Ý Yên (Nam Định): Xây dựng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp
Phát triển kinh tế tuần hoàn bền vững trong sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap ở huyện Ý Yên, Nam Định đã và đang là hướng sản xuất hiệu quả giúp người nông dân tăng thu nhập và làm giàu chính đáng trên quê hương mình.
Theo xu thế hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng là hướng đến các sản phẩm nông sản sạch chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe, vì vậy, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật hiện đại là điều hết sức cần thiết để duy trì và phát triển bền vững các mô hình phát triển kinh tế của ngành nông nghiệp.
Mô hình sản xuất và chế biến rau sạch theo công nghệ Nhật Bản của Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường là một trong những mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Được các kỹ sư Nhật Bản hướng dẫn kỹ thuật ngâm ủ phân bón sinh học để sử dụng trong sản xuất, HTX đã tận dụng được các nguồn phế phẩm như rơm rạ sau các vụ thu hoạch lúa, rác hữu cơ, các loại cây màu khác sau khi đã cho thu hoạch hết củ, quả và giữ lại để làm phân bón sử dụng quanh năm.
Các loại phế phẩm, rác hữu cơ kết hợp với nguồn chất thải trong chăn nuôi của các loại gia súc, gia cầm được ủ đúng kỹ thuật trong vòng 4 tháng sẽ tạo thành nguồn phân bón hữu cơ rất tốt để cải tạo đất, cung cấp dinh dưỡng và loại bỏ độc tố cho đất giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh, cây khỏe, ít nhiễm sâu bệnh và cho năng suất cao. Mỗi năm HTX Nam Cường sản xuất được từ 30 - 40 tấn phân bón hữu cơ để phục vụ cho mô hình rau an toàn của Hợp tác xã.
Việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để làm phân bón cho cây trồng giúp giảm chi phí đầu vào đáng kể cho sản xuất, mà người nông dân lại thu được lợi ích cao từ năng suất, chất lượng của cây trồng mang lại.
Nhận thấy lợi ích kép của mô hình sản xuất tuần hoàn trong nông nghiệp mang lại như mô hình trồng rau an toàn của HTX Nam Cường, nhiều hộ dân nơi đây đã học tập để áp dụng kỹ thuật cao vào sản xuất, chuyển đổi hiệu quả vùng sản xuất rau màu của gia đình sang vùng trồng rau màu an toàn thực phẩm và sử dụng 100% phân bón hữu cơ trong sản xuất.
Đến nay, ngoài 5 ha trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap, xã Yên Cường đã mở rộng vùng sản xuất rau an toàn lên 20 ha. HTX Nam Cường, cũng tích cực sản xuất phân hữu cơ để cung cấp cho các vùng sản xuất rau sạch và cho nông dân trong xã sử dụng, sản lượng hàng năm đạt khoảng 120 tấn.
Hình thức sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, khép kín từ khâu ngâm ủ phân bón, cải tạo đất, gieo trồng đến khâu sản xuất chế biến, đóng gói sản phẩm có sự giám sát kỹ thuật chặt chẽ trước khi các sản phẩm nông sản được xuất ra ngoài thị trường như ở HTX Nam Cường đã cho ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, có giá trị cao, có thể truy suất nguồn gốc và được thị trường nông sản sạch tiếp nhận bao tiêu với sản lượng ổn định, giá cả cao gấp 3 đến 4 lần so với các sản phẩm nông nghiệp cùng loại được bán đại trà ngoài thị trường.
Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn cho thấy nhiều lợi ích kép cho bà con nông dân. Không chỉ đáp ứng xu thế và nhu cầu của thị trường mà việc áp dụng nông nghiệp tuần hoàn giúp cho nông dân bớt gánh nặng về chi phí đầu tư cho sản xuất mà vẫn nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp làm ra.
Nhờ vậy, các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Ý Yên cũng từng bước được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến là những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, thúc đẩy kinh tế ngành nông nghiệp lên một tầm cao mới trên con đường xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu./.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hiên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ý Yên cho biết: “Hiện nay, phát triển nông nghiệp tuần hoàn bền vững đang là hướng đi hiệu quả cho người nông dân. Với chu trình khép kín, tận dụng được nguồn chất thải, phế thải, phụ phẩm của quá trình sản xuất để trở thành đầu vào của quá trình sản xuất khác trong sản xuất nông nghiệp đã giúp bà con nông dân khai thác, sử dụng được tài nguyên một cách tiết kiệm, tránh lãng phí lại sử dụng và tạo ra được những sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao; giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe của con người mà vẫn nâng cao được giá trị kinh tế cho người nông dân”.
Với những giá trị mang lại cho sản xuất nông nghiệp, môi trường cho thấy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa, để tiếp tục gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp, đưa nguồn phụ phẩm nông nghiệp ngày càng trở thành nguồn nguyên liệu có giá trị và đặc biệt là hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, theo TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT, cần xây dựng hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tuần hoàn như: xây dựng các chính sách khuyến khích ưu đãi cho các mô hình kinh tế tuần hoàn tương tự như các ưu đãi cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho nông nghiệp kinh tế tuần hoàn gắn với các Chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thí điểm Quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
PV