Chủ nhật, 24/11/2024 14:02 (GMT+7)
Thứ năm, 04/01/2024 07:42 (GMT+7)

ABBank đang “oằn lưng” vì điều gì?

Theo dõi KTMT trên

Tiền gửi tăng nhanh, gánh nặng trả lãi cho người gửi tiền lớn, trong khi thu nhập từ hoạt động cho vay tăng chậm là nguyên nhân khiến biên độ lợi nhuận tại ABBank sụt giảm.

ABBank đang “oằn lưng” vì điều gì? - Ảnh 1
Ảnh minh hoạ

Theo BCTC hợp nhất của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Ngân hàng ABBank luỹ kế đến quý 3/2023 đạt 565 tỷ đồng. So với luỹ kế cùng kỳ năm trước, giảm 832 tỷ đồng và tương ứng giảm 60%. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Ngân hàng ABBank trong quý 3/2023 đạt 24 tỷ, giảm 45 tỷ đồng và tương ứng giảm 65%.

Theo giải trình của ABBank nguyên nhân có sự biến động giảm lợi nhuận là do: Thu nhập lãi thuần giảm 569 tỷ đồng so với luỹ kế cùng năm trước, và tương ứng giảm 20%. Lãi thuần từ hoạt động khác giảm 262 tỷ đồng so với luỹ kế cùng kỳ năm trước và tương ứng giảm 76%. Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 523 tỷ đồng so với lũy kế cùng kỳ năm trước và tương ứng tăng 99%.

Cũng trong kỳ quý 3/2023 này thì nhóm nợ 2,3,4 tăng lên khá nhiều so với đầu  kỳ. Nhóm “Nợ dưới tiêu chuẩn” đạt 1.079,9 tỷ đồng và nhóm “Nợ nghi ngờ” đạt 939,4 tỷ đồng đều tăng gấp đôi so với Đầu kỳ. Nhóm “Nợ có khả năng mất vốn” đã giảm so với đầu kỳ, tuy nhiên vẫn chiếm đến 841,9 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ xấu nội bảng của ABBank đạt 2.861,2 tỷ đồng tăng gần 500 tỷ đồng so với đầu kỳ là 2.365,2 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu tại ABBank tăng từ mức 2,88% đầu năm lên 3,51%. Con số này thấp hơn vào cuối quý II/2023 (4,55%) nhưng vẫn trên ngưỡng 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nợ xấu chủ yếu tập trung ở nhóm khách hàng doanh nghiệp - nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng và kéo dài từ dịch bệnh.

Theo ABBank, nợ xấu hiện nay chủ yếu tập trung ở nhóm khách hàng là doanh nghiệp - nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng và kéo dài từ dịch bệnh.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBank tính đến ngày 30/9 được kiểm soát ở mức 2,41%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 41,8%. Hệ số an toàn vốn (CAR) của ABBANK cuối quý III đạt mức 11,05%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch HĐQT Đào Mạnh Kháng cho biết ABBank đang triển khai xây dựng cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

"Gánh nặng" từ trả lãi tiền gửi và trái phiếu

Trong tháng 8 đầu năm 2023, Ngân hàng ABBank đã triển khai phát hành 6.000 tỷ đồng trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Kỳ hạn trái phiếu từ 1-5 năm, thời gian phát hành từ 1/8 - 31/12/2023.

Gốc trái phiếu được thanh toán 1 lần vào ngày đáo hạn hoặc vào ngày ABBank mua lại trái phiếu. Lãi trái phiếu được trả định kỳ 1 lần/năm. Nguồn để thanh toán gốc, lãi trái phiếu từ các nguồn thu của ABBank và/hoặc nguồn thu nợ cho vay đến hạn và/hoặc huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân và vốn hợp pháp khác.

Số tiền huy động sẽ được ABBank phân bổ cho vay khách hàng cá nhân 4.500 tỷ và cho vay khách hàng doanh nghiệp 1.500 tỷ đồng. Dự kiến nguồn vốn sẽ được nhà băng này giải ngân hết trước ngày 31/3/2024. Trong trường hợp giải ngân theo tiến độ, nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu tạm thời nhàn rỗi sẽ được sử dụng để gửi tại Ngân hàng Nhà nước và các TCTD khác.

Trong quý 2/2023, ABBank đã có 6 lần mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 4.800 tỷ đồng. Các lô trái phiếu đều được phát hành vào tháng 6-7/2021 với thời hạn 3 năm. Mục đích các đợt phát hành là để bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay khách hàng doanh nhân và khách hàng doanh nghiệp của ABBank.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 của ABBank cho thấy, tính đến 30/9/2023, cho vay khách hàng của ngân hàng này đạt 81.800 tỷ đồng, giảm 0,5% so với đầu năm trong khi tiền gửi khách hàng tăng 10,4% so với đầu năm lên hơn 92.839 tỷ đồng.

Cũng trong quý III/2023, thu nhập từ lãi của ABBank chỉ tăng 28%, trong khi chi phí lãi tăng tới 82%, khiến thu nhập lãi thuần giảm tới 40%, chỉ mang về gần 648 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm, chi phí lãi tại ABBank tăng tới 93% so với cùng kỳ, lên mức 5.683 tỷ đồng chủ yếu là do chi phí trả lãi tiền gửi tăng tới 100% so với cùng kỳ, đạt hơn 5.091 tỷ đồng. Trong khi đó thu nhập từ lãi chỉ tăng 38% đạt gần 7.898 tỷ đồng khiến thu nhập lãi thuần giảm hơn 20% đạt hơn 2.214 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, chi phí dự phòng rủi ro tại ABBank tăng tới 99% so với cùng kỳ, lên mức 1.050 tỷ đồng khiến ngân hàng chỉ lãi trước thuế 708 tỷ đồng và lãi sau thuế 566 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý III/2023, lợi nhuận trước và sau thuế đều giảm 65,6% so với cùng kỳ xuống còn 29,5 tỷ đồng và 23,5 tỷ đồng.

Tiền gửi tăng nhanh, gánh nặng trả lãi cho người gửi tiền lớn, trong khi thu nhập từ hoạt động cho vay tăng chậm là nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh cốt lõi (cho vay) tại ABBank sụt giảm. Như vậy, gánh nặng chi phí lãi của ngân hàng tăng lên làm sụt giảm biên lợi nhuận. Ngoài ra, những chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh để chống đỡ với nợ xấu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận tại ABBank.

Đăng Khôi

Bạn đang đọc bài viết ABBank đang “oằn lưng” vì điều gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới