Chủ nhật, 24/11/2024 06:30 (GMT+7)
Thứ sáu, 30/04/2021 09:53 (GMT+7)

Xung đột đe dọa hơn 200 loài động, thực vật nguy cấp trên thế giới

Theo dõi KTMT trên

Báo cáo nhấn mạnh đây chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 30.000 động, thực vật bị đe dọa được liệt kê trong "danh sách đỏ, " trong đó có "những loài mang tính biểu tượng."

Xung đột đe dọa hơn 200 loài động, thực vật nguy cấp trên thế giới - Ảnh 1
Loài khỉ đột phương Đông nằm trong danh sách hơn 200 sinh vật bị đe dọa tuyệt chủng. (Ảnh: AP)

Bất ổn dân sự và các cuộc tập trận làm gia tăng nguy cơ đối với hơn 200 loài sinh vật vốn đang bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó có các quần thể voi và loài khỉ đột phương Đông.

Trong báo cáo công bố ngày 28/4, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã xem xét và đánh giá mối liên quan giữa môi trường và xung đột vũ trang, theo đó cảnh báo rằng tình trạng bạo lực và bất ổn đã gây tổn hại nghiêm trọng đối với thiên nhiên.

Theo báo cáo, các cuộc xung đột vũ trang đặc biệt phổ biến ở một số khu vực sở hữu đa dạng sinh học trên thế giới.

IUCN cho biết 219 loài nguy cấp đang phải đối mặt với các mối đe dọa từ "chiến tranh, tình trạng bất ổn dân sự và các cuộc tập trận," bao gồm việc giết hại trực tiếp động vật hoang dã, khiến hệ sinh thái suy thoái và làm gián đoạn các nỗ lực bảo tồn.

Báo cáo nhấn mạnh đây chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 30.000 động, thực vật bị đe dọa được liệt kê trong "danh sách đỏ" của IUCN, nhưng trong số này có "những loài mang tính biểu tượng," trong đó có loài khỉ đột phương Đông cực kỳ nguy cấp, được tìm thấy ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Rwanda và Uganda - những khu vực dễ xảy ra xung đột. 

Báo cáo cũng chỉ ra những tác động nghiêm trọng mà các cuộc xung đột gây ra đối với một loạt loài khác. Trong cuộc chiến tranh năm 1994 ở Rwanda, 90% động vật có vú lớn trong Vườn quốc gia Akagara đã bị giết lấy thịt hoặc bị buôn bán.

Báo cáo cũng phát hiện rằng sự suy thoái hệ sinh thái tự nhiên liên quan đến nguy cơ gia tăng xung đột. Nhìn lại hơn 85.000 sự kiện xung đột vũ trang trong 30 năm qua, vốn khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng, báo cáo xác định rằng xung đột dễ bùng phát ở nơi đất nông nghiệp cằn cỗi và vào thời điểm thường xuyên xảy ra hạn hán.

Ngược lại, xung đột hiếm khi xảy ra ở các khu vực có bảo tồn thiên nhiên. Những khu vực như vậy chiếm khoảng 15% diện tích đất nhưng số vụ xung đột vũ trang được ghi nhận chỉ chiếm 3%.

Báo cáo cũng liệt kê các khuyến nghị chính sách nhằm giảm thiểu và ngăn chặn xung đột vũ trang, bao gồm xây dựng các biện pháp bảo vệ các nhân viên trong các khu bảo tồn, những người bảo vệ môi trường. Báo cáo kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt những người "phạm các tội ác chiến tranh gây tổn hại môi trường."

Trao đổi với báo giới, nhà kinh tế trưởng của IUCN Juha Siikamaki cho biết những phát hiện trên đã nêu bật sự cần thiết của việc bảo tồn, phục hồi và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giúp giảm thiểu xung đột.

Trong bối cảnh suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, việc tính đến mối liên quan giữa xung đột và thiên nhiên khi xây dựng chính sách an ninh, phát triển và môi trường càng trở nên đặc biệt quan trọng.

Về phần mình, bà Kristen Walker, người đứng đầu ủy ban về chính sách môi trường, kinh tế và xã hội của IUCN, nhấn mạnh công tác bảo tồn và quản lý thiên nhiên hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn xung đột và khôi phục hòa bình.

Những biện pháp này hỗ trợ sinh kế và cuộc sống của cộng đồng bản địa và địa phương trong thời kỳ hòa bình, cũng như giúp giảm nguy cơ xung đột bùng phát.

Phương Oanh

Bạn đang đọc bài viết Xung đột đe dọa hơn 200 loài động, thực vật nguy cấp trên thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới