Chủ nhật, 24/11/2024 06:09 (GMT+7)
Thứ sáu, 27/05/2022 11:55 (GMT+7)

ASEAN: Tăng cường hợp tác quốc tế về ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai

Theo dõi KTMT trên

Thỏa thuận liên quan đến phạm vi và các lĩnh vực hợp tác chính giữa ASEAN và IFRC đã được cam kết nhằm thúc đẩy và tăng cường phối hợp trong lĩnh vực quản lý thiên tai tại khu vực này.

Tại cuộc họp lần thứ 7 Diễn đàn Toàn cầu về giảm thiểu rủi ro thiên tai (GP2022) diễn ra từ ngày 23 - 28/5 tại đảo Bali (Indonesia), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra tuyên bố chung về tăng cường ứng phó với thiên tai, với nhiều cam kết cụ thể.

Với việc ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về tăng cường khả năng ứng phó của cộng đồng ở khu vực Đông Nam Á, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) đã cam kết thúc đẩy và tăng cường phối hợp trong lĩnh vực quản lý thiên tai.

Thỏa thuận liên quan đến phạm vi và các lĩnh vực hợp tác chính giữa ASEAN và IFRC nhằm tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai của cộng đồng ở cấp độ khu vực, quốc gia và địa phương trong khu vực Đông Nam Á.

Các lĩnh vực này bao gồm quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai, xây dựng luật, hợp tác y tế trong các trường hợp khẩn cấp, cứu trợ thảm họa và ứng phó khẩn cấp, bình đẳng giới, thanh niên và biến đổi khí hậu.

Việc ký kết thỏa thuận trên cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác lâu dài giữa ASEAN và IFRC, trong đó có việc IFRC hỗ trợ Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM) thực hiện Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) và các chương trình làm việc của tổ chức này.

ASEAN: Tăng cường hợp tác quốc tế về ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai - Ảnh 1
ASEAN đã ra tuyên bố chung về tăng cường ứng phó với thiên tai, với nhiều cam kết cụ thể. (Ảnh minh họa)

Theo đó, các nước ASEAN nhất trí tăng cường khả năng thích ứng và phục hồi sau các hiểm họa đa dạng thông qua việc thực hiện Lá chắn ASEAN (ASEAN SHIELD), thúc đẩy phối hợp liên ngành và mạng lưới hợp tác nội khối với các trung tâm hoặc tổ chức liên quan trong và ngoài khu vực nhằm phát triển các hệ thống cảnh báo sớm và tầm nhìn chiến lược phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai.

Tăng cường tham gia vào quan hệ đối tác với tất cả các cơ quan, các ngành liên quan nhằm đóng góp việc thực hiện hiệu quả Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF), cũng như tăng cường quản trị rủi ro thiên tai đa tầng và đa ngành nhằm nâng cao khả năng ứng phó.

ASEAN sẽ tiếp tục đảm bảo lồng ghép chương trình nghị sự về quản lý và ứng phó với thiên tai vào các chính sách và chiến lược phát triển bền vững, thích ứng với khí hậu ở cấp vùng, cấp quốc gia, cấp địa phương và cộng đồng.

Đồng thời tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực quốc gia và địa phương trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu, chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau thiên tai.

Bên cạnh đó, ASEAN sẽ tăng cường khả năng phục hồi tài chính nhằm ứng phó với thảm họa thiên tai thông qua chương trình Tài trợ và Bảo hiểm rủi ro thiên tai ASEAN (ADRFI); củng cố Công cụ Bảo hiểm rủi ro thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF); tăng cường khả năng phục hồi của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; mở rộng các cơ chế tài trợ và huy động nguồn lực của ASEAN.

Ngoài ra, ASEAN cũng sẽ khuyến khích sự đóng góp của người dân và cách tiếp cận toàn xã hội trong việc hỗ trợ các nỗ lực phục hồi sau thiên tai, tiến tới thiết lập cơ chế cho phép người dân ASEAN đóng góp hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai trong khu vực.

Tổng thư ký ASEAN Dato Lim nhấn mạnh, “Trước tần suất và cường độ ngày càng tăng của các thảm họa do biến đổi khí hậu, tại một trong những khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới, cùng với bối cảnh nhân đạo ngày càng phức tạp, chúng ta cần xây dựng quan hệ đối tác chiến lược nhằm nâng cao khả năng ứng phó với tư cách là một Cộng đồng ASEAN”.

ASEAN là một trong những khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất 

Đông Nam Á là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới bởi biến đổi khí hậu và đặc biệt có nguy cơ mất các khu định cư và cơ sở hạ tầng do nước biển dâng.

Nhận định trên cũng được đưa ra tại báo cáo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học do Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore (NTU Singapore) và Đại học Glasgow (Scotland). Theo đó, ASEAN là một trong những khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới và ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu.

Báo cáo nhấn mạnh, ASEAN có nguy cơ mất hơn 35% GDP vào năm 2050 do biến đổi khí hậu và các hiểm họa thiên nhiên khác, tác động nghiêm trọng đến các ngành chính như nông nghiệp, du lịch và đánh cá, cùng với sức khỏe con người và năng suất lao động. Khu vực này cũng sẽ có mùa mưa kéo dài hơn, bên cạnh đó nắng nóng và hạn hán cũng sẽ gia tăng cường độ.

Đến năm 2050, mực nước biển tại ASEAN được dự đoán tăng trung bình ít nhất 25cm so với năm 2000. Các nhà khoa học cảnh báo, những ảnh hưởng lớn nhất về nước biển dâng sẽ xảy ra ở ASEAN, do số lượng người sinh sống ở các khu vực ven biển rất lớn.

Theo các chuyên gia, đã có ít nhất 21 triệu người phải di dời, sơ tán trong giai đoạn 2015-2018 do thiên tai gây ra ở ASEAN. TS Riyanti Djalante cho rằng, cần hợp tác liên ngành nhiều hơn về các giải pháp thuận theo thiên nhiên và xây dựng các cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu thiên tai. Đồng thời cũng tăng cường trao đổi cơ sở dữ liệu về lập bản đồ di dời và các chương trình hỗ trợ tài chính để giúp giải quyết các vấn đề di dời dân cư bị ảnh hưởng do thiên tai.

Đặc biệt, chỉ tính riêng trong năm 2019, tại các nước ASEAN đã xảy ra 188 thảm họa tự nhiên, trong đó, phải kể đến các trận mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất tại Indonesia, Philippines, Myanmar và Việt Nam. Cũng trong năm 2019, các nước trong khu vực sông Mekong đã chứng kiến đợt hạn hán kéo dài dẫn tới khan hiếm nguồn nước và mất mùa. 

Bên cạnh các đợt bão lũ, tại khu vực hạ nguồn Mekong, lượng mưa thấp và nhiệt độ tăng cao bất thường khiến lượng nước bốc hơi nhanh. Hiện nay, mực nước sông Mekong đã xuống mức thấp nhất trong vòng 60 năm qua, nhiều khúc sông chảy qua 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam có thể nhìn thấy tận đáy kể từ tháng 6 năm ngoái. Nghiêm trọng hơn, tình trạng xâm nhập mặn đã diễn ra từ tháng 12-2019 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long gây nguy cơ thiệt hại cho khoảng 332.000ha lúa, 136.000 ha cây ăn quả và gây thiếu nước sinh hoạt cho 158.900 hộ dân.

Đáng chú ý, các trận động đất mạnh cường độ 6,4 độ Richter tại vùng Tây Bắc Lào (tiếp giáp với miền Bắc Thái Lan) hồi tháng 11-2019 đã gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, đường sá và các công trình dân sinh. Các trận động đất này đã gây ra một số rung chấn tới thành phố Hà Nội, Việt Nam và Bangkok, Thái Lan. Các trận động đất xảy ra tại quốc gia hiếm khi có loại hình thiên tai này đã đưa ra hồi chuông báo động về tình trạng biến đổi khí hậu.

Trước thực trạng đó, đặt ra những thách thức đòi hỏi các nước ASEAN cần tăng cường nỗ lực hợp tác dự báo, ứng phó, giảm thiểu rủi ro và tái thiết sau thảm họa thiên tai.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết ASEAN: Tăng cường hợp tác quốc tế về ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới