Bắc Trung Bộ là vùng trọng điểm bão ảnh hưởng năm 2020
Có khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông; trong đó khu vực Bắc Trung Bộ là vùng trọng điểm của bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng năm nay.
Số lượng bão xấp xỉ TBNN
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, ở khu vực Bắc Trung Bộ giai đoạn từ 8-12/2020, khả năng ENSO sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha lạnh trong khoảng một, hai tháng tới.
Sau đó, nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương (khu vực Nino3.4) tiếp tục lạnh hơn và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 với xác suất xảy ra khoảng 60%, nhưng có cường độ yếu và ít có khả năng kéo dài.
Ảnh minh họa. |
Dự báo, số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong nửa cuối năm 2020 có khả năng ở mức xấp xỉ so với TBNN.
Cụ thể, có khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó khu vực Bắc Trung Bộ là vùng trọng điểm của bão/ATNĐ ảnh hưởng năm nay.
Theo cơ quan khí tượng thủy văn, ở khu vực Bắc Trung Bộ, trong tháng 8, các đợt nắng nóng còn xảy ra nhưng không gay gắt. Không khí lạnh (KKL) có khả năng ảnh hưởng sớm, nền nhiệt trung bình mùa Đông năm 2020-2021 thấp hơn so với mùa Đông năm 2019-2020.
Cũng trong tháng 8, tháng 9/2020 tổng lượng mưa khu vực này ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Tháng 10/2020, tổng lượng mưa ở mức cao hơn TBNN từ 10-20% (riêng khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế cao hơn TBNN từ 20-40%).
Tháng 11/2020, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ TBNN, các nơi khác tổng lượng mưa cao hơn TBNN từ 15-25%. Tháng 12/2020 khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, tổng lượng mưa thấp hơn TBNN 10-20%; khu vực Thừa Thiên Huế- cao hơn TBNN 10-20%.
Lũ diễn biến phức tạp
Từ nửa cuối tháng 7 đến tháng 8/2020, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ vừa và nhỏ; đỉnh lũ có khả năng ở mức báo động (BĐ)1-BĐ2, trên một số sông suối nhỏ có khả năng lên trên BĐ2; mực nước các sông khác biến đổi chậm.
“Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thiếu hụt từ 30-65% so với TBNN, một số sông thiếu hụt trên 70%; trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ”, các chuyên gia khí tượng nhận định.
Trong thời gian này, tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ ở mức tương đương mùa khô năm 2019, đặc biệt nghiêm trọng hơn ở ngoài vùng cấp nước của các công trình thuỷ lợi các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế.
Nhận định trong năm 2020, tình hình lũ ở khu vực Trung Bộ diễn ra phức tạp, đỉnh lũ trên các sông ở khu vực có khả năng ở mức cao hơn năm 2019. Đỉnh lũ năm 2020, tại hạ lưu các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức BĐ1-BĐ2, xấp xỉ đỉnh lũ TBNN; các sông từ Quảng Bình đến đến Thừa Thiên Huế ở mức BĐ2-BĐ3, một số sông trên BĐ3, tương đương đỉnh lũ TBNN.
Các chuyên gia dự báo, lũ lớn tập trung nhiều vào giai đoạn cuối năm, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt diện rộng trên các lưu vực sông và các khu đô thị lớn. Mưa lũ, ngập lụt có khả năng ảnh đến hạ tầng giao thông, đê kè, các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi nhỏ, xung yếu có thể bị sự cố, tác động xấu đến kinh tế xã hội trong khu vực.
“Các địa phương cần sớm rà soát các phương án ứng phó bão, mưa, lũ lớn để chủ động hơn trong công tác phòng chống”, cơ quan khí tượng thủy văn khuyến nghị.
Đặc biệt, tại khu vực ven biển Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) sẽ xuất hiện 10 đợt thủy triều ở mức cao vào các ngày 2-5/8, 30/8-2/9, 14-17/9, 26-29/9, 11-14/10, 19-26/10, 6-10/11, 17-20/11, 4-7/12 và 15-20/12.
Do vậy, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cảnh báo đề phòng khả năng ATNĐ, bão đổ bộ vào thời điểm thủy triều ở mức cao, kết hợp với sóng lớn, nước dâng sẽ gây nguy hiểm cho các tuyến đê biển xung yếu và khả năng cao gây ngập lụt vùng ven biển.
Tuyết Chinh