Chủ nhật, 24/11/2024 08:13 (GMT+7)
Thứ năm, 18/05/2023 06:00 (GMT+7)

Bắc Giang: Triển khai thực hiện đề án “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng”

Theo dõi KTMT trên

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.

Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, danh lam thắng cảnh và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương; góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Kế hoạch đề ra mục tiêu thát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn để đảm bảo chủ động cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ; góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ.

Phấn đấu sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác đến năm 2025 bình quân mỗi năm khai thác trên 1,0 triệu m³/năm, giai đoạn 2026-2030 bình quân khai thác trên 1,2 triệu m³/năm; 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Bắc Giang: Triển khai thực hiện đề án “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng” - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Tăng cường các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các loại cây dược liệu, các sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu là các loại cây dược liệu. Tiếp tục nâng cao đời sống của người dân làm nghề rừng, phấn đấu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc làm lâm nghiệp tăng trên 2 lần so với năm 2020. Đến năm 2030 mức thu nhập bình quân của người dân tộc làm lâm nghiệp bằng 50% mức bình quân chung của cả tỉnh.

Giai đoạn 2021 - 2025 có 10% và giai đoạn 2026 - 2030 có 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng, giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đảm bảo an ninh môi trường rừng…

Để đạt được mục tiêu, Kế hoạch đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm khai thác hiệu quả giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Trong đó, tập trung phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ với vùng rừng nguyên liệu tập trung khoảng 80 nghìn ha.  Hàng năm trồng khoảng 8.000-9.000 ha rừng trồng tập trung và khoảng 5- 6 triệu cây phân tán, trong đó diện tích rừng trồng gỗ lớn chiếm 30% diện tích rừng trồng hàng năm.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng tỷ trọng nguồn cung nguyên liệu gỗ hợp pháp từ rừng trồng của địa phương cho ngành chế biến gỗ và lâm sản; gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc cấp mã số vùng trồng, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; lũy kế đến năm 2025, diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt 17.000 ha, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững3 đạt 20.000 ha; đến năm 2025, năng suất bình quân rừng trồng sản xuất đạt khoảng 22 m3/ha/năm, đến năm 2030 đạt 25m3/ha/năm, sản lượng gỗ khai thác đạt 1,0 triệu m3 trở lên, trong đó 40% sản lượng gỗ khai thác rừng trồng được đưa vào chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.

Phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc gắn với giá trị cảnh quan thiên nhiên tại các khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử, khu bảo tồn và các khu rừng phòng hộ như: Du lịch tâm linh, văn hóa - lịch sử - kiến trúc, du lịch MICE, du lịch sinh thái, trang trại, cây ăn quả, chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp, du lịch thông minh,  du lịch ẩm thực…

Tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh nhằm tăng nguồn thu, khuyến khích chủ rừng, hộ gia đình nhận khoán tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Bắc Giang: Triển khai thực hiện đề án “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới