Ấn Độ công bố kế hoạch hành động, chống biến đổi khí hậu ở Mumbai
Là một trong những thành phố ảnh hưởng nặng nề bậc nhất của biến đổi khí hậu tại Ấn Độ, Mumbai đang được lên kế hoạch hành động để thay đổi. Mục tiêu chính của kế hoạch là tạo ra một chiến lược phát triển bền vững, XANH cho thành phố.
Kế hoạch hành động mới để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu
Là một trong những thành phố đông dân nhất ở Ấn Độ nói riêng và thế giới nói chung, trong suốt nhiều năm qua, Mumbai phải đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề. Đây cũng là thành phố có nguy cơ cao chịu tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Môi trường, Du lịch và Giao thức, Aaditya Thackeray của Ấn Độ đã công bố kế hoạch Hành động chống biến đổi khí hậu đầu tiên dành riêng cho thành phố này. Chương trình nhằm đảm bảo quy hoạch và tăng trưởng của thành phố trong tương lai tốt hơn, đồng thời tăng khả năng thích ứng, giảm nhẹ và chống chịu với biến đổi khí hậu.
Theo công bố, ngành Giao thông và Năng lượng hiện đang chịu trách nhiệm về lượng khí thải cao nhất ở Mumbai. Tổng lượng khí thải carbon của Mumbai là 34,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2). Số liệu dựa trên kết quả thu thập, phân tích từ năm 2010 đến năm 2020 trên các lĩnh vực bao gồm giao thông, chất thải, năng lượng và các lĩnh vực khác…
Như vậy, tính trung bình mỗi người dân ở Mumbai hiện đang “đóng góp” 2,67 tấn carbon dioxide vào môi trường (dựa trên ước tính năm 2019). Tương tự, trung bình mỗi người dân Ấn Độ sẽ phải "gánh" 1,91 tấn carbon dioxide.
Trong đó, ngành năng lượng có lượng phát thải cao nhất, ở mức 71% tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG). Lĩnh vực giao thông vận tải phát thải tới 24% và lĩnh vực chất thải rắn đóng góp tới 5%. Ông Lubaina Rangwala, Phó Giám đốc Trung tâm Thành phố Bền vững WRI India Ross cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do hiện nay mức sử dụng điện ở Mumbai cũng như các thành phố tại Ấn Độ là rất cao và 95% điện của Mumbai được sản xuất từ than nên ngành năng lượng là ngành phát thải cao nhất.
Trong khi đó, ngành Giao thông vận tải đã có những động thái nhằm giảm tác động của lĩnh vực này đối với môi trường. Vào tháng 7/2021, Chính sách Xe điện (EV) mới đã được công bố nhằm khuyến khích việc mua các loại xe chạy bằng nhiên liệu thay thế này. Vào ngày 17/8, những trạm sạc xe điện công cộng đầu tiên tại Tòa nhà Kohinoor Square, bãi đậu xe MCGM ở Dadar cũng đã đi vào hoạt động. Dự kiến sẽ có 1.500 trạm sạc trên toàn khu vực Mumbai sẽ được lắp đặt. Đến năm 2025, tiểu bang hy vọng sẽ có 10% tổng số phương tiện được đăng ký tại tiểu bang là xe điện.
Hơn nữa, Brihanmumbai Electric Supply and Transport (BEST), đơn vị chuyên về vận tải công cộng của thành phố cũng đã xác nhận rằng kể từ thời điểm hiện tại họ sẽ chỉ mua hoặc thuê xe buýt điện. Đến cuối năm 2022, BEST dự kiến 45% đội hình của mình là xe điện. Để giảm ô nhiễm không khí, BEST cũng đã lên kế hoạch chuyển đổi tất cả 250 xe buýt chạy bằng diesel sang khí nén tự nhiên (CNG).
6 chương trình hành động để chống biến đổi khí hậu cho Mumbai
Theo công bố, kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu cho Mumbai sẽ tập trung vào sáu chương trình hành động để đưa ra các chiến lược cụ thể của từng ngành. Sáu chương trình hành động chủ yếu là quản lý chất thải bền vững, phủ xanh đô thị và đa dạng sinh học, chống ngập lụt đô thị và quản lý tài nguyên nước, xây dựng nguồn năng lượng hiệu quả, nâng cao chất lượng không khí và giao thông “xanh”.
Trước đấy, Mumbai cũng đã thực hiện hàng loạt những chính sách “rắn” nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường. Từ tháng 6 năm nay, Mumbai đã trở thành thành phố lớn nhất Ấn Độ cấm dùng túi nilon và đồ nhựa. Những ai sinh sống ở thành phố này sử dụng túi nilon, cốc và chai nhựa sẽ bị phạt tiền hoặc ba tháng tù giam.
Nguyên Đỗ (theo Autocar India)