Chủ nhật, 24/11/2024 07:37 (GMT+7)
Thứ ba, 25/08/2020 13:56 (GMT+7)

Điện mặt trời mái nhà - Cần chính sách dài hơi để phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng tái tạo để phục vụ cho đời sống của nước ta còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Do vậy, cần có các cơ chế và chính sách dài hơi để phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo.

Sáng nay 25/8, tại Hà Nội, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA), Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và các đối tác tổ chức khai mạc Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2020.

Sự kiện diễn ra từ ngày 25 đến ngày 28/8 trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Chuỗi các sự kiện được mở đầu với Toạ đàm "Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ" diễn ra trong sáng nay. Buổi Toạ đàm đã bàn về hiện trạng, tiềm năng và thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách phát triển cho điện mặt trời áp mái tại Việt Nam.

Điện mặt trời mái nhà - Cần chính sách dài hơi để phát triển bền vững - Ảnh 1
Toàn cảnh buổi Tọa đàm "Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ". (Ảnh: Nguyễn Luận)

Việt Nam có tiềm năng lớn về điện mặt trời mái nhà

Tại buổi Toạ đàm, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) đánh giá, cơ chế giá khuyến khích đã giúp Việt Nam đạt được hơn 1.000 MWp cho điện mặt trời mái nhà chỉ trong vòng 2 năm qua, đồng thời tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối…

Cụ thể, theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 1.027 MW là tổng công suất điện mặt trời (ĐMT) mái nhà mà Việt Nam đã đạt được trong năm nay trên cả nước, tính đến hết ngày 18/8/2020. Con số này đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019, gấp 57 lần so với năm 2018.

Những năm gần đây, cơn sốt năng lượng tái tạo đang lan rộng khắp Việt Nam, đặc biệt là những địa phương có thế mạnh về bức xạ mặt trời, điện gió. Các dự án năng lượng tái tạo được đầu tư ngày càng nhiều trong khi các nguồn cung năng lượng khác đang dần bị cạn kiệt.

Điện mặt trời mái nhà - Cần chính sách dài hơi để phát triển bền vững - Ảnh 2
Điện mặt trời áp mái giúp giảm áp lực cho nguồn cung điện. (Ảnh minh họa)

EVN ước tính rằng, chỉ cần khoảng 2 triệu nóc nhà ở Việt Nam lắp điện mặt trời, với công suất 10 KW mỗi mái nhà sẽ giúp giảm tương ứng 16 triệu tấn than mỗi năm do dùng nhiệt điện than. Chưa kể lợi ích kinh tế trực tiếp cho người lắp.

Cần chính sách dài hơi để phát triển

Năng lượng tái tạo (NLTT) hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện và Việt Nam được biết đến như một quốc gia đang dẫn đầu về tăng trưởng NLTT trong khu vực ASEAN.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành các chính sách và cơ chế để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, gió cũng như gia tăng bổ sung vào quy hoạch điện các dự án điện gió, điện mặt trời và chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn tới.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến tháng 6/2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái ở Việt Nam đạt 763.555 KWp, tăng mạnh so với tổng công suất tháng 1/2020 là 428.612 KWp. Còn tính đến ngày 8/7, đã có 37.300 hệ thống điện mặt trời trên mái nhà được lắp đặt, với tổng công suất đạt khoảng 782 MWp.

Điện mặt trời mái nhà - Cần chính sách dài hơi để phát triển bền vững - Ảnh 3

Phát biểu tại buổi Toạ đàm, với vai trò là nhà cung cấp, ông Phan Đình Nam - Giám đốc Công ty cổ phần Solar Tech đã đề xuất cần có sự xem xét, điều chỉnh lại cơ chế giá sao cho phù hợp để khuyến khích người dân lắp ĐTM mái nhà. Bên cạnh đó, quy định thế nào là "áp mái" lại chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều nhà đầu tư dùng các hình thức "núp bóng" điện mặt trời mái nhà gây nhiều vướng mắc sau này. Về quy chế hoà lưới, ông Phan Đình Nam cũng đề xuất nên có sự đồng nhất về thủ tục giấy tờ, quy trình để hoàn thiện hồ sơ hoà lưới điện mặt trời áp mái.

Ông Nguyễn Anh Dũng - cán bộ Dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng Bộ Công Thương/GIZ (ESP) cho rằng, cần phải nâng cao tỉ lệ nội địa hóa để đưa ra sản phẩm dịch vụ, công nghệ của Việt Nam với giá hấp dẫn hơn. Hiện nay chúng ta đang dùng cơ chế giá bán điện cố định (FIT) ưu đãi để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà, nhưng cũng nên có cơ chế giá FIT ưu đãi hơn cho sản phẩm sản xuất từ Việt Nam để tăng nội địa hóa.

Điện mặt trời mái nhà - Cần chính sách dài hơi để phát triển bền vững - Ảnh 4
Tính đến tháng 6/2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái ở Việt Nam đạt 763.555 KWp. (Ảnh minh họa)

Khơi thông tài chính cho điện mặt trời mái nhà

Từ năm 2019 đến nay, cơ chế giá khuyến khích đã giúp Việt Nam đạt được hơn 1.000 MW cho ĐMT mái nhà. Hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính, bảo hiểm..., góp phần làm cho thị trường điện mặt trời tại Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn quá nhỏ bé so với tiềm năng kỹ thuật vô cùng lớn ước tính tổng công suất lên tới 48.000 MW của điện mặt trời mái nhà. Nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thực sự sẵn sàng bởi chính sách hỗ trợ quá ngắn, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm, chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn nên dẫn đến tâm lý lo ngại và chần chừ. Và vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ đặc biệt liên quan đến chính sách, tài chính và sáng kiến giải pháp để thúc đẩy phát triển ĐMT mái nhà tương xứng với tiềm năng.

Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sỹ Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh tại buổi Tọa đàm: "Cơ hội chính sách và đầu tư cho ĐMT mái nhà ở Việt Nam là rất lớn, đây chính là cơ hội cho thị trường bán lẻ và thị trường bán buôn điện ở Việt Nam... Do đó, cần phải sử dụng chính sách giá, chính sách thuế và chính sách tín dụng một cách linh hoạt để phát triển điện mặt trời áp mái một cách bền vững".

Ngày 11/4/2017, Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích người dân lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để sử dụng và có thể bán lại phần điện dư cho ngành điện, ban hành theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và ngày 08/01/2019 ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg.

Ngày 06/01/2020, Bộ Công Thương đã có văn bản số 89/BCT-ĐL về việc thực hiện các thỏa thuận với điện mặt trời áp mái. Trong đó, Bộ Công Thương chỉ đạo: EVN tiếp tục nhận và giải quyết các yêu cầu bán điện từ các dự án điện mặt trời áp mái. EVN chịu trách nhiệm đảm bảo các hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối vào hệ thống điện quốc gia tuân thủ đúng quy định của pháp luật và không gây quá tải lên hệ thống điện hiện hữu.

Ngày 6/4/2020, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, thay thế Quyết định 11/2017/QĐ-TTg hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Điện mặt trời mái nhà - Cần chính sách dài hơi để phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới