Chủ nhật, 24/11/2024 06:38 (GMT+7)
Thứ tư, 17/08/2022 13:59 (GMT+7)

Bạc Liêu: Đồng bộ giải pháp để ứng phó biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Là một trong những địa phương tại vùng ĐBSCL chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững.

Bạc Liêu là địa phương nằm ở vị trí nhạy cảm khi có đường bờ biển dài và ở hạ lưu của sông Mekong, do đó Bạc Liêu chịu ảnh hưởng rõ nét của nước biển dâng và xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, Bạc Liêu có địa hình bằng phẳng, nông nghiệp là ngành nghề chính, trình độ nhân lực nói chung chưa cao, thu nhập thấp, tỷ lệ dân tộc thiểu số cao và cơ sở hạ tầng chưa kiên cố là những điểm hạn chế của Bạc Liêu trong việc đánh giá khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Những rủi ro, tổn thương do BĐKH của Bạc Liêu biểu hiện qua các hiện tượng sạt lở bãi bồi, bờ biển, xâm nhập mặn và suy giảm nguồn nước. Cụ thể, trên toàn tỉnh Bạc Liệu có tới 39 khu vực xảy ra tình trạng sạt lở, trong đó ở khu vực Gành Hào sạt lở lớn với tốc độ 1-2m/năm; sạt lở bờ biển quanh năm ở khu vực TP. Bạc Liêu gồm xã Vĩnh Trạch Đông, xã Hiệp Thành và phường Nhà Mát, một số khu vực ở thị trấn Gành Hào. Bên cạnh đó, các tuyến đê biển cũng xảy ra tình trạng sạt lở như tuyến đê biển khu vực Vĩnh Trạch Đông - TP. Bạc Liêu, sạt lở kè khu vực Gành Hào, huyện Đông Hải.

Bạc Liêu: Đồng bộ giải pháp để ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Kè Nhà Mát (Bạc Liêu) được đầu tư từ nguồn vốn chống biến đổi khí hậu

Theo các chuyên gia, xâm nhập mặn tại Bạc Liêu xuất hiện gay gắt nhất vào thời gian tháng 3 đến tháng 5, ranh mặn xâm nhập sâu vào khu vực tam giác Ninh Quới (huyện Hồng Dân). Đối với vấn đề thiếu hụt nước ngọt, lượng nước mưa trong tương lai có xu thế giảm dần, do đó việc sử dụng nước mưa tại tỉnh Bạc Liêu sẽ ngày càng khó khăn trong các tháng mùa khô. Trữ lượng ngầm sụt giảm do khai thác quá mức và ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Chính vì vậy, để ứng phó hiệu quả với triều cường, nước biển dâng, ngập lụt, mặn xâm nhập, nắng nóng, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình, trong đó, tập trung xây dựng các công trình trọng điểm như tuyến đường Hộ Phòng - Gành Hào. Đồng thời, nâng cấp đê biển Đông, sửa chữa các tuyến đê, kè xung yếu, xây dựng các âu thuyền, khu neo đậu tránh trú bão cho các phương tiện tàu, thuyền; cải tạo, xây dựng hệ thống kênh thủy lợi, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu cũng tập trung đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn, nhất là các vùng sâu, vùng xa nhằm hạn chế tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Thống kê của ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2020, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai tổng cộng 17 dự án cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 225 tỉ đồng.

Bạc Liêu: Đồng bộ giải pháp để ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 2

Công trình kè kiên cố chống sạt lở ven biển thị trấn Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) giúp người dân yên tâm sinh hoạt, sản xuất

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bạc Liêu, hiện tại, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành cập nhật kịch bản BĐKH, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với kịch bản nước biển dâng. Đồng thời, thực hiện đề án chống ngập đối với những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của BĐKH, nước biển dâng và có nguy cơ xảy ra sạt lở cao như huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình và TP. Bạc Liêu; xây dựng phương án di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư.

Song song đó, tỉnh Bạc Liêu tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, mở rộng diện tích sản xuất lúa trên đất tôm tại các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tăng cường các biện pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất nuôi tôm quảng canh cải tiến, sản xuất lúa thích ứng với hạn hán, mặn xâm nhập, phát triển mô hình đa cây, đa con trên cùng một diện tích giúp người dân ổn định sinh kế, thích ứng với BĐKH.

Ngoài ra, thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về BĐKH cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân. Đồng thời, lồng ghép phổ biến các kiến thức về BĐKH cho người dân thông qua các sự kiện hàng năm như: Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Nước thế giới…

Theo ông Nguyễn Bình Thuận - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho biết, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của của các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu cùng với những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và người dân, công tác ứng phó với BĐKH và phòng, chống thiên tai đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu ngày càng ổn định, bền vững.

Thanh Vũ

Bạn đang đọc bài viết Bạc Liêu: Đồng bộ giải pháp để ứng phó biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới