Chủ nhật, 24/11/2024 11:06 (GMT+7)
Thứ ba, 28/02/2023 17:50 (GMT+7)

2 tháng đầu năm, hơn 51.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Theo dõi KTMT trên

Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2023, 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bình quân một tháng có 25.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Con số này cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm.

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 năm 2023. Trong đó, tính chung trong 2 tháng đầu năm 2023, 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bình quân một tháng có 25.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Con số này còn cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, trong tháng 2, cả nước có 8.841 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 18,5% so với tháng trước và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 3.927 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 73,9% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2022; có 3.802 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 89,1% và tăng 9,7%; có 2.636 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 61,5% và tăng 37,5%; có 1.167 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 42,7% và giảm 5,4%.

2 tháng đầu năm, hơn 51.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - Ảnh 1
Tình hình đăng ký doanh nghiệp 2 tháng đầu năm 2023. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Bên cạnh đó, từ đầu năm tới nay, cả nước có 18.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2022, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong hai tháng đầu năm 2023 lên 37.900 doanh nghiệp, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trong đó, cả nước có 198 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 37,3% so với cùng kỳ năm trước; 4.700 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 10,2%; 14.800 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 0,3%.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong hai tháng đầu năm 2023 đạt 8,4 tỷ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 358.000 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6.605 doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong hai tháng đầu năm 2023 là 522.700 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung hai tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.800 doanh nghiệp, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước; 9.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,8%; 3.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 1,6%.

Có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường lao động nói riêng năm 2022 đang từng bước phục hồi. Theo Phó cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trụ cột để doanh nghiệp tăng trưởng bền vững là chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp được hiểu là tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới. Các hoạt động chuyển đổi số bao gồm: Số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp ; áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp…

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện vẫn còn những rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, như chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp và chưa thực chất.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết 2 tháng đầu năm, hơn 51.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới