Bài dự thi 'Cùng giữ màu xanh của biển': Lá chắn sóng từ hàng rào chữ T
Biến đổi khí hậu đang ngày càng thử thách ý chí của con người. Cùng với đó là rừng ngập mặn bị thu hẹp kéo theo vùng ven biển bị xói lở nghiêm trọng.
ĐBSCL là nơi cung cấp lương thực cho trên 50% sản lượng gạo quốc gia, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy sản đánh bắt và 74% lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước. Đây là địa bàn sinh sống của gần 18 triệu người, cùng hệ sinh thái đa dạng với hơn 10 nghìn loại động thực vật cư trú dọc theo các bờ sông và ven biển.
Nhưng ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu đang ngày càng thử thách ý chí của con người. Cùng với đó là rừng ngập mặn bị thu hẹp kéo theo vùng ven biển bị xói lở nghiêm trọng.
Nhiều năm trở lại đây, biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng cao, gây ra hiện tượng xâm nhập mặn, xói lở ven biển. Một nguyên nhân khác đó là sự tác động của xã hội trong quá trình phát triển và ý thức, nhận thức của con người đã vô tình tàn phá nghiêm trọng rừng ngập mặn ven biển - nơi được coi như lá phổi xanh chắn sóng, chống xói lở bờ biển.
Theo PGS.TS Đinh Công Sản - cán bộ Viện Khoa học thủy lợi miền Nam: “Khi kinh tế của chúng ta phát triển thì chính chúng ta lại bị môi trường do chúng ta tàn phá tác động ngược lại. Nếu như trước kia, toàn bộ những cánh rừng ngập mặn được giữ gìn thì nếu có tác động từ ngoài biển vào, nó sẽ được che chắn bớt. Nhưng giờ đây, vì nhu cầu phát triển dân số, phát triển kinh tế mà những cánh rừng ấy thu hẹp lại nhường chỗ cho con người. Giờ chúng ta phải xem xét lại vấn đề này, phải có giải pháp bền vững khôi phục rừng, chống xói lở bờ biển”.
Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi năm bờ biển xói lở tới 50 mét. Tức là, nếu không can thiệp, tại thời điểm hiện nay, nhà nằm cách biển 500 mét thì trong vòng 10 năm nữa sẽ nằm ngay mép nước. Trước đây, các giải pháp can thiệp là xây dựng đê kè. Các công trình này ngăn ngừa nước biển tràn vào trong đất liền khi có lũ lụt. Về mặt lý thuyết, hệ thống đê kè có khả năng bảo vệ vùng nội đồng khỏi lũ lụt. Tuy nhiên, hệ thống này lại có điểm yếu là làm xáo trộn các hệ sinh thái tự nhiên ven biển.
Trong một dự án do Chính phủ Việt Nam phối hợp với tổ chức phát triển Đức GIZ và Chính phủ Australia đã tìm ra giải pháp hàng rào chắn sóng chữ T, giải pháp này đã và đang được ứng dụng một cách hiệu quả.
Giải pháp hàng rào chữ T chống xói lở tại vùng bờ ĐBSCL là việc kết hợp giữa xây dựng hệ thống đê kè thiết kế phù hợp song song với việc bảo vệ rừng ngập mặn. Giải pháp này hoạt động trên nguyên lý dựa vào hàng rào chắn sóng làm giảm cường độ sóng, cho phép bồi tụ và khôi phục lại các bãi bồi để rừng ngập mặn có thể phát triển. Cây rừng ngập mặn là tuyến phòng hộ đầu tiên trước bão lũ, giúp giảm sức tàn phá của sóng một cách hiệu quả, hệ thống đê kè là tuyến phòng hộ phía sau mà chỉ có các đỉnh lũ cao đáng kể mới có thể vượt qua.
Tiến sĩ Stefan Groenewold - cố vấn kỹ thuật cơ quan Hợp tác phát triển của Đức GIZ cho biết: “Điểm mạnh của hàng rào chữ T là tăng khả năng bồi lắng bùn tại khu vực bị xói lở, giúp rừng ngập mặn được tái sinh và phục hồi. Thông qua đó chúng ta sẽ củng cố được sự chống chịu của đường bờ bằng cách trả lại những gì tự nhiên vốn có. Một hệ sinh thái ven biển đa dạng và tạo sinh kế cho người dân là mục đính của giải pháp này hướng đến”.
Nguyên lý cải tạo đất và bãi ngập lũ được thiết kế trên mô hình số mô phỏng thủy động lực học và phát triển bờ biển. Công trình hàng rào chữ T khi xây dựng tạo thành các ô giảm nhẹ sóng đánh vào bờ, tạo môi trường lắng đọng trầm tích, khi triều cường lên, một khối lượng bùn cát được chuyển theo sóng đi qua các khoảng hở vào trong các ô hàng rào và khi triều cường đi xuống vận tốc dòng chảy giảm, bùn cát sẽ lắng đọng tại các ô. Đây được xem như là một phương pháp “bẫy” phù sa bù vào những phần đã bị xói lở.
Tất cả vật liệu được các nhà nghiên cứu lựa chọn là bằng tre, bởi cây tre không bị hà bám vào. Trong quá trình thiết kế, những tác động như tải trọng dòng chảy và sóng, sóng vỡ, hay những va chạm với các vật nổi hoặc tàu thuyền đều được tính toán. Mỗi thanh tre được đưa vào đều phải lựa chọn, tre không được non, thân phải thẳng, đường kính phải đạt khoảng 8 cm, chiều dài mỗi thanh tre là 4,7 m, ép ngập sâu dưới bùn cát khoảng 3,4 m, khoảng cách ép giữa hai hàng cọc là 50 cm. Các hàng cọc sau khi được ép xuống sẽ được liên kết bởi 2 thanh ngang, chiều dài thanh ngang khoảng 4 m và khoảng cách hàng cọc tiếp theo là 30 cm. Khoảng hở giữa các thân chữ T là 30 cm. Đây là khoảng hở quan trọng để “bẫy” phù sa.
Theo ông Phan Danh Tĩnh, cán bộ Dự án cơ quan Hợp tác phát triển của Đức GIZ thì “Phần đuôi chữ T phải gắn với đất liền tạo thế đứng vững cho hàng rào. Tốc độ bồi lắng sẽ hiệu quả hơn”. Trong môi trường ăn mòn của nước biển, sử dụng thép không gỉ để liên kết các cọc đứng và thanh ngang là điều kiện bắt buộc. Vật liệu này không chỉ đảm bảo an toàn cao cho các mối nối mà còn đảm bảo độ bền vững cho cả hàng rào trước tác động liên tục của sóng. Công đoạn cuối cùng là xếp các bó trà vào thân hàng rào, mỗi bó dài khoảng 2 m, được xếp đan xen nhau. Các bó trà sẽ đóng vai trò giữ phù sa ở bên trong và giảm lượng sóng. Các bó trà được đặt bên ngoài hàng cọc để giữ vững hàng cọc khi thời tiết xấu, sóng xô mạnh, nếu bó trà có bị mất cũng có thể thay thế được ngay. Đây cũng chính là tính linh hoạt của hàng rào.
Khi phục hồi thành công bãi triều trước đê, rừng ngập mặn sẽ được tái sinh tự nhiên nếu được bảo vệ khỏi các tác động của con người. Nếu tỉ lệ tái sinh tự nhiên không đủ thì cần thiết phải trồng bổ sung rừng ngập mặn. Trong trường hợp này, cần phải lưu ý trồng đúng vị trí và đúng thời điểm các loài thực vật ngập mặn thích hợp, thúc đẩy sự sinh sôi và phát triển của các loài thực vật để tạo nên một phân khu loài. Và cuối cùng, điều quan trọng là bảo vệ bờ biển dựa trên hệ sinh thái phải đồng nghĩa với các điều khoản về bảo vệ và quản lý rừng ngập mặn lâu dài. Nếu không thì tất cả các khoản đầu tư sẽ bị lãng phí nếu các khu rừng ngập mặn trên các bãi bồi vừa phục hồi lại tiếp tục bị phá hủy do các tác động của con người, dẫn tới các bãi bồi bị xói lở trở lại.
Bằng ứng dụng hàng rào chữ T, con người có thể tạm an tâm đối mặt với biển cả. Giải pháp này đã và đang phát huy hiệu quả, và những công trình như thế đang được tiếp tục dựng lên trên biển. Hy vọng với giải pháp hàng rào chắn sóng chữ T và những dự án từ sự quan tâm của Chính phủ cùng quyết tâm của địa phương, sự chung tay của người dân nơi đây... sẽ tạo thành lá chắn vững chắc đương đầu với sóng giữ. Đây sẽ là một trong những giải pháp góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL theo tinh thần “thuận thiên” của Chính phủ.
Bùi Thị Thoa (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương)