Bạc Liêu dẫn đầu miền Tây về phát triển điện gió
Với 56km, tương đương 8% tổng chiều dài bờ biển miền miền Tây nhưng tỉnh Bạc Liêu đang dẫn đầu về thu hút đầu tư, khai thác tài nguyên sản xuất năng lượng sạch, phát triển bền vững.
Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1 và giai đoạn 2, quy mô công suất 99,2 MW đang được vận hành với tổng sản lượng điện lũy kế phát lên lưới đạt 1 tỉ kWh vào tháng 3/2020 và dự kiến đến cuối năm nay đạt trên 1,2 tỉ kWh. |
Cuối tháng 7 vừa qua, tại bờ biển huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu có thêm 2 dự án xây dựng nhà máy điện gió quy mô công suất 100 MW, chính thức được khởi công, với tổng mức đầu tư là 5.223 tỉ đồng, với tên gọi Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 (giai đoạn 2) và Nhà máy điện gió Hòa Bình 2.
Theo thiết kế, 2 nhà máy này sẽ sản xuất ra sản lượng khoảng 400 triệu KWh/1 năm, với mức doanh thu dự kiến có thể đạt trên 800 tỉ đồng/năm. Trong đó, dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 (giai đoạn 2), được xây dựng trong khu vực biển thuộc địa phận xã Vĩnh Hậu A và xã Vĩnh Hậu, có diện tích khoảng 935 ha; dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình 2 có hệ thống turbine gió được xây dựng trong khu vực biển thuộc địa phận xã Vĩnh Thịnh, có diện tích khu vực biển khoảng 1.119 ha.
Trước đó, năm 2019, tỉnh Bạc Liêu đã khởi công 2 dự án điện gió Hóa Bình 1 (giai đoạn 1), công suất 50MW và Đông Hải 1 (giai đoạn 1), công suất 50 MW, dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm nay. Năm 2018, dự án điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3 cũng đã được khởi công, công suất 142 MW, hiện đang hoàn thành hồ sơ thiết kế theo điều chỉnh gam công suất từ 2 MW lên 3 MW, cấp điện áp trạm biến áp và điều chỉnh hướng tuyến đường dây 220 kV.
Cùng với các dự án mới đã và đang xây dựng, nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1 và giai đoạn 2, quy mô công suất 99,2 MW đang được vận hành với tổng sản lượng điện lũy kế phát lên lưới đạt 1 tỉ kWh vào tháng 3/2020 và dự kiến đến cuối năm nay đạt trên 1,2 tỉ kWh.
Với hàng loạt dự án đã và đang được triển khai xây dựng tổng công suất thiết kế các nhà máy điện gió đã vận hành và đang triển khai xây dựng dự kiến sẽ đi vào vận hành vào cuối năm 2021 thì tỉnh Bạc Liêu đã có tổng công suất 391,2 MW nhưng mới chỉ đạt khoảng 15% tổng công suất tiềm năng quy hoạch phát triển điện gió của địa phương giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Theo quy hoạch đã được phê duyệt các vùng phát triển điện gió ven biển tỉnh Bạc Liêu cũng tổng diện tích khoảng 37.600 ha, tổng công suất lên tới trên 2.500 MW.
Đã có 37.600 ha ven biển được tỉnh Bạc Liêu quy hoạch phát triển điện gió. |
Đầu năm nay, UBND tỉnh Bạc Liêu đã trình Bộ Công Thương thẩm định theo quy định đối với tổng quy mô công suất điện gió, xin bổ sung khoảng 1.000 MW đảm bảo phù hợp với khả năng truyền tải của lưới điện, trình Chính phủ phê duyệt bổ sung thêm vào Quy hoạch điện VII quốc gia đối với các dự án điện gió đã có đầy đủ hồ sơ.
Trên cơ sở nghiên cứu về cơ chế phát triển năng lượng tái tạo ở các địa phương, đặc biệt là ở tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét chấp thuận cho tỉnh áp dụng cơ chế đặc thù cho 2.000 MW điện gió đóng điện trước tháng 11/2022 tiếp tục được hưởng ưu đãi giá mua điện theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vì khó khăn đặc thù là thời gian thi công trên biển mỗi năm chỉ có 8 tháng, còn lại 4 tháng gió to, sóng lớn rất khó thi công. Xem xét chấp thuận cho tỉnh đầu tư lưới truyền tải 500 KV, 220 KV đồng bộ các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh theo cơ chế đầu tư xã hội hóa, trong đó ưu tiên cho các nhà đầu tư có dự án nguồn điện lớn trên địa bàn tỉnh tham gia.
Sau dự án điện gió Bạc Liêu được triển khai đi vào vận hành hoạt động, việc phát triển năng lượng sạch ở tỉnh Bạc Liêu được tập trung kể từ Hội nghị xúc tiến đầu tư, chủ đề “Khơi dậy tiềm năng - Phát triển bền vững” tổ chức tại địa phương hồi tháng 1/2018. Tại hội nghị, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã trao chứng nhận và cấp phép đầu tư vào địa bàn cho 30 dự án với tổng mức đầu tư trên 110.000 tỉ đồng phát triển sản xuất theo hướng bền vững, trong đó riêng lĩnh vực năng lượng tái tạo có số vốn đăng ký đầu tư lên đến trên 81.000 tỉ đồng.
Theo các nghiên cứu về tiềm năng tài nguyên gió ven biển miền Tây cho biết tỉnh Bạc Liêu cũng như các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau, tốc độ gió trên độ cao 65 m đạt trên 6 m/s. Riêng tại 3 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đã có hơn 400 km bờ biển với bãi bồi rộng hàng trăm ngàn ha, độ sâu vùng biển từ 0 - 30 m có thể phát triển điện gió rất thuận lợi. |
Hùng Long