Chủ nhật, 24/11/2024 07:39 (GMT+7)
Thứ hai, 12/04/2021 10:41 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu gây nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài đặc hữu

Theo dõi KTMT trên

Theo một nghiên cứu khoa học mới được công bố trên Tạp chí Biological Conservation, nhiều loài động vật và thực vật độc đáo, chỉ sinh sống ở những địa điểm thắng cảnh kỳ vĩ nhất thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, phần lớn các loài sẽ sống sót nếu các quốc gia có thể chung tay đạt được các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris - giữ cho nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2°C và lý tưởng hơn là ở mức 1,5°C.

Biến đổi khí hậu gây nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài đặc hữu - Ảnh 1
Vượn cáo Madagascar có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Để thực hiện báo cáo này, một nhóm các nhà khoa học toàn cầu đã phân tích gần 300 điểm nóng đa dạng sinh học trên đất liền và trên biển. Đây là những địa điểm tập trung số lượng các loài động thực vật đặc biệt cao. Nhiều điểm nóng trong số này có các loài 'đặc hữu', chỉ sinh sống ở duy nhất một vị trí địa lý, chẳng hạn như một hòn đảo hoặc một quốc gia.

Các phát hiện chính chỉ ra, nếu hành tinh nóng lên trên 3°C thì 1/3 số loài đặc hữu sống trên đất liền và khoảng một nửa số loài đặc hữu sống ở biển sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Ở vùng núi, 84% động vật và thực vật đặc hữu phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở mức nhiệt độ này, trong khi trên các hòn đảo, con số này lên đến 100%.

Nhìn chung, 92% loài đặc hữu trên đất liền và 95% loài đặc hữu ở biển phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực ở mức tăng 3°C, chẳng hạn như giảm thiểu về số lượng. Trong khi đó, thế giới đang tiến gần hơn với mốc tăng nhiệt độ nguy hiểm này, bởi các chính phủ vẫn chưa đưa ra được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quyết liệt hơn so với thời điểm ký kết Thỏa thuận Paris vào năm 2015.

Trong các loài đặc hữu có cả một số loài mang tính biểu tượng nhất thế giới, bao gồm tất cả các loài vượn cáo chỉ tồn tại ở Madagascar; sếu xanh - vốn là loài chim quốc gia của Nam Phi và báo tuyết, một trong những loài động vật độc đáo nhất của dãy Himalaya. Nghiên cứu cho thấy, so với các loài phổ biến rộng rãi, các loài đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao gấp 2,7 lần nếu tình trạng nhiệt độ tăng không được kiểm soát. Do chỉ được tìm thấy ở một nơi nhất định và nếu biến đổi khí hậu làm thay đổi môi trường sống riêng biệt của chúng, các loài này chắc chắn sẽ biến mất khỏi bề mặt Trái đất.

Nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, các loài đặc hữu ở các đảo Caribe, Madagascar và Sri Lanka có thể tuyệt chủng ngay sau năm 2050. Các vùng nhiệt đới đặc biệt dễ bị tổn thương, với hơn 60% các loài đặc hữu nhiệt đới đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng dưới tác động của riêng biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra, nếu nhiệt độ Trái đất tăng mức 1,5°C như mục tiêu của Thỏa thuận Paris, 2% các loài đất liền đặc hữu và 2% các loài sinh vật biển đặc hữu đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Con số này tăng lên 4% ở 2°C. Những cam kết mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo toàn cầu trước Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Glasgow vào cuối năm nay có thể đưa thế giới đi đúng hướng đáp ứng Thỏa thuận Paris, và tránh được nguy cơ những báu vật thiên nhiên quý giá nhất của thế giới bị hủy diệt trên diện rộng.

Khánh Ly

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu gây nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài đặc hữu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới