100% trường ĐH, CĐ lên kế hoạch đưa sinh viên trở lại trong tháng 2
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, đến thời điểm này, 100% các ĐH, CĐ đã lên kế hoạch cho sinh viên, học viên đi học trở lại trong tháng 2/2022.
Năm 2021 là một năm nhiều khó khăn và thách với ngành giáo dục Việt Nam khi học sinh phải ở nhà do dịch dài ngày, nhiều trường học phải đóng cửa, đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, việc mở cửa trường học trở lại là ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục.
Báo cáo mới nhất của Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT đã quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đưa học sinh trở lại trường sau Tết.
Theo tổng hợp, 100% trường đại học, cao đẳng đã lên kế hoạch đưa sinh viên trở lại trong tháng 2. Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch cho học sinh trung học đi học từ 7-14/2; 60 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch với học sinh tiểu học, mầm non. 3 tỉnh/thành còn lại là Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai đã lên kế hoạch đưa trẻ mầm non và học sinh Tiểu học quay lại trường học nhưng chưa ấn định thời gian cụ thể.
Liên quan đến lộ trình mở cửa trường học, đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cùng cho rằng có thể cho học sinh quay lại đi học ngay sau Tết. Theo đó, Bộ GD&ĐT có kế hoạch kiểm tra tình hình chuẩn bị, tổ chức cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường học tại một số nơi.
Trước Tết Nguyên đán, 14 tỉnh, thành cho học sinh trực tiếp đến trường; 30 nơi khác tổ chức dạy kết hợp; 19 địa phương còn lại chỉ dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Để chuẩn bị cho việc đi học an toàn, ngày 19/1, Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc. Các chuyên gia, tổ chức quốc tế, đại diện Bộ Y tế và địa phương đã phân tích các điều kiện cần thiết cho việc mở cửa trường học, đồng thời thống nhất đây là yêu cầu cấp thiết và phải được làm sớm nhất ngay sau Tết.
Cùng với việc mở cửa trường học, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh, trong đó rà soát, đánh giá và phân định từng nhóm học sinh cụ thể để lên kế hoạch dạy bù trong ngắn hạn và dài hạn. Việc bù đắp kiến thức được ngành giáo dục xác định không chỉ thực hiện trong một năm mà còn kéo dài trong nhiều năm.
Mới đây Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022. Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới nền kinh tế nước ta dự báo vẫn gặp những khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 và biến động tình hình quốc tế, khu vực; thuận lợi, khó khăn đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Đáng chú ý, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 12 là khẩn trương ban hành quy định tiêu chuẩn, tiêu chí, lộ trình mở cửa trường học.
Nghị quyết nêu rõ, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương khẩn trương ban hành quy định tiêu chuẩn, tiêu chí, công bố lộ trình với thời gian cụ thể về việc mở cửa trường học để đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp gắn với an toàn phòng, chống dịch.
Xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên ngay sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc. Phối hợp với Bộ Y tế chuẩn bị các phương án, kịch bản phù hợp xử lý tình huống xảy ra dịch bệnh trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường học.
Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất phương án để báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ thực hiện một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định: Để hạn chế bớt các rủi ro, để có sự an toàn nhất có thể đối với học sinh khi quay trở lại trường, có rất nhiều việc phải làm. Trong đó đối với địa phương thì việc chuẩn bị trường lớp, các điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh phòng dịch và các điều kiện, các phương án dự phòng để xử lý các tình huống phát sinh cũng như chuẩn bị theo yêu cầu của ngành y tế là một nhân tố rất là quan trọng.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong đảm bảo cho học sinh từ ở nhà đến trường, về thời gian ở trường, sự phối hợp theo dõi sức khỏe hỗ trợ cho học sinh là những nhân tố hết sức quan trọng.
Về kế hoạch của năm học, các nơi cũng căn cứ theo thời điểm mà bắt đầu năm học của thời gian vừa qua. Có những nơi mà năm học bắt đầu chậm hơn, ảnh hưởng của dịch nhiều hơn thì có thể có cân nhắc thời gian kết thúc năm học một cách phù hợp.
Tuy nhiên, cả ngành đã xác định một lượng kiến thức cốt lõi cũng không quá nhiều cho nên là kết thúc của năm học. Tôi nghĩ là có thể giãn thời gian nhưng vẫn có thể đảm bảo được thời gian tương đối thống nhất trong cả nước trong thời gian sắp tới của năm 2022.
Lan Anh (T/h)