Chủ nhật, 24/11/2024 11:34 (GMT+7)
Thứ ba, 13/06/2023 17:24 (GMT+7)

Cần chủ động nắm bắt cơ hội cho Cái Mép-Thị Vải

Theo dõi KTMT trên

Theo nhiều chuyên gia, xu hướng dịch chuyển hàng hóa từ TP. HCM tới Cái Mép-Thị Vải là cơ hội lớn đi kèm nhiều thách thức về hạ tầng. Do đó, Bà Rịa-Vũng Tàu cần chủ động triển khai nhiều giải pháp để nắm bắt các cơ hội trong tương lai.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, thời gian qua, tỷ trọng hàng hóa qua của cảng biển TP. HCM giảm từ 61,8% (năm 2015) xuống còn 55,1% (năm 2022), riêng hàng container giảm từ 76,3% (năm 2015) xuống còn 46,7% (năm 2022).

Trong khi đó, tỷ trọng hàng hóa qua Cái Mép-Thị Vải đã tăng từ 31,7% (năm 2015) lên 36,6% (năm 2022), riêng container tăng từ 19,3% (năm 2015) lên 48,2% (năm 2022). Đánh giá từ các chuyên gia cảng biển, kết quả này là do việc phân vai lại hoạt động của hệ thống cảng biển Việt Nam.

Cần chủ động nắm bắt cơ hội cho Cái Mép-Thị Vải - Ảnh 1
Bà Rịa-Vũng Tàu cần chủ động nắm bắt cơ hội để Cái Mép-Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế có tầm cỡ châu Á và thế giới.

Hiệp hội cảng biển Việt Nam đánh giá, hàng hóa dịch chuyển từ TP.HCM tới Cái Mép-Thị Vải là xu thế tất yếu của ngành hàng hải. Lý do là hiện các hãng tàu trên thế giới có xu hướng gia tăng kích cỡ tàu nhằm tối ưu hóa thời gian và tiết kiệm chi phí logistics.

Về thế mạnh then chốt của cảng biển khu vực Cái Mép-Thị Vải, theo các chuyên gia kinh tế, cảng biển này có lợi thế là thuộc nhóm cảng biển số 4, các nhà đầu tư khai thác cảng và hãng tàu lớn. Thời gian quay vòng cảng thấp nhất trong ASEAN, lại đa dạng tuyến, rút ngắn thời gian trực tiếp từ cảng khu vực Cái Mép-Thị Vải đi thẳng qua châu Âu. Vì vậy, Cảng có khả năng kết nối với các khu vực cảng lân cận bằng đường thủy và đường bộ rất thuận tiện.

Hơn nữa, hệ thống cảng tại Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trên trục cửa ngõ kết nối hàng hải quan trọng của Việt Nam ra thế giới với mớn nước sâu có thể tiếp cận tàu container trên 20.000 TEU, hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải đảm nhận 70-80% sản lượng hàng hóa xuất khẩu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…

Nhiều năm trở lại đây, để tối ưu hóa chi phí khai thác và nâng cao hiệu quả hoạt động, thế hệ siêu tàu container kích cỡ từ 23.000 TEU đến 24.000 TEU ra đời. Tại Việt Nam, Cái Mép-Thị Vải sẽ là lựa chọn tối ưu cho các hãng tàu bởi năng lực tiếp nhận siêu tàu của các doanh nghiệp cảng. Mỗi chuyến tàu ghé Cái Mép-Thị Vải mang tới nhiều cơ hội và lợi ích, góp phần quảng bá Cái Mép-Thị Vải trên bản đồ hàng hải thế giới để các hãng tàu biết đến.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng xu hướng dịch chuyển này cũng đặt ra cho Cái Mép-Thị Vải nhiều thách thức. Hiện hệ thống Cảng Cái Mép-Thị Vải chưa đủ điều kiện để trở thành cảng trung chuyển quốc tế, chưa thu hút được các hãng tàu lớn và mất đi tính cạnh tranh với các cảng nước sâu khác trong khu vực và thế giới do thiếu các yếu tố như: Các cảng đang bị chia cắt, cầu cảng chưa gắn kết, hàng hóa từ tàu nhỏ chuyển sang tàu lớn không có sự liên thông, chưa thật sự là cảng trung chuyển; thiếu một tổ chức kiểm tra chuyên ngành tại chỗ; thiếu một hệ sinh thái Logistics; thiếu một hệ thống giao thông kết nối liên vùng đa phương thức; chi phí logistics cao, thời gian thông quan kéo dài.

Bà Phạm Thị Bảo Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vina Logistics - VNL cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn ở Cái Mép-Thị Vải có nguồn hàng lớn để xuất sang khu vực Nội Á. Tuy nhiên, các tuyến tàu Nội Á còn hạn chế. Trong khi khu vực Nội Á là thị trường xuất nhập khẩu chính của Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp vẫn phải vận chuyển hàng lên TP. HCM và các tỉnh lận cận để xuất hàng.

“Dù Cái Mép-Thị Vải có hạ tầng hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu kết nối của các doanh nghiệp do thiếu hệ thống các kho bãi container rỗng, các cảng cạn. Mặt khác, chi phí logistics chiếm 21% trong giá trị hàng hóa nên nếu làm tốt dịch vụ logistisc chính là mấu chốt để tạo nên hiệu quả của cạnh tranh để thu hút nguồn hàng”, ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng Giám đốc cảng Gemalink đánh giá.

Về vấn đề này, PGS, TS.Hồ Thị Thanh Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam đề xuất, để nắm bắt được các cơ hội trong tương lai, Bà Rịa-Vũng Tàu cần nghiên cứu các mô hình hoạt động của các cảng trên thế giới, tăng cường kết nối hàng hải, chủ động tiếp cận các cảng hãng tàu trên thế giới để tìm nguồn. Ngoài ra, cần tăng cường chuyển đổi số dịch vụ logistics phát triển cảng xanh nhằm tạo thuận lợi hoạt động cũng như cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mục tiêu của tỉnh là tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép-Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.

Để làm được điều này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tập trung các nguồn lực để nâng cao khả năng kết nối giao thông của tỉnh (đường bộ, đường thủy nội địa và trong tương lai là đường sắt), cũng như tập trung phát triển hệ sinh thái dịch vụ logistics như hệ thống kho bãi, cảng cạn, trung tâm logistics, đại lý hãng tàu, đại lý môi giới hàng hải...

Đồng thời, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực công để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải.

Trong cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ một số trọng tâm phát triển của tỉnh trong thời gian tới, mà trước hết là lĩnh vực logistics.

Theo đó, tại các hoạt động đối ngoại gần đây của Thủ tướng, rất nhiều đối tác quốc tế hết sức quan tâm tới việc lĩnh vực này, cụ thể là khu vực Cái Mép-Thị Vải, đưa Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm logistics lớn của khu vực và thế giới. Muốn vậy, phải phát triển hạ tầng kết nối vùng, kết nối các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế.

Thanh Vũ

Bạn đang đọc bài viết Cần chủ động nắm bắt cơ hội cho Cái Mép-Thị Vải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới