Bốn con đường cần ưu tiên để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam
Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đề xuất 4 con đường chính mà Việt Nam cần ưu tiên để đẩy nhanh chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.
Ngày 10/12, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam lần thứ 3 (năm 2024) được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, giao Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên Môi trường và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với các đối tác đồng hành tổ chức. Diễn đàn có chủ đề “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Từ kế hoạch đến hành động”.
Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024 gồm Phiên toàn thể và 3 phiên hội thảo chuyên đề tập trung vào các nội dung: Thiết kế theo hướng kinh tế tuần hoàn (vật liệu thay thế); Sản xuất và tiêu dùng bền vững (Tái sử dụng, tái nạp, dịch vụ, công cụ số, thị trường…); Biến chất thải thành tài nguyên (phân loại và tái chế).
Tại Diễn đàn, các đối tác trong nước và quốc tế cùng nhau thảo luận về con đường chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và cách thức thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực ASEAN thiết lập một khung thể chế, pháp luật toàn diện cho kinh tế tuần hoàn.
Phát biểu tại phiên toàn thể, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cho rằng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần ưu tiên 4 con đường chính.
Thứ nhất, phải tích hợp thiết kế sinh thái vào các chính sách. Các chính sách dựa trên bằng chứng là "chìa khóa" để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Ngày nay, Việt Nam có thể dẫn đầu chương trình nghị sự đổi mới bằng cách đưa thiết kế sinh thái vào lộ trình kinh tế tuần hoàn của mình, đặt ra các mục tiêu có thể đo lường được đối với nội dung tái chế, tuổi thọ sản phẩm và hiệu quả năng lượng. Các biện pháp như vậy không chỉ đưa Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu, mà còn thúc đẩy khả năng cạnh tranh.
Thứ hai, cần ưu tiên các ngành then chốt để tích hợp các hoạt động tuần hoàn. Theo đại diện UNDP, tăng trưởng của Việt Nam gắn chặt với thương mại quốc tế và các chính sách như "Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon" của Liên minh châu Âu, có thể tác động đến các ngành hướng đến xuất khẩu như nuôi trồng thủy sản, sản xuất cà phê và trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt như vậy. Đây chính là nơi sức mạnh chuyển đổi của các hoạt động kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra sự khác biệt, giúp một số ngành có được lợi thế cạnh tranh.
Thứ ba, chuyển đổi tuần hoàn nên được lồng ghép vào các cải cách thể chế hiện tại. Trong bối cảnh nền kinh tế tuần hoàn, việc hợp lý hóa khuôn khổ quản trị và quy trình quản lý chính là chìa khóa. Ví dụ, việc đơn giản hóa các thủ tục tái sử dụng nước thải đã xử lý và giải quyết chênh lệch chi phí giữa nhựa nguyên sinh và nhựa tái chế, có thể mở ra các cơ hội. Điều này đòi hỏi những nỗ lực phối hợp giữa các bộ. Các thể chế hiệu quả và cấu trúc quản trị hợp lý có thể tăng cường sự hợp tác liên ngành, giảm rào cản quan liêu và tạo ra một môi trường thúc đẩy đổi mới - động lực thiết yếu cho nền kinh tế tuần hoàn.
Thứ tư, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là nỗ lực của toàn xã hội. Bà Ramla Khalidi cho rằng, Việt Nam phải tiếp tục đặt con người và công bằng xã hội vào trung tâm của quá trình chuyển đổi tuần hoàn để bảo đảm quá trình này vừa công bằng vừa bao trùm. Việt Nam cũng phải tiếp tục tạo cơ hội cho các cuộc đối thoại đa ngành và đa bên liên quan, thúc đẩy sự tham gia và quyền sở hữu của toàn xã hội.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhấn mạnh việc thực hiện kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ liên ngành và là trách nhiệm của toàn xã hội với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo các nguồn lực như tài chính, nghiên cứu, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nguồn lực, cung cấp nền tảng thông tin, dữ liệu về kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp trong nước…; tạo không gian, động lực và điều kiện cho quá trình chuyển đổi, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Các tổ chức và cá nhân là động lực dẫn dắt thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, các doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong trong việc đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh, nhằm hình thành một chuỗi giá trị tuần hoàn hơn. Việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo sẽ góp phần hiện thực hóa kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, tạo nền tảng để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường, giữa con người với tự nhiên trong bối cảnh mới.
Sông Hồng