Chủ nhật, 24/11/2024 05:53 (GMT+7)
Thứ tư, 28/04/2021 14:12 (GMT+7)

Bà Rịa-Vũng Tàu: Người dân 'ngao ngán' vì doanh nghiệp chế biến hải sản gây ô nhiễm

Theo dõi KTMT trên

Sau sự việc đầm nước tại cống số 6 xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ chuyển màu hồng bất thường và có mùi hôi thối, người dân sống quanh khu vực này vẫn tỏ ra vô cùng lo lắng.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Người dân 'ngao ngán' vì doanh nghiệp chế biến hải sản gây ô nhiễm - Ảnh 1
Cống số 6 vẫn đang được đóng cửa "im lìm" sau nhiều ngày nước trong đầm chứa đổi màu bất thường.

Doanh nghiệp vẫn vô tư hoạt động, dấu hiệu ô nhiễm chưa dừng lại?

Liên quan tới việc nước tại khu đầm chứa trước cống số 6, xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ đổi màu hồng và có mùi hôi thối nồng nặc, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mời Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Môi trường và Tài nguyên xuống khảo sát, lấy mẫu nước trong đầm chứa về kiểm tra, phân tích, để tìm hiểu nguyên nhân.

Theo kết quả phân tích của Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Môi trường và Tài nguyên gửi cho cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện tượng nước chuyển màu hồng ở đầm chứa nước trước cống số 6 là sự phát triển mạnh của tảo lục D.Salina, khiến cho mật độ tế bào tăng cao, đồng thời trong tế bào tích lũy một lượng lớn sắc tố B-carotene, sắc tố này có màu hồng đỏ làm cho nước trong đầm có màu hồng.

Cũng liên quan đến hiện tượng bất thường tại khu vực cống số 6, vừa qua UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 877/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Nghê Huỳnh 372 triệu đồng do xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân Đại Quang cũng bị đình chỉ hoạt động vì hoạt động không phép. Tuy nhiên, theo người dân địa phương cho biết, họ vẫn chưa hết lo lắng bởi còn rất nhiều doanh nghiệp khác trong khu vực xảy ra tình trạng ô nhiễm vẫn ngày đêm hoạt động.

Liên quan đến phản ánh của người dân tại xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ về tình trạng ô nhiễm môi trường, Phóng viên Kinh tế Môi trường đã có mặt nhiều ngày liên tục tại khu vực cống số 6 để ghi nhận thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp và tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra tại đây.

Cụ thể, vào ngày 31/3, ngày 6 và ngày 7/4, tại khu vực đầm chứa nước cống số 6, xã Tân Hải, PV ghi nhận được nước trong đầm chứa này vẫn bốc mùi hôi thối, đổi sang màu hồng tím bất thường. Tại khu vực cống số 6, ngoài 2 cơ sở vừa bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì vi phạm về các quy định về bảo vệ môi trường và hoạt động trái phép thì có hàng chục doanh nghiệp khác vẫn tiếp tục ngày đêm hoạt động sản xuất.

Theo người dân, trong quá trình sấy, sưởi, xay nguyên vật liệu, các cơ sở này còn thải ra môi trường những cột khói đen cao đến hàng chục mét, kèm theo đó mùi hôi nồng nặc. Theo chiều gió, khói và mùi hôi lan rộng ra bầu không khí khiến người dân chỉ biết “kêu trời”.

Trong khoảng thời gian có mặt tìm hiểu thông tin tại khu vực quanh đầm chứa cống số 6, PV cũng có dịp được trải nghiệm cuộc sống, phần nào hiểu được những sự chịu đựng của người dân đang gánh chịu trong nhiều năm qua. Cách khu vực hàng hàng km, PV vẫn cảm nhận được mùi hôi nồng nặc đặc trưng của bột cá.

Được sự hỗ trợ của người dân nơi đây, PV ghi nhận được rất nhiều các ống xả thải được nối từ các cơ sở sản xuất ra đầm nước. Có những ống xả thải đã lâu không còn được sử dụng, nhưng cũng có những đường ống xả thải vẫn đang liên tục thải ra đầm những dòng nước đục ngàu. Ngoài ra, nguồn nước gần những khu vực có ống xả thải đều xuất hiện váng đen, mùi hôi thối và lẫn các loại rác sinh hoạt.

Theo chia sẻ của một người dân, trước đây, khi đầm nước chưa ô nhiễm, nước rất trong, có thể tắm được, cá ở thời điểm đó cũng rất nhiều. Nhưng từ khi, các nhà máy chế biến cá hoạt đồng, nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm thì không còn dám tắm rửa, nguồn cá tự nhiên cũng chết dần rồi biến mất hẳn. Điều đáng nói, nếu tay chân mà đụng phải nước ô nhiễm này thì có thể bị ngứa ngáy, thậm chí là lở loét.

Bệnh tật triền miên, dân chỉ biết "kêu trời"

Theo phản ánh của người dân, việc các nhà máy chế biến bột cá xả thải không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mà còn gây ô nhiễm không khí trầm trọng nhiều năm qua. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống, mà còn cả sức khỏe của hàng ngàn hộ dân xung quanh khu vực này.

Theo ghi nhận và phản ánh của người dân sống gần khu vực cống số 6 và các nhà máy chế biến cá thì có rất nhiều người mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp như viêm mũi, viêm não khiến người dân không khỏi nghi ngờ nguyên nhân xuất phát từ các cơ sở kinh doanh tại đây.

Chia sẻ với PV về việc nhiều người dân mắc bệnh, ông Nguyễn Quang Vinh (người dân tổ 10, thôn Cát Hải) cho biết, chính người thân trong gia đình ông đã mắc bệnh viêm mũi, trải qua nhiều lần chữa trị nhưng đến nay tình hình sức khỏe vẫn không được cải thiện. Ông Vinh và gia đình nghi ngờ nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tật là do hoạt động sản xuất và xả thải của những cơ sở sản xuất bột cá quanh khu vực cống số 6.

Ông Vinh chia sẻ: “Từ ngày các công ty ở đây hoạt động làm cho nguồn nước ở đây bị ô nhiễm, nhiều người đã bán nhà để đi nơi khác sinh sống do không chịu nổi mùi hôi thối”.

Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Vinh, một hộ dân khác (giấu tên-PV) chia sẻ rằng: “Gia đình tôi sống từ năm 1989 đến nay, nhưng từ khi có các công ty về đây hơn chục năm rồi là hôi dữ lắm, nhất là nửa đêm hôi thối khiếp lắm. Tôi bị viêm xoang mổ 2, 3 lần rồi và đa số người dân ở đây bị viêm xoang nhiều lắm, đi khám thì bác sĩ nói là do không khí bị ô nhiễm, phải tránh xa ra chứ không là không bao giờ hết. Tôi nghi ngờ nguyên nhân là từ những nhà máy sản xuất bột cá này, họ xả thải ra gây ô nhiễm môi trường”.

Đây chỉ là số ít những hộ dân mà PV được tiếp xúc và lắng nghe những dãi bày tâm tư, nguyện vọng. Còn theo ông Vũ Thanh Tịnh - Trưởng thôn Cát Hải cho biết, hiện nay có khoảng 300 nhân khẩu đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự ô nhiễm tại đầm chứa nước cống số 6.

Việc ô nhiễm đã không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, mà còn ảnh hưởng nặng nề tới cả việc đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản của người dân. Đặc biệt, vào năm 2016 cá của hàng chục hộ dân đang nuôi tại làng bè trên sông Chà Và bất ngờ chết trắng, nghi do ô nhiễm nguồn nước từ cống số 6 xả ra. Người dân đã mang cá chết ra đường quốc lộ để phản đối và yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết.

“Từ đó đến nay, như thường lệ, năm nào cũng có cá chết, nhiều nhất là cá chim, cá bớp, rồi tôm hùm… gây thiệt hại cho người nuôi cá tại làng bè Long Sơn trên sông Chà Và. Dân nuôi cá cũng đi thưa kiện lên tới TP.Bà Rịa, làm căng lắm nhưng cũng chỉ được một thời gian đâu lại vào đó. Mong cơ quan chức năng xử lí thật nghiêm để môi trường chăn nuôi được thuận lợi. Việc ô nhiễm môi trường khiến cạn kiệt nguồn hải sản, người đánh bắt nuôi trồng cũng rất kém, gây thiệt hại dữ lắm”, anh Nguyễn Văn Nam, hộ dân nuôi cá bè tại làng bè Long Sơn cho biết.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Người dân 'ngao ngán' vì doanh nghiệp chế biến hải sản gây ô nhiễm - Ảnh 2
Hình ảnh cá bớp lớn hàng kg chết nghi do ô nhiễm môi trường nước.
Bà Rịa-Vũng Tàu: Người dân 'ngao ngán' vì doanh nghiệp chế biến hải sản gây ô nhiễm - Ảnh 3
Ông Nguyễn Văn Chung, một hộ dân nuôi bè trên sông Chà Và đang "điêu đứng" vì cá chết bất thường.

Sau khi tiếp nhận phản ánh, ghi nhận thực tế về tình hình ô nhiễm tại khu vực cống số 6, PV cũng đã liên hệ với các Sở ban ngành của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để làm rõ các vấn đề ô nhiễm.

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nhóm Phóng Viên

Bạn đang đọc bài viết Bà Rịa-Vũng Tàu: Người dân 'ngao ngán' vì doanh nghiệp chế biến hải sản gây ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới