5 loại khoáng sản được rà soát, đề xuất khoanh định khu vực dự trữ quốc gia
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã báo cáo kết quả rà soát, đề xuất điều chỉnh, khoanh định khu vực dự trữ quốc gia. Riêng than Antraxit ở Mông Dương-Khe Chàm, yêu cầu nâng mức sâu xuống -750m, thuận lợi cho việc mở rộng khai thác trong thời gian tới.
Tài nguyên than
Đối với than, cụ thể than Antraxit khu vực Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), diện tích dự trữ là 10 km2. Khu vực này đã được đánh giá tiềm năng than đến độ sâu dưới -300 m, tổng trữ lượng và tài nguyên là 266 triệu tấn. Đây là khu vực có di tích văn hóa, lịch sử đã được khoanh vào khu vực cấm hoạt động khoáng sản. Tổng cục đề xuất giữ nguyên như Quyết định 645, không điều chỉnh, bổ sung thời gian dự trữ: 50 năm.
Đối với than antraxit khu vực Yên Lập - Đồng Đăng (tỉnh Quảng Ninh), độ sâu đánh giá đến -300 m, tổng trữ lượng và tài nguyên là 113 triệu tấn. Diện tích khoanh khu vực dự trữ theo Quyết định 645 là 99 km2, trong đó, có 64,1 km2 là khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản, 34,9 km2 đã được đưa vào Quy hoạch thăm dò, khai thác than tại Quyết định 403. Tổng cục đề xuất rà soát, lấy ý kiến Bộ Công Thương để bổ sung lại diện tích 34,9 km2 đã đưa vào Quy hoạch 403 vào khu vực dự trữ khoáng sản, đề xuất thời gian dự trữ 50 năm.
Đối với than antraxit dưới mức -500 m khu vực Bình Minh – Khe Tam, diện tích 31 km2. Theo Quyết định 645, khu vực này, thuộc các xã Dương Huy, Hòa Bình, Vũ Oai, Thống Nhất, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh chỉ dự trữ than dưới mức -500 m, tài nguyên dự trữ là tài nguyên phỏng đoán (cấp 334b) là 150 triệu tấn. Phạm vi tài nguyên chưa được quy hoạch thăm dò, khai thác và nằm ở mức sâu dưới -500 m. Do đó Tổng cục đề xuất giữ nguyên như Quyết định 645, không điều chỉnh, thời gian dự trữ 50 năm.
Đối với than antraxit khu vực Mông Dương – Khe Chàm (Quảng Ninh), phạm vi tài nguyên than chưa được quy hoạch thăm dò, khai thác và nằm ở mức sâu dưới -550 m, Tổng cục cũng đề xuất giữ nguyên như Quyết định 645, không điều chỉnh, thời gian dự trữ 50 năm.
Đối với than Antraxit khu mỏ Kế Bào (tỉnh Quảng Ninh), Tổng cục đề xuất giữ nguyên phạm vi ranh giới (diện tích dự trữ là 43 triệu tấn) và tài nguyên dự trữ (43 triệu tấn) như Quyết định 645, bổ sung thời gian dự trữ là 50 năm.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã nhất trí với các đề xuất trên của Tổng cục. Riêng đối với than Antraxit khu vực Mông Dương - Khe Chàm, Thứ trưởng yêu cầu nâng mức sâu khoanh định dự trữ xuống mức -750 m để thuận lợi cho việc mở rộng khai thác của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam trong những năm tới.
Các nguồn tài nguyên khác
Đối với Apatit, theo Quyết định 645, đã khoanh định 3 khu vực dự trữ khoáng sản Apatit trên địa bàn tỉnh Lào Cai, gồm 3 khu vực với tổng diện tích 332 km2: Lũng Pô - Bát Xát; Bát Xát - Ngòi Bo và Ngòi Bo - Bảo Hà. Tổng cục đề xuất đưa khu Bát Xát - Lũng Pô ra khỏi khu vực dự trữ do đã được đưa vào Quy hoạch thăm dò, khai thác; khoanh lại cụ thể các khu vực có tài nguyên quặng loại II và loại IV từ mức 0 m trở xuống tại khu Bát Xát - Ngòi Bo; đối với khu Ngòi Bo - Bảo Hà, chỉ giữ lại khu Ngòi Bo - Ngòi Chát, các khu vực còn lại đã được đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.
Tổng cục đề xuất thời gian dự trữ là 50 năm đối với khu Bát Xát - Ngòi Bo và 30 năm đối với khu Ngòi Bo - Bảo Hà. Tuy vậy, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị Tổng cục xem xét thời gian dự trữ là 20, 30 hoặc 50 năm cho phù hợp đối với từng khu trên.
Đồng thời, chỉ đạo đơn vị xem xét rà soát, đưa diện tích có quặng loại I, loại III tại khu vực Ngòi Bo ra khỏi khu vực dự trữ để huy động vào khai thác do khu vực này có tài nguyên không lớn; quặng loại I và loại III đang có nhu cầu rất lớn nên đưa vào Quy hoạch khoáng sản để đấu giá quyền khai thác khoáng sản, phục vụ kịp thời phát triển kinh tế - xã hội.
Liên quan đến Titan, cụ thể titan phong hóa tại tỉnh Bắc Kạn, Tổng cục đề xuất điều chỉnh khu vực Khao Quế, huyện Chợ Đồn - Định Hóa ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản titan do kết quả đánh giá khoáng sản xác định khu vực này chưa đủ cơ sở để xác định tài nguyên.
Đối với Titan sa khoáng tỉnh Bình Thuận, Tổng cục đề xuất khoanh định lại diện tích khu vực dự trữ, đảm bảo ranh giới khu vực dự trữ được khoanh định đúng với ranh giới các khối tài nguyên được phê duyệt.
Đối với khoáng sản titan sa khoáng tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Bình Định, tỉnh Phú Yên và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhất trí với đề nghị của UBND các tỉnh trên về việc loại bỏ các phần diện tích chồng lấn hoặc đưa khu vực titan sa khoáng ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Riêng đối với tỉnh Ninh Thuận, tỉnh đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản titan diện tích 1.784,8 ha, đồng thời, bổ sung diện tích này vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Ngoài ra, đối với chì - kẽm và Crom, Thứ trưởng đề nghị đưa 2 loại khoáng sản này ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
48 khu vực dự trữ quốc gia cho 10 loại khoáng sản quan trọng
Trước đó, ngày 6/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 48 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia gồm 10 loại khoáng sản, trong đó chiếm gần nửa là khu dự trữ quặng titan.
Trong đó bao gồm: 6 khu dự trữ than năng lượng; 3 dự trữ quặng apatit; 23 khu dự trữ quặng titan; 1 khu dự trữ quặng chì - kẽm; 1 khu dự trữ quặng cromit; 3 khu dự trữ quặng bauxit; 4 dự trữ quặng sắt laterit; 4 dự trữ đá hoa trắng; 2 khu vực dự trữ cát trắng; 1 khu vực dự trữ quặng đất hiếm...
Những khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia chỉ được xem xét điều chỉnh bổ sung vào quy hoạch hoạt động khoáng sản trước năm 2020 nếu có biến động lớn về nhu cầu sử dụng khoáng sản của các ngành kinh tế; khu vực dự trữ trùng với khu vực xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.
Lan Anh (T/h)