Ai giúp thường dân!
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến 8.773 lao động, khiến 1.027 lao động mất việc.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công việc của các tài xế xe ôm công nghệ nói riêng và những lao động tự do nói chung gặp khó khăn khi khách hàng giảm mạnh. (Ảnh minh họa: VnExpress) |
9h sáng thời chưa “cách ly toàn xã hội”, tại một con phố gần Bà Triệu, chị bán xôi ngao ngán xới cho tôi 10k xôi lạc. Gói xôi đầy hơn mọi ngày. Chị bán xôi kể rằng, từ ngày dịch dã, lượng xôi bán ra giảm hẳn.
Còn ngày Chủ nhật cách đây hơn 2 tuần, sau nhiều ngày tự “cách ly”, có việc rất cần, tôi mới phải đặt chuyến Grab bike để đến đầu bên kia của thành phố. Quãng đường không ngắn nên sự chia sẻ của 2 người đàn ông dù đứt quãng cũng khá liền, lạc về một vấn đề thời sự: Dịch Covid-19. Tôi nghe là chính. Cậu thanh niên chừng hơn 20 tuổi than thở chủ yếu về hậu quả của nạn dịch: Khách đi xe ít, thu nhập giảm. Cậu cùng không dám ngồi quán trà đá lâu vì sợ lây bệnh. Nỗi lo lớn nhất là nếu mắc Covid-19 thì sạt nghiệp. “Báo đăng, bảo hiểm xã hội chi trả tiền chữa bệnh nhưng những người như em thì làm gì có thẻ bảo hiểm xã hội? Ngay cả việc bị cách ly thôi thì cũng là ‘tận thế’ vì nghỉ chạy xe thì lấy đâu ra tiền mà ăn bây giờ”.
Khó khăn mùa dịch không chỉ là khó khăn của riêng những người chạy xe công nghệ. Nhìn rộng ra, trên bình diện cả nước, Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố số liệu, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến 8.773 lao động. Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng khiến 1.027 lao động mất việc, 181.597 doanh nghiệp DN bị ảnh hưởng, 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh.
Một nữ công nhân Công ty TNHH SEI thuộc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội cho biết chị và các đồng nghiệp đề chỉ làm hơn nửa ngày do công ty ít việc. Việc ít nên công ty yêu cầu công nhân phải gộp ca với các tổ, nhóm khác để làm. “Trước kia, tính cả tăng ca thu nhập mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng. Giờ chỉ còn hơn 6 triệu đồng. Công ty thông báo sẽ cố gắng trả 100% lương, còn tiền bảo hiểm xã hội sẽ đóng sau”, chị này kể với báo chí.
"Sự bùng phát của Covid-19 là hiểm hoạ lớn với toàn bộ ngành công nghiệp, với những người trong ngành và cả những người mong muốn đi du lịch", Gloria Guevara, Chủ tịch và CEO của Hiệp hội Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) nhận định. WTTC cũng dự báo dịch Covid-19 có thể khiến 50 triệu người lao động ngành du lịch mất việc. Con số này tương đương với 12-14% tổng lực lượng lao động của lĩnh vực này trên toàn thế giới.
Sau đó khi nghe tin một doanh nghiệp hỗ trợ tài chính 20 triệu đồng/ ca nhiễm SARS-CoV-2 dành cho một triệu công dân Việt Nam đầu tiên đăng ký thông tin cá nhân, tôi đã nhắn tin về chương trình cho anh bạn Grabbike hôm nọ. Không nhắn cho chị bán xôi được vì không biết số. Chưa thấy anh trả lời nhưng tôi tin những người lao động nghèo hẳn cũng không mong nhận được 20 triệu đồng. Cái họ mong chờ là sự quan tâm của xã hội với những thân phận “vô danh” trong dòng chảy náo nhiệt của thế kỷ 21.
Đó là một phần bài viết tôi định nộp vào tầm ngày 20 của tháng trước. Nhưng bài viết để ngỏ. Không thể có một Góc nhìn khi không có giải pháp. Và lúc đó tôi chưa nhìn thấy giải pháp. Trợ cấp toàn dân ư? 500 nghìn đồng thôi đối với chị bán xôi thì quý nhưng với một số hộ dân ở Lancaster (Hà Nội) hay Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) có là gì. Rồi thì việc trợ cấp sẽ khó khăn khi cậu xe ôm không có hộ khẩu, bà bán xôi chẳng thuộc diện hộ nghèo. Bí quá nên bài viết cứ ở mãi trong laptop.
Cách đây 2 ngày, báo có viết về một gói giải pháp “chưa có tiền lệ cho hàng triệu người dân”. Gói giải pháp này, tạm gọi là như vậy nhằm hỗ trợ người có công, người hưởng trợ cấp xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động mất việc. Chữ “việc” ở đây thưa các anh các chị, không tính anh xe ôm, chị bán xôi. Chữ “việc” ở đây dành cho những lao động có hợp đồng, còn lao động tự do chỉ được ưu ái nhắc đến khi “đánh giá lại quy mô GDP” mà thôi.
Viết đến đây thì lại bí. Chưa nhìn ra cách nào để hỗ trợ những người buôn thúng bán bưng - những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 này. Nhưng chắc họ không sao đâu nhỉ. Họ là thường dân mà: Hoà vào trời đất mà xanh/Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Nhà báo Trần Anh Tú