Chủ nhật, 24/11/2024 10:29 (GMT+7)
Thứ năm, 28/03/2024 12:14 (GMT+7)

3 vụ tàu đâm vào cầu liên tiếp chỉ trong 3 tháng, "dớp" hay cơ sở hạ tầng đã cũ?

Theo dõi KTMT trên

Những vụ va chạm liên tiếp giữa tàu thuyền và cầu đã để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế ở các quốc gia này.

Cuối tháng 1/2024, cây cầu Zarate-Brazo Largo nối hai bên bờ sông Prana ở Argentina đã bị tàu chở hàng lớn đâm vào. Rất may cây cầu vẫn còn nguyên nhưng con tàu bị hư hỏng nặng. Sau đó chỉ 1 tháng, cầu Lịch Tâm Sa (Lixinsha) ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc cũng bị gãy làm đôi sau khi bị một chiếc tàu chở hàng lớn va phải. Mới đây lại là vụ va chạm giữa tàu container dài gần 300m với cây cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore, Mỹ khiến cây cầu sập chỉ trong vài giây. Có thể dễ dàng thấy điểm chung của 3 vụ tai nạn này đều xuất phát từ va chạm giữa tàu chở hàng cỡ lớn và cầu, để lại thiệt hại lớn về người và tài sản. Cả 3 vụ chỉ xảy ra cách nhau thời gian ngắn đã bật lên hồi chuông cảnh báo về việc cấp thiết cải tiến hoặc gia cố những cây cầu cũ.

3 vụ tàu đâm vào cầu liên tiếp chỉ trong 3 tháng, "dớp" hay cơ sở hạ tầng đã cũ? - Ảnh 1
Cầu Lịch Tâm Sa, Quảng Châu, Trung Quốc bị đâm gãy làm đôi khiến cho 5 người thiệt mạng.
3 vụ tàu đâm vào cầu liên tiếp chỉ trong 3 tháng, "dớp" hay cơ sở hạ tầng đã cũ? - Ảnh 2
Cầu Zarate-Brazo Largo, Argentina bị tàu đâm vào nhưng may mắn không bị hư hại.

Khả năng cao xảy ra va chạm giữa tàu và cầu

Ông Sal Mercogliano, một chuyên gia hàng hải cho biết, cây cầu Francis Scott Key ở Baltimore đã được xây dựng cách đây 50 năm. Thời đó, các tàu chỉ bằng một phần nhỏ so với tàu Dali gây tai nạn. Thậm chí, ngày nay còn có nhiều con tàu container to hơn cả tàu Dali. Vì vậy, những cây cầu cũ đã là thời của quá khứ và không còn phù hợp với hiện tại.

3 vụ tàu đâm vào cầu liên tiếp chỉ trong 3 tháng, "dớp" hay cơ sở hạ tầng đã cũ? - Ảnh 3
So với nhiều tàu chở hàng cỡ "khủng", Dali vẫn có kích thước trung bình.

Về mặt lý thuyết những vụ tai nạn sập cầu như thế này đều có vẻ giống nhau, nhưng trên thực tế chúng lại có yếu tố tác động khác nhau. Vụ tai nạn ở Quảng Châu, Trung Quốc chỉ khiến cầu Lịch Tâm Sa gãy làm đôi vì tàu chỉ đâm vào thân cầu. Trong khi đó, vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore lại mang tính thảm khốc hơn hẳn vì tàu đâm vào trụ chính, làm hỏng kết cấu của cây cầu.

Cho dù là yếu tố do con người gây ra hay trường hợp bất khả kháng thì khả năng xảy ra va chạm giữa tàu chở hàng cỡ lớn và cầu là rất cao và sẽ ngày một nhiều khi ngành hàng hải phát triển.

Cần cấp thiết cải tiến cơ sở hạ tầng cho cầu

Giáo sư Bassem O. Andrawes, chuyên gia về kỹ thuật kết cấu của Đại học Illinois Urbana - Champaign, bang Illinois, Mỹ cho biết, hiện nay có nhiều cách để ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại của tai nạn sập cầu như bổ sung tấm cản, xây dựng hệ thống cọc cá heo (dolphin) hay thiết kế dự phòng.

Bổ sung tấm cản trên cầu có thể làm khuất tầm nhìn của tàu, làm chệch hướng đi của tàu ra khỏi cầu. Ngoài tác dụng làm điểm neo đậu cho tàu thuyền, hệ thống cọc cá heo còn có tác dụng bảo vệ cầu khỏi bị tàu thuyền đâm vào. Bất kỳ cây cầu nào cũng cần có thêm thiết kế dự phòng để khi một phần cầu bị hư hại cũng không gây ảnh hưởng tới cấu trúc cầu, vì đã có dự phòng chịu tải.

Các chuyên gia về cầu đường nhận định việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng rất quan trọng vì đó là lợi ích cộng đồng. Những cây cầu cũ cần được cải tạo cho phù hợp hơn với tiêu chí hiện đại. Về cơ sở hạ tầng cũng cần được nâng cấp để theo kịp với sự phát triển của công nghệ.

Ngay cả khi ngành cầu đường đã cập nhật những quy định thiết kế hiện đại thì quá trình cải tiến cơ sở hạ tầng vẫn còn là một chặng đường dài, đặc biệt là với những cây cầu nhỏ ở các nước kém phát triển.

Theo: CNN

ChiMai

Bạn đang đọc bài viết 3 vụ tàu đâm vào cầu liên tiếp chỉ trong 3 tháng, "dớp" hay cơ sở hạ tầng đã cũ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới