Chủ nhật, 24/11/2024 09:49 (GMT+7)
Chủ nhật, 19/05/2019 09:03 (GMT+7)

50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Nghĩ về 5 lời thề

Theo dõi KTMT trên

50 năm trước, trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đọc Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước anh linh của Người, trong đó có 5 lời thề nguyện mang lá cờ bách chiến bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đích cuối cùng.

Những ngày này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 50 năm ngày Bác mất và 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969-2019), thì 5 lời thề lại soi rọi, nhắc nhở.

Giáo sư, Tiến sỹ Triết học Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực (ISSTH), người đã có hơn 40 năm nghiên cứu về cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp của Bác Hồ, cho biết: Ngày 9/9/1969, trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đọc Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước anh linh của Người, trong đó có 5 lời thề nguyện hoàn thành Di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đưa đất nước tới thắng lợi cuối cùng.

50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Nghĩ về 5 lời thề - Ảnh 1
Ngày 19/9/1954, tại sân Đền Giếng trong Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ), trước khi về tiếp quản Thủ đô, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong - Sư đoàn 308 - được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật. Người căn dặn: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Ảnh: Đinh Đăng Định/TTXVN phát

Suốt 50 năm qua, đất nước đã thực hiện nghiêm 5 lời thề: Nén đau thương biến thành sức mạnh, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Bắc Nam sum họp một nhà; kiên trì lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam; giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình; phát huy tinh thần quốc tế cao đẹp, làm tất cả vì hạnh phúc của nhân dân; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nguyện học tập, làm theo đạo đức trong sáng, mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh với 4 chữ “cần - kiệm - liêm - chính”.

Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo đánh giá: Lời thề thứ Nhất và lời thề thứ Hai đã được thực hiện xuất sắc. Lời thề thứ Ba, vào lúc này là hết sức thiêng liêng và đang được Đảng hạ quyết tâm thực hiện, đẩy mạnh, coi là nhiệm vụ của mọi nhiệm vụ, then chốt của mọi then chốt. Trong Di chúc, Người nói là “Trước hết nói về Đảng”, “trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Bác là người sáng lập ra Đảng. Người biết mọi chỗ mạnh, chỗ yếu của Đảng nên đặc biệt nhấn mạnh đến trọng trách lịch sử của Đảng, tính tiền phong gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, suốt đời chăm lo cho cuộc sống của dân, tận tụy trung thành với dân, với nước. Mong muốn của Bác là phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau và những công việc quan trọng khác.

“Ba tháng trước khi mất, Người gửi thư cho Đảng bộ Nghệ An. Nội dung chỉ có 3 câu: Không được để dân đói, Không được để các cháu bỏ học. Từ chi bộ các thôn làng đến cơ quan lãnh đạo của Tỉnh ủy không được để xảy ra mất đoàn kết. Bây giờ nhìn lại thì thấy đâu phải Bác dạy mỗi Nghệ An mà Bác dạy chung cho toàn Đảng, cho tất cả chúng ta” - Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, Lời thề thứ Tư đối với Người, chúng ta đã thực hiện suốt 50 năm qua và bây giờ đang tiếp tục thực hiện trong thời kỳ hội nhập. Lời thề thứ Năm là lời thề về “đạo đức” và lời thề này sống động nhất hiện nay khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính”.

Về vấn đề đạo đức, Bác có 6 Điều dạy Công an là: “Với tự mình phải cần, kiệm, liêm chính. Với đồng sự phải thân ái giúp đỡ. Với nhân dân phải kính trọng, lễ phép. Với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành. Với công việc phải tận tụy. Với kẻ địch phải cương quyết, khôn khéo”. 6 Điều dạy ấy không chỉ dành cho công an mà cho toàn Đảng, toàn dân. Bác cũng đã dạy: Trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người. Phải đủ cả bốn đức mới là người vẹn toàn. Nhưng ở đời nhân vô thập toàn, không ai là hoàn toàn cả, ai cũng có cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu. Nếu muốn trở thành người vẹn toàn thì phải rèn luyện bản lĩnh cách mạng, phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.

Chống chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng của Bác là chống lối sống vụ lợi, vị kỷ, lợi mình hại người, còn từng cá nhân phải vun trồng cho nó phát triển. Chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm. Giặc nội xâm còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm. Đấy là một triết lý về rèn luyện đạo đức, đó là lời căn dặn, nhắn nhủ trong việc rèn đạo đức. Chống giặc nội xâm, chống chủ nghĩa cá nhân là chống lại chính bản thân mình, chống lại những thói hư, tật xấu, những hư hỏng thoái hóa trong mình, cho nên sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng. Bác bảo: Rèn đạo đức thì như giã gạo, nhưng dùng người thì tuyệt đối không dùng theo lối giã gạo, thấy tốt thì nhấc lên, đề bạt, bổ nhiệm, rồi không kiểm tra, giáo dục, giám sát, mắc lỗi lầm thì vùi dập xuống. Cứ nhấc lên đập xuống như vậy ba lần thì hỏng cả một đời cán bộ. Cho nên, phải nghiêm khắc mà bao dung; nghiêm khắc với khuyết điểm nhưng bao dung nhân ái để mở rộng đường cho con người hướng thiện và hoàn lương.

Vừa qua, Bộ Chính trị Khóa XII có Chỉ thị số 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chỉ thị này đặt tấm gương đạo đức của Bác vào tổng thể tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Chúng ta đang nỗ lực thực hiện bằng được chủ trương lớn của Đảng. Đây là một chiến lược, là chìa khóa để trả lời câu hỏi Đảng có trong sạch, vững mạnh được hay không. Đây cũng là một cơ hội tốt để mỗi người chúng ta thật thà tự phê bình và phê bình, xem xét lại mình một cách nghiêm túc, thấy rõ những sai lầm để sửa chữa, thấy rõ những ưu điểm để phát huy thêm. Từ đó, tất cả mọi người đem lòng đoàn kết với tình thương yêu đồng chí, đồng loại và giúp nhau tiến bộ, vứt bỏ chủ nghĩa cá nhân để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, như Bác Hồ vẫn hằng mong đợi. Đồng thời, đây là dịp để mỗi người Việt Nam biến những tư tưởng, tình cảm cao đẹp của mình thành những việc thiết thực, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo khẳng định.

Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Nghĩ về 5 lời thề. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới