệu quả các vấn đề phát sinh từ hội nhập.

Chia sẻ thêm về cơ cấu hàng hoá, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho hay htời gian qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp.

Điều này hoàn toàn phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 và tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Ông Trần Thanh Hải cũng chỉ ra điểm khác biệt so với các năm trước đây, đó là động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.

Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 4,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 9,7% so với năm ngoái thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10%, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây đã đảo chiều.

Cùng với đó, việc kiểm soát nhập khẩu cũng chặt chẽ hơn. Vì vậy, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại và nhập khẩu các mặt hàng cần thiết cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu đều tăng khá.

Tuy nhiên, trong năm 2019 kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm do gặp khó về thị trường và giá bán.

Hơn nữa, mặc dù Việt Nam đã làm tốt việc đàm phán để nước nhập khẩu cắt giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (thông qua các FTA) nhưng để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế.

Chính vì vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường.

Ngoài ra, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn do nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới trong phòng vệ thương mại đòi hỏi cần có sự khẩn trương nghiên cứu, thay đổi trong cách tiếp cận để kịp thời điều chỉnh, ứng phó.

Chinh phục đỉnh cao

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, năm 2020 sẽ là năm có nhiều khó khăn và thách thức bởi tình hình thế giới về cả khía cạnh chính trị và thương mại sẽ còn diễn biến phức tạp.

Không những thế, các câu chuyện về diễn biến xung đột thương mại, thậm chí là chiến tranh thương mại giữa các cường quốc chưa chấm dứt và sẽ còn tiếp tục có những biểu hiện phức tạp, mở rộng ra nhiều lĩnh vực, cấp độ.

Hơn nữa, bất ổn tại khu vực và quốc tế cũng tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lan rộng nhiều khía cạnh từ tôn giáo, đến vấn đề an ninh, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Điều đó có thể đe dọa đến ổn định của kinh tế và thương mại toàn cầu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Năm 2020, Bộ Công Thương phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8% so với năm 2019; tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 2%.

Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay của Bộ là cần phải tiếp tục tham gia tạo điều kiện ổn định về vĩ mô và môi trường thuận lợi để phục vụ cho hợp tác của Việt Nam với các đối tác, phát triển năng lực sản xuất của nền kinh tế cũng như tham gia thương mại quốc tế.

Thêm nữa, Bộ cũng tập trung vào các động lực cho tăng trưởng bằng cải cách thể chế cũng như pháp lý để có được sự phát triển về chiều sâu, gắn kết chặt chẽ với các hoạt động đầu tư và hội nhập.

Đặc biệt, về phía Bộ không chỉ dừng lại ở việc cắt bỏ hàng rào thuế quan và khai thác mở cửa thị trường, mà sẽ tiến hành cải cách tất cả các khía cạnh và lĩnh vực trong các cam kết hội nhập.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây chính là những giải pháp mang lại động lực cho tăng trưởng, không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn cả tiến bộ xã hội và là nền tảng quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững cho đất nước.

Vì thế, cần đặt yêu cầu tổ chức thực thi các cam kết hội nhập, từ việc nội luật hóa những cam kết trong các FTA cho đến việc đảm bảo tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cho phù hợp với yêu cầu và thách thức trong các khung khổ hội nhập.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực trong hợp tác với các đối tác thương mại, nhất là đối tác có FTA để khai thác thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong từng lĩnh vực. Bởi nếu không đồng bộ hóa các biện pháp đó bằng nỗ lực chung của tất cả các bộ, các ngành, cơ quan chức năng thì sẽ đánh rơi mất những lợi thế, cơ hội.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý tới khung khổ hợp tác công tư giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp vì chủ thể của hội nhập kinh tế cũng như hoạt động xuất nhập khẩu chính là cộng đồng doanh nghiệp, còn nhà nước chỉ kiến tạo.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh Chính phủ đã và đang triển khai nhiều giải pháp, từ các chương trình hành động đến các kế hoạch cải cách để xây dựng môi trường kiến tạo.

Vì vậy, Bộ Công Thương cũng sẽ tự xác định mình trong chương trình lớn đó để hỗ trợ tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm góp phần đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu phát triển bền vững.

Bạn đang đọc bài viết Xuất siêu của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới