Agribank Chi nhánh Tây Hà Nội nhận hậu quả nhãn tiền khi cho Công ty Hải Thành vay vốn
Trong những năm gần đây, dù đề ra nhiều “quyết tâm” thế nhưng câu chuyện “nợ xấu” của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã không ít lần phủ “bóng đen” lên hoạt động của hệ thống.
Quay trở lại thời điểm những năm 2009 - 2011, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Tây Hà Nội (Agribank Tây Hà Nội) và Công ty TNHH Thương mại Hải Thành (Công ty Hải Thành tại địa chỉ: Tầng 2 số nhà B20 đường Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) có ký kết nhiều hợp đồng cho vay tín dụng.
Theo đó, Công ty Hải Thành đã nhận nợ từ Agribank Tây Hà Nội thông các hợp đồng tín dụng sau: Hợp đồng tín dụng số: 1484-LAV-2011000044, ký ngày 31/3/2010, số tiền Agribank phê duyệt cho vay là 6,9 tỉ đồng, thời gian vay là 45 tháng, lãi suất cho vay theo từng lần nhận nợ; Hợp đồng tín dụng số: 1484-LAV-201100285, ký ngày 25/4/2011, số tiền phê duyệt cho vay là hơn 284.248 USD, thời gian vay là 12 tháng, lãi suất cho vay theo từng lần nhận nợ; Hợp bảo lãnh số: 1484-LAV-201100124, ký ngày 23/02/2009, Công ty Hải Thành nhận nợ bắt buộc của Agribank Tây Hà Nội là 1,796 tỉ đồng.
Tài sản bảo đảm thế chấp cho các khoản vay trên là xe ô tô nhãn hiệu Mercedes GL550 đã qua sử dụng có giá trị theo biên bản định giá ngày 23/02/2009 là 3,3 tỉ đồng, đứng tên Công ty Hải Thành.
Tài sản thế chấp thứ 2 là đầu kéo và rơ móc đã qua sử dụng, có giá trị theo biên bản định giá ngày 29/3/2010 là 7,08 tỉ đồng. Giấy tờ đối với tài sản thế chấp này là 14 xe đầu kéo và 4 rơ móc đứng tên Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại XNK Thiên Long. Tuy nhiên, thực tế chỉ còn 5 đầu kéo (9 đầu kéo và 4 rơ móc đã bán để trả 1 phần nợ).
Tài sản thế chấp thứ 3 là 11 xe xi téc mới 100%, có biên bản xác định giá ngày 20/8/2010 là xấp xỉ 7,183 tỉ đồng. Thực tế chỉ còn 7 xe xi téc, 4 chiếc đã bán để trả một phần nợ.
Sau một thời gian dài nhận nợ nhưng do Công ty Hải Thành không có khả năng trả, phải mất đến gần 7 năm sau khoản tín dụng đầu tiên, ngày 29/02/2016, Agribank Tây Hà Nội mới làm đơn khởi kiện Công ty Hải Thành tới Tòa án nhân dân quận Đống Đa.
Tính đến thời điểm khởi kiện, các tài sản là ô tô đã được Công ty Hải Thành đem đi thế chấp đã có rất nhiều năm lưu thông và sử dụng.
Đáng chú ý, tại phiên xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân quận Đống Đa diễn ra vào ngày 26/7/2019, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án là bà Nguyễn Thị Thắm còn cho biết, hiện bà Thắm hiện đang là người giữ chiếc xe ô tô Mercedes biển số 30L-720.62, chiếc xe đang được gửi tại Công ty TNHH Đậu Thắm, số 151 Trần Đăng Ninh, tổ 9 phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La.
Do Công ty Đậu Thắm có ký kết hợp đồng mua bán xăng dầu với Công ty Hải Thành, theo biên bản đối chiếu công nợ giữa Công ty Đậu Thắm chi nhánh huyện Mường La với Công ty Hải Thành ký ngày 31/7/2009 số tiền mà Công ty Hải Thành còn nợ Công ty Đậu Thắm số tiền hơn 214 triệu đồng.
Tổng số tiền nợ của Công ty Hải Thành còn nợ Công ty Đậu Thắm từ 01/8/2009 đến ngày 25/7/2019 là 658 triệu đồng.
Điều này cho thấy, dù các khoản vay của Công ty Hải Thành tại Agribank đã vượt quá thời gian trả nợ, nhưng Agribank Chi nhánh Tây Hà Nội tỏ ra thờ ơ và quản lý lỏng lẻo đối với khối tài sản bảo đảm nhận thế chấp từ doanh nghiệp.
Tại Bản án sơ thẩm số 23/2019/KDTM-ST ngày 26/7/2019, do Thẩm phán Vương Đăng Khoa là Chủ tọa phiên tòa đã quyết định xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Agribank đối với Công ty Hải Thành. Xác nhận Công ty TNHH Hải Thành còn nợ Agribank số tiền tạm tính đến ngày 26/7/2019 là 19,988 tỉ đồng, trong đó gốc là 12,147 tỉ đồng, lãi trong hạn là 7,527 tỉ đồng, lãi quá hạn là 313,5 triệu đồng là có căn cứ và phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật nên được chấp nhận.
Tòa án buộc Công ty Hải Thành phải thanh toán cho Agribank số tiền nợ gốc và lãi nêu trên. Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật, nếu Công ty Hải Thành chưa trả hoặc không trả được nợ, Agribank có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Cụ thể, số tài sản thế chấp chỉ còn để thu hồi nợ là, xe ô tô Mercedes GL550; 5 xe đầu kéo mang nhãn hiệu FAW biển kiểm soát 30K-4035, 30K-4390, 30K-4260, 30K-4574, 29C-21002; 7 xe xi téc mang nhãn hiệu CHENGLIWEL biển kiếm soát 29R-2561, 29R-2576, 29R-2525, 29R-2529, 29R-2517, 29R-2112, 29R-2599.
Ngoài ra, Tòa án nhân dân quận Đống Đa còn xác nhận và buộc Công ty Hải Thành phải thanh toán cho Công ty Đậu Thắm tổng số tiền nợ tính đến ngày 26/7/2019 số tiền là hơn 448 triệu đồng.
Agribank được hoàn trả số tiền tạm ứng án phí đã nộp và Công ty Hải Thành phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm số tiền là 128 triệu đồng.
Dù phiên xét xử diễn ra theo hướng có lợi cho phía Agribank Chi nhánh Tây Hà Nội, nhưng dư luận đặt ra dấu hỏi: Kể cả khi phát mại toàn bộ số tài sản, liệu Agribank Chi nhánh Tây Hà Nội có thu hồi được đầy đủ số nợ và lãi vay từ Công ty Hải Thành? Việc cho vay này có dẫn đến thất thoát nguồn vốn và gây thiệt hại cho Agribank hay không? Việc Agribank yêu cầu Tòa xét xử vào năm 2016 và phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 7/2019 có phải là chậm trễ khi khối tài sản bảo đảm là ô tô đang bị mất dần giá trị theo thời gian? Những người phê duyệt khoản vay và thu hồi nợ đã làm tròn trách nhiệm hay chưa? Và phải chịu trách nhiệm gì nếu khoản nợ không được thu hồi đầy đủ?
Để rộng đường dư luận đối với việc Agribank Chi nhánh Tây Hà Nội phê duyệt các khoản vay cho Công ty Hải Thành và công tác thi hành bản án để thu hồi các khoản nợ từ doanh nghiệp này, PV đã liên hệ làm việc với Agribank Tây Hà Nội để làm rõ các vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, đến nay, Agribank Chi nhánh Tây Hà Nội vẫn chưa chủ động làm việc, cung cấp thông tin về các khoản vay và vấn đề xử lý nợ đối với Công ty Hải Thành.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, nợ xấu của Agribank ở mức 24.464 tỉ đồng, tăng 39% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng vọt lên mức 17.285 tỉ đồng.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Agribank ghi nhận ở mức 13.285 tỉ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập lãi thuần giảm 5%, còn gần 20.115 tỉ đồng và lãi thuần từ hoạt động khác giảm đến 28%, còn gần 2.691 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 12.182 tỉ đồng.
Để cứu vãn kết quả lợi nhuận, Agribank giảm 25% trích lập dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ, còn gần 6.524 tỉ đồng, cùng kỳ năm ngoái là 8.676 tỉ đồng. Kết quả, Agribank ghi nhận 5.414 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại ngày 30/6/2020, tổng tài sản của Agribank vẫn xấp xỉ so với đầu năm, đạt gần 1,5 triệu tỉ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 1,22% lên con số hơn 1,13 triệu tỉ đồng. Trong cơ cấu nợ phải trả, tiền gửi khách hàng của Agribank ghi nhận 1,32 triệu tỉ đồng, tăng hơn 4% so đầu kỳ.
Về chất lượng cho vay, tổng nợ xấu của Agribank lên mức 24.463 tỉ đồng, tăng 39% so với đầu năm, chiếm 2,15% so với tổng dư nợ cho vay. Đây là mức nợ xấu cao nhất ngành ngân hàng, cao hơn cả nhóm nhà băng quốc doanh như BIDV ( khoảng 22.760 tỉ đồng), Vietinbank (15.970 tỉ đồng) và Vietcombank (6.430 tỉ đồng).
Trong cơ cấu nợ xấu, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng mạnh 95% lên mức 3.805 tỉ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 39% so với đầu năm, lên mức 17.285 tỉ đồng.
Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2020, do dư nợ cho vay khách hàng chỉ tăng 1% nên tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Agribank tăng từ 1,56% lên mức 2,15%.
Nhằm góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống tổ chức tín dụng, đối với vấn đề có hay không việc cho vay tín dụng sai quy định, nguy cơ thất thoát nguồn vốn khi Agribank Tây Hà Nội cho Công ty Hải Thành vay tiền bằng hình thức nhận thế chấp các tài sản bảo đảm, đề nghị Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào cuộc thanh tra, kiểm tra, làm rõ vai trò, động cơ của từng cá nhân chấp thuận và phê duyệt các khoản vay nêu trên.
Hai là, đề nghị các cơ chức năng có thẩm quyền có giải pháp tăng cường quản lý, giám sát phù hợp đối với tài sản bảo đảm là xe ôtô theo quy định của pháp luật nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bán, chuyển nhượng tài sản thế chấp trái quy định pháp luật, tránh các rủi ro có thể xảy ra đối với các tổ chức tín dụng trong quá trình cho vay, thu hồi nợ, nhận, quản lý và xử lý tài sản bảo đảm.
Ba là, theo Khoản 8, Điều 320 Bộ luật Dân sự quy định: “Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này.”
“Điều 321. Quyền của bên thế chấp
…
4. Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.
Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
…”
Vậy việc Công ty Hải Thành gửi xe ô tô Mercedes biển số 30L-720.62 (tài sản bị đem đi thế chấp cho Agribank) tại Công ty TNHH Đậu Thắm vì nợ nần có phải hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay không? Ai là người trong Công ty Hải Thành chỉ đạo việc này? Đề nghị Công an Thành phố Hà Nội, Công an quận Đống Đa vào cuộc xác minh, làm rõ nghi vấn nêu trên, xử lý nghiêm đúng người, đúng việc để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Bốn là, cần phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tuyên truyền rộng rãi các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng; định hướng chiến lược của ngành ngân hàng, những vấn đề liên quan tới quyền, lợi ích của nhân dân, nhằm định hướng dư luận và thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước…
Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin việc thu hồi các khoản nợ nêu trên từ Agribank Tây Hà Nội đối với Công ty Hải Thành.
Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Phan Anh Tuấn/tapchimattran.vn