Chủ nhật, 24/11/2024 08:37 (GMT+7)
Thứ hai, 18/05/2020 15:02 (GMT+7)

7 triệu tấn quặng sắt nghèo bị bán đấu giá, VTM bất ngờ huỷ kết quả

Theo dõi KTMT trên

Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung (VTM) đã “âm thầm” bán 7 triệu tấn quặng thép trong phiên đấu giá chớp nhoáng, với giá rẻ bất ngờ. Sự việc này đặt ra nghi vấn có hay không hành vi móc ngoặc thông đồng để mua bán rẻ tài sản Nhà nước, trục lợi cá nhân khi VTM vừa thay lãnh đạo?

7 triệu tấn quặng sắt nghèo bị bán đấu giá, VTM bất ngờ huỷ kết quả - Ảnh 1
Khai thác quặng ở mỏ sắt Quý Xa. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bộ Công an sẽ vào cuộc xác minh làm rõ những dấu hiệu nghi vấn vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước trong vụ đấu giá gần 7 triệu tấn quặng thép của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung (VTM). Hai phiên đấu giá tài sản nghìn tỉ đã được tổ chức nhanh chóng giữa lúc cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội.

Giật mình bán rẻ 3 lô quặng trị giá nghìn tỉ

Ngày 21/4 vừa qua, tại Nhà văn hóa Tổ dân phố Tân Xuân 1 (P.Xuân Đỉnh, Q.Tây Hồ, Hà Nội), Công ty đấu giá hợp danh quốc gia đã tổ chức bán đấu giá 800.000 tấn quặng limonit của Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt - Trung (VTM). Đây là doanh nghiệp liên danh giữa các bên của Việt Nam với đối tác Trung Quốc, hiện có 46,85% vốn Nhà nước do Tổng công ty thép Việt Nam sở hữu và nằm trong nhóm 12 dự án đầu tư yếu kém, thua lỗ của ngành Công thương.

Dù chào bán khối lượng quặng rất lớn, nhưng thông tin về phiên đấu giá này lại rất khó tìm thấy, ngay cả những khách hàng làm ăn lâu năm với VTM cũng không nắm được thông tin VTM bán lô quặng lớn như vậy.

Chỉ có 2 đơn vị tham gia đấu giá là Công ty cổ phần Đầu tư thương mại XNK Việt Phát (trụ sở ở phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) và Doanh nghiệp tư nhân Hải Linh (tỉnh Hải Dương). Phiên đấu giá diễn ra rất nhanh chóng, chỉ chừng 45 phút. Kết quả, Công ty XNK Việt Phát đã trúng đấu giá lô 800.000 tấn quặng limonit với tổng số tiền hơn 428,8 tỉ đồng.

Trong cùng ngày, lô quặng khác với khối lượng 1 triệu tấn được bán đấu giá thành công cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Việt Phát (Tổ 10, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với tổng số tiền 546 tỉ đồng.

Như vậy, cả hai doanh nghiệp này đều trúng đấu giá lô quặng của VTM với cùng đơn giá là 546.000 đồng/tấn.

Được biết, VTM còn bán đấu giá lô 4,9 triệu tấn quặng deluvi nguyên khai với đơn giá khởi điểm là 117.500 đồng/tấn, tổng thành tiền gần 584 tỉ đồng. Lô quặng này cũng nhanh chóng có chủ mới là Công ty TNHH Tiến Đại Phát (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), với mức giá trúng 133.000 đồng/tấn, tương ứng là 653 tỉ đồng.

Nhưng cả hai mức giá trúng đấu giá là 133.000 đồng/tấn quặng deluvi và 546.000 đồng/tấn quặng limonit chỉ bằng khoảng 2/3 giá thị trường hiện nay. Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu quặng sắt trung bình trong 9 tháng năm 2019 là 33,6USD/tấn (tương đương khoảng 786.000 đồng/tấn). Hiện giá quặng trong nước giao dịch đang cao hơn giá xuất khẩu.

Điều này đặt ra nghi vấn có hay không VTM xác định giá khởi điểm quá thấp, giúp các doanh nghiệp trúng đấu giá 7 triệu tấn quặng với tổng số tiền hơn 1.600 tỉ đồng, không phản ánh đúng giá trị tài sản của doanh nghiệp?

Hơn nữa, kế hoạch tổ chức đấu giá của VTM và diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Chỉ 1 tuần sau khi về làm Tổng Giám đốc VTM, ông Nguyễn Tiến Dũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai đề nghị hướng dẫn phương án đấu giá số quặng này. Gần 1 tháng sau, ngày 20/3/2020, ông Dũng tiếp tục ký văn bản gửi Hội đồng thành viên Thép Việt Trung xin chấp thuận chủ trương đấu giá.

Theo giải thích ông Dũng, khi về nhận chức, tình hình công ty rất khó khăn với 1.600 người lao động, mỗi ngày chi phí tiền lương, nợ vay, tiền điện là hơn 3 tỉ đồng. Mà nhà sản xuất lại đặc thù lò cao, yêu cầu hoạt động 24/24 không thể ngừng, nên giải pháp duy nhất là bán quặng.

Thế nhưng, các phiên đấu giá quặng trị giá hàng nghìn tỉ đồng này có những vấn đề chưa rõ ràng, khuất tất nên Bộ Công an sẽ tiến hành xác minh làm rõ có vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước hay không.

Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Việt Phát – đơn vị trúng thầu 1 triệu tấn quặng limonit với giá 546 tđồng, do bà Nguyễn Thị Lan Hương làm Giám đốc. Công ty này có vốn điều lệ 228 tỉ đồng do7 thành viên góp vốn. Đáng chú ý,danh sách các cá nhân có liên quan tại công ty này có tên ông Ngô Tiến Cương, là Chủ tịch kiêm Giám đốcCông ty TNHH Tiến Đại Phát– cũngđã trúng thầu 4,9 triệu tấn quặng deluvi nguyên khai với mức giá 653 tđồng.Ông Ngô Tiến Cương hiện là Chủ tịch Công ty cổ phần BOT Cầu Thái Hà và là cổ đông cá nhân lớn nhất sở hữu 49% vốn công ty.

Huỷ kết quả đấu giá bán tài sản Nhà nước

Tổng giám đốc VTM Nguyễn Tiến Dũng đã thực hiện hợp đồng đấu giá 7 triệu tấn quặng ngay cả khi Bộ Tài nguyên - Môi trường và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trước đó đã có những văn bản phân tích rõ tình hình thực tế việc khai thác và kinh doanh quặng sắt ở doanh nghiệp này.

Ngày 7/4/2020, Bộ Tài nguyên -Môi trường đã có văn bản báo cáo Thủ tướng nêu rõ: Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung khai thác mỏ sắt Quý Xa nhưng cung cấp chưa đến 30% công suất cho Nhà máy Gang thép Lào Cai. Quặng sắt tinh tại mỏ xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chưa nhập đối lưu than coke. Do đó, việc sử dụng, tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Quý Xa không phù hợp quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, không đúng yêu cầu địa chỉ sử dụng quặng sắt... Theo giấy phép cấp năm 2007, VTM được phép khai thác 34,5 triệu tấn quặng sắt, công suất khai thác tối đa 3 triệu tấn/năm, thời gian khai thác đến hết năm 2020.

7 triệu tấn quặng sắt nghèo bị bán đấu giá, VTM bất ngờ huỷ kết quả - Ảnh 2
Các doanh nghiệp tranh mua đấu giá quặng từ mỏ Quý Xa của VTM với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường.

Mặc dù quặng deluvi mỏ Quý Xa có hàm lượng thấp (50%), chiếm khoảng 5% trữ lượng toàn mỏ, là loại quặng khó tuyển mà công nghệ trong nước chưa tinh luyện được. Quặng này chủ yếu dùng để xuất sang Trung Quốc theo hợp đồng đối lưu đổi quặng lấy than coke của VTM. Đầu năm 2020, Lào Cai đã yêu cầu dừng xuất khẩu quặng do giá xuất khẩu thấp hơn giá trong nước.

Thế nhưng, dù không có công nghệ xử lý loại quặng này nhưng các doanh nghiệp tranh nhau mua, nhắm tới nguồn cung sẵn có từ kho quặng tồn của VTM do lâu nay dự án này hoạt động kém hiệu quả.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cũng có văn bản gửi VTM ngày 27/3/2020 yêu cầu: trong thời gian chờ Thủ tướng cho ý kiến về sử dụng quặng sắt của mỏ theo quy hoạch và dự kiến nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong nước, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, đề nghị VTM điều chỉnh công suất khai thác của mỏ theo hướng chỉ cung cấp cho Nhà máy Gang thép Lào Cai.

Với những lý do trên, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã chỉ đạo người đại diện vốn của mình tại VTM thực hiện các quy trình cần thiết để hủy kết quả đấu giá 7 triệu tấn quặng.

Hải Nam

Bạn đang đọc bài viết 7 triệu tấn quặng sắt nghèo bị bán đấu giá, VTM bất ngờ huỷ kết quả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới