Chủ nhật, 24/11/2024 08:06 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/02/2023 16:00 (GMT+7)

Bà Rịa – Vũng Tàu hướng đến trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á

Theo dõi KTMT trên

Theo định hướng đến năm 2030, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á.

Bà Rịa – Vũng Tàu hướng đến trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á - Ảnh 1
Bà Rịa - Vũng Tàu hướng tới trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải hàng đầu Đông Nam Á

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có diện tích 1.982,56 km2, chiếm 5,99% diện tích cả nước và xếp thứ 50 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; năm 2020 dân số trung bình của Tỉnh là 1.167.938 người, chiếm 1,2% dân số cả nước và xếp thứ 39 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với quy mô, diện tích không lớn, nhưng Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong số ít những địa phương có vai trò lớn đóng góp vào GDP và tổng thu ngân sách nhà nước của cả nước.

Sáng 16/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao báo cáo quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; khẳng định Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương trong vùng kinh tế động lực của phía Nam, cùng với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Bà Rịa – Vũng Tàu hướng đến trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á - Ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ông Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, nếu chúng ta chọn con đường đúng, thì chúng ta sẽ đi nhanh, nếu sai sẽ trả bằng nước mắt, hệ quả là mất cả về thời gian, nguồn lực và mất đi cơ hội phát triển. Vấn đề là làm sao đánh giá hết tiềm năng, phát hiện khó khăn thách thức, đặt trong bối cảnh mới, điều kiện mới, tìm hướng đi mang tính đột phá để phát triển nhanh, bền vững, phù hợp xu thế đang chuyển dịch của quốc tế, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý, trong quy hoạch Bà Rịa – Vũng Tàu phải xác định rõ vai trò vị trí, sứ mệnh của tỉnh là một trong những trụ cột kinh tế năng động phía Nam; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã giúp tỉnh có định hướng rõ nét trong xây dựng quy hoạch tỉnh. Ông cũng khẳng định vai trò quan trọng của công tác quy hoạch, “nếu làm không tốt sẽ mất cơ hội, không phát huy, khai thác được hết tiềm năng, lợi thế”.

“Nếu như năm 2015, 80% nguồn thu của tỉnh đến từ dầu khí thì đến nay, tỷ lệ này đã giảm. Trong xu thế phát triển xanh và bền vững, lần quy hoạch này, Bà Rịa – Vũng Tàu cơ cấu lại nền kinh tế phát triển theo hướng tích cực, bền vững”, ông Thanh khẳng định.

Về vấn đề quy hoạch, ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu báo cáo, thực hiện phương châm phát triển “Đột phá - Năng động - Sáng tạo - Bền vững”, Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra tầm nhìn xây dựng tỉnh phát triển toàn diện, là cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia, đến năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức, phát triển tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; đồng thời là trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ.

Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia kinh tế của các Viện nghiên cứu cũng đã thảo luận, góp ý cho Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Các ý kiến thẩm định đều nhất trí nội dung Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản đáp ứng được yêu cầu đã xác định trong Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1442/QĐ-TTg/QĐ-TTg ngày 23/9/2020.

Đồng thời, đề nghị bổ sung phân tích, đánh giá rõ hơn về thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu, dân số; làm rõ lợi thế so sánh của tỉnh so với các địa phương trong vùng.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng đề nghị phân tích sâu các yếu tố điều kiện tự nhiên, nhất là tài nguyên biển tác động đến kinh tế và quốc phòng an ninh biển; làm rõ vai trò đầu tàu trong thúc đẩy tính năng động và cải cách phát triển kinh tế của tỉnh đối với vùng; bổ sung phân tích khả năng cạnh tranh về phát triển cảng biển giữa tỉnh với TP.HCM...

Dự kiến đến năm 2050, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bố trí không gian phát triển theo 4 vùng chức năng: Công nghiệp – cảng biển; Du lịch; Nông nghiệp và Vùng biển – hải đảo. Bên cạnh đó, hình thành 3 trục động lực phát triển: Trục động lực dọc sông Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51; Trục động lực dọc đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu và đường Vành đai 4; Trục động lực dọc ĐT994 và đường trục kết nối Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu.

Đến năm 2050, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng: Hoàn thành hệ thống đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu; hệ thống Metro kết nối các trung tâm đô thị (Bà Rịa, Vũng Tàu, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải), hệ thống MonoRail kết nối các đô thị du lịch ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu; sân bay chuyên dùng Gò Găng (thay thế sân bay Vũng Tàu) và sân bay chuyên dùng Đất Đỏ; hiện đại hoá hệ thống hạ tầng đô thị và các các công trình hạ tầng khác.

Thanh Vũ

Bạn đang đọc bài viết Bà Rịa – Vũng Tàu hướng đến trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới