Chủ nhật, 24/11/2024 06:48 (GMT+7)
Thứ sáu, 03/12/2021 10:04 (GMT+7)

2021 là 'năm kỉ lục' ngành năng lượng tái tạo toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới sẽ bổ sung thêm gần 290 gigawatt năng lượng tái tạo trong năm nay, lập kỷ lục về công suất tăng thêm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa mới báo cáo Thị trường Năng lượng Tái tạo, dự báo công suất năng lượng tái tạo của thế giới sẽ tăng hơn 60% vào năm 2026 so với 2020, lên hơn 4.800 GW. 

IEA, có trụ sở ở Paris, cho biết Trung Quốc sẽ là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo trong những năm tới, tiếp theo là châu Âu, Mỹ và Ấn Độ. Tổ chức này nhận định năng lượng tái tạo sẽ chiếm “gần 95% công suất điện tăng thêm của thế giới từ nay đến 2026”.

2021 là 'năm kỉ lục' ngành năng lượng tái tạo toàn cầu - Ảnh 1
Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA.

“Chúng tôi đã điều chỉnh dự báo so với một năm trước do hỗ trợ chính sách mạnh mẽ hơn và các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng được công bố cho COP26 giúp giảm khó khăn cho các nhà đầu tư, hiện phải chịu giá nguyên vật liệu cao kỉ lục, làm tăng chi phí lắp đặt điện gió và điện mặt trời”.

Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA cho biết, công suất năng lượng tái tạo bổ sung cho 2021 cao kỉ lục là “một dấu hiệu nữa cho thấy một nền kinh tế năng lượng toàn cầu mới đang hình thành”.

“Giá nguyên vật liệu để lắp đặt dự án và giá năng lượng cao mà chúng ta đang thấy đặt ra những thách thức mới cho ngành năng lượng tái tạo, nhưng giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao cũng khiến năng lượng tái tạo trở nên cạnh tranh hơn”.

Mặc dù các số liệu chính từ báo cáo có vẻ hứa hẹn, lĩnh vực này vướng phải rất nhiều thách thức. Báo cáo IEA nhận định năng lượng tái tạo phải đối mặt với “những bấp bênh về chính sách và thách thức thực hiện”, từ vấn đề cấp phép và tài trợ vốn đến chuyện hòa nhập lưới điện và sự đón nhận của xã hội.

“Giá nguyên vật liệu tăng hiện nay gây áp lực lên chi phí đầu tư, trong khi nguồn cung cấp nguyên liệu thô và giá điện tăng ở một số thị trường là những thách thức khác cho các nhà sản xuất điện gió và điện mặt trời trong ngắn hạn”.

Mặc dù vậy, tác động từ “giá nguyên vật liệu và chi phí vận tải biến động theo nhu cầu được dự báo là nhỏ”. Giá nhiên liệu hóa thạch cao khiến năng lượng mặt trời và gió có tính cạnh tranh cao hơn.

Về mục tiêu phát thải ròng về 0, IEA nhấn mạnh bức tranh này thách thức hơn. Mặc dù năng lượng tái tạo sẽ “phát triển nhanh hơn bao giờ hết trong 5 năm tới”, điều này không đủ để đáp ứng kịch bản phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của IEA.

2021 là 'năm kỉ lục' ngành năng lượng tái tạo toàn cầu - Ảnh 2
Tuabin gió và các tấm năng lượng mặt trời ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images

Ngay cả “kịch bản tăng tốc” mà IEA đưa ra, trong đó các chính phủ giải quyết các thách thức liên quan đến quy định, chính sách và thực thi, cũng sẽ không đủ. “Tăng trưởng công suất hàng năm theo Kịch bản không phát thải của giai đoạn 2021-2026 cần nhanh hơn 80% so với Kịch bản tăng tốc, tức các chính phủ không chỉ cần giải quyết các thách thức về chính sách và thực thi mà còn phải tăng tham vọng, mục tiêu về giảm phát thải”, báo cáo cho biết.

Trước đó, vào tháng 10, IEA tuyên bố tiến độ của các dự án năng lượng sạch vẫn còn “quá chậm để lượng khí thải ròng toàn cầu giảm bền vững rồi về 0”.

Báo cáo mô tả “sự phục hồi kinh tế nhanh nhưng không đồng đều từ cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra vào năm ngoái” đã gây ra những căng thẳng đáng kể cho hệ thống năng lượng. Điều này gây ra “sự tăng giá mạnh trên thị trường khí đốt tự nhiên, than và điện”.

“Trong khi năng lượng tái tạo và phương tiện giao thông chạy điện có nhiều tiến bộ, 2021 cũng chứng kiến sử dụng than và dầu tăng lên nhiều. Vì lý do này, 2021 chứng kiến mức tăng phát thải CO2 hàng năm lớn thứ hai trong lịch sử”, IEA cho hay.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết 2021 là 'năm kỉ lục' ngành năng lượng tái tạo toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới