Chủ nhật, 24/11/2024 10:58 (GMT+7)
Thứ hai, 06/07/2020 14:04 (GMT+7)

Australia đầu tư gần 130 triệu USD cho công nghiệp tái chế rác thải

Theo dõi KTMT trên

Quỹ thúc đẩy tái chế rác thải của Australia dự kiến sẽ tạo đòn bẩy thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, lên tới 408 triệu USD, tạo ra 10.000 việc làm.

Australia đầu tư gần 130 triệu USD cho công nghiệp tái chế rác thải - Ảnh 1
Rác thải nhựa tại một cơ sở tái chế rác ở Edinburgh, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 6/7, Chính phủ Australia đã cho ra mắt một quỹ trị giá 190 triệu AUD (tương đương 129,2 triệu USD) với mục đích thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế và giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu rác thải gây nhiều tranh cãi.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ trưởng Môi trường Sussan Ley cho biết quỹ này là trọng tâm trong kế hoạch của Chính phủ Australia cải tổ ngành công nghiệp tái chế, sau khi lệnh cấm xuất khẩu các loại rác thải như nhựa, giấy, thủy tinh và lốp xe, chính thức sớm có hiệu lực trong hai năm tới.

Cụ thể, quỹ này sẽ hỗ trợ đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng mới để phân loại, xử lý và tái sản xuất các loại vật liệu có thể tái chế, thông qua sự tài trợ của chính phủ kết hợp với sự tham gia của chính quyền địa phương, ngành công nghiệp và tư nhân.

Quỹ thúc đẩy tái chế rác thải dự kiến sẽ tạo đòn bẩy thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, lên tới 600 triệu AUD (408 triệu USD), tạo ra 10.000 việc làm và chuyển đổi 10 triệu tấn chất thải loại bỏ thành các sản phẩm được sử dụng trong sản xuất.

Bên cạnh việc công bố về quỹ mới, Chính phủ Australia cũng hé lộ kế hoạch giải ngân 35 triệu AUD (23,8 triệu USD) thực hiện các cam kết theo Kế hoạch hành động chính sách chất thải quốc gia, hướng tới mục tiêu đưa ra định hướng quản lý chất thải và tái chế quốc gia đến năm 2030.

Chính quyền Canberra cũng cam kết khoản đầu tư khác, trị giá 24,6 triệu AUD (16,73 triệu USD), để cải thiện hệ thống dữ liệu chất thải trên toàn quốc, hỗ trợ theo dõi tiến trình nâng cấp ngành công nghiệp tái chế và các mục tiêu chất thải quốc gia.

Tháng 11/2019, Thủ tướng Scott Morrison đã công bố một lộ trình cấm xuất khẩu đối với các loại rác thải.

Theo kế hoạch này, rác thủy tinh sẽ bị cấm xuất khẩu từ tháng 7/2020, lệnh cấm xuất khẩu các loại nhựa và lốp xe sẽ có hiệu lực từ năm 2021 và từ cuối tháng 7/2022, Australia sẽ cấm xuất khẩu tất cả các loại rác.

Bộ trưởng Ley cho biết lần đầu tiên chính phủ Australia đã đưa nội dung về rác thải và tái chế vào chương trình nghị sự quốc gia, khẳng định mục tiêu phục hồi tài nguyên quốc gia tới 80% vào năm 2030.

Bà Ley khẳng định khi các hoạt động xuất khẩu rác thải ra nước ngoài chính thức bị ngăn chặn, việc tăng cường khả năng tái chế và quản lý rác thải sẽ trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Australia sẽ xây dựng khả năng xử lý rác thải, qua đó thúc đẩy một nền kinh tế tự cung tự cấp trong chuỗi tái chế, góp phần tạo ra thêm nhiều việc làm hơn và tránh lãng phí bằng cách đưa các vật phẩm đã bị loại bỏ được quay trở lại trong các hoạt động sản xuất.

Xử lý rác thải là một vấn đề lớn của Australia sau khi Trung Quốc tuyên bố ngừng nhập khẩu rác vào năm 2018 và tiếp theo là Malaysia và Indonesia.

Hiện Ấn Độ và Bangladesh là hai quốc gia nhập khẩu phần lớn nguồn rác thải có thể tái chế của Australia.

Bạn đang đọc bài viết Australia đầu tư gần 130 triệu USD cho công nghiệp tái chế rác thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới