Chủ nhật, 24/11/2024 08:29 (GMT+7)
Thứ ba, 16/03/2021 16:51 (GMT+7)

Bài dự thi 'Cùng giữ màu xanh của biển': Nâng niu sự sống cho rùa biển

Theo dõi KTMT trên

Với nhiều hoạt động kiên trì và thiết thực, Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công Chương trình bảo tồn rùa biển.

Việt Nam có đường bờ biển trải dài hơn 3.260 km cùng hàng ngàn đảo xa bờ, là nơi cư trú của nhiều loài rùa biển như: rùa da, rùa xanh/vích, đồi mồi, quản đồng và đồi mồi dứa,… Các loài vật này hiện đang được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã hình thành khu bảo tồn biển với các hoạt động cứu hộ rùa biển, bảo vệ các bãi đẻ, trứng rùa,… điển hình như Côn Đảo.

Vườn Quốc gia Côn Đảo hiện có 17 bãi biển rùa lên đẻ trứng với tổng diện tích lên đến hàng chục ngàn m2. Một số bãi đẻ của rùa có diện tích lớn như: bãi cát lớn đảo Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Tre Lớn, Hòn Tài, bãi Dương, Hòn Bảy Cạnh. Hiện tại, 5 bãi lớn này được bố trí 5 trạm kiểm lâm để làm nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn rùa biển. Mỗi trạm kiểm lâm có từ 5 - 8 kiểm lâm viên canh giữ.

Bài dự thi 'Cùng giữ màu xanh của biển': Nâng niu sự sống cho rùa biển - Ảnh 1
Vườn Quốc gia Côn Đảo hiện có 17 bãi biển rùa lên đẻ trứng với tổng diện tích lên đến hàng chục ngàn m2.

Hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 10, có trên 400 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn Quốc gia làm tổ, đẻ trứng. Vào mùa cao điểm, ở một số bãi biển lớn như Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tre Lớn, mỗi đêm có 10 - 20 rùa mẹ lên làm tổ.

Ngay từ năm 1987, Côn Đảo đã có thông báo cấm di chuyển các loại thú rừng, đồi mồi, vích, kể cả các sản phẩm được chế biến từ các loài thú đó ra khỏi Côn Đảo. Năm 1989, huyện ban hành Chỉ thị về việc bảo vệ ngư trường, tài nguyên thiên nhiên, môi trường ở các bãi biển và vùng biển xung quanh Côn Đảo.

Từ năm 1994, Ban Quản lý (BQL) Vườn Quốc gia Côn Đảo đã triển khai Chương trình bảo tồn rùa biển với 3 nội dung chủ yếu: Nghiên cứu đặc tính sinh thái học của rùa biển; bảo vệ sinh cảnh làm tổ và các tổ trứng; xây dựng trại giống. Các chương trình hành động cụ thể là đeo thẻ, đeo máy định vị vệ tinh, đo đạc kích thước rùa biển; tuần tra, kiểm soát, san lấp vệ sinh bãi đẻ, di dời các tổ trứng đến nơi an toàn, tạo trạm ấp trứng an toàn, kiểm tra và thả rùa con về biển.

Trong công tác bảo tồn rùa biển, một việc làm hết sức quan trọng là di chuyển trứng rùa biển từ nơi rùa mẹ làm tổ đẻ đến môi trường an toàn, ấp nở chúng và thả những cá thể rùa con về đại dương. Từ việc làm này của các cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo, tỉ lệ trứng nở thành công đạt tới 87%, mỗi năm trung bình có trên 150.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển.

Để góp phần chống lại nạn lấy trộm và buôn bán bất hợp pháp, Vườn Quốc gia Côn Đảo phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên cùng phối hợp, tiến hành kiểm tra nhằm đảm bảo các cơ sở kinh doanh tại địa phương không bày bán, phục vụ bất kỳ sản phẩm, món ăn nào từ rùa biển, đồng thời nỗ lực tuyên truyền, giúp các chủ cơ sở kinh doanh nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rùa biển hiện nay.

Bài dự thi 'Cùng giữ màu xanh của biển': Nâng niu sự sống cho rùa biển - Ảnh 2
Cá thể rùa biển lên đẻ trứng.

Một hoạt động quan trọng nữa là nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rùa biển. Trước đây, người dân Côn Đảo thường bắt rùa và nhặt trứng rùa để làm thực phẩm, nhưng nhiều năm trở lại đây hiện tượng này đã không còn. Trên cơ sở được tuyên truyền, hiểu biết, cộng đồng dân cư nơi đây đã trở thành nhân tố quan trọng đóng góp vào các nỗ lực bảo vệ loài sinh vật biển quý hiếm này.

Chị Phan Cảnh Hương Giang, khu dân cư số 7 cho biết: “Tôi là người dân sinh sống lâu năm ở Côn Đảo, trước đây việc bảo tồn rùa biển không mấy ai chú ý. Người dân bắt rùa ăn thịt, lấy trứng ăn... Nhưng khoảng hai chục năm trở lại đây, công tác này được địa phương làm tốt nên người dân như tôi cũng thấy mình phải có trách nhiệm”.

BQL Vườn Quốc gia Côn Đảo cũng đã phối hợp triển khai Chương trình “Tình nguyện viên tham gia bảo tồn rùa biển” với các hoạt động gồm: Tập huấn công tác bảo tồn rùa biển, tham gia tuần tra rùa biển lên đẻ tại các bãi biển, giúp cán bộ chuyên môn thực hiện đo đạc kích thước, gắn thẻ đánh dấu rùa mẹ, di dời ổ trứng lên khu vực ấp trứng, giúp thả rùa con và hướng dẫn du khách tham quan; kêu gọi mọi người ký cam kết bảo vệ rùa biển;… Qua đó, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ rùa biển với thông điệp “Hãy cho rùa biển cơ hội sống”.

Công tác bảo tồn rùa biển đã từng bước xã hội hóa. Tại bãi biển Đất Dốc, BQL Vườn Quốc gia Côn Đảo đã ký kết Phương án phối hợp phục hồi và bảo tồn bãi đẻ rùa biển với Công ty du lịch Six Senses Côn Đảo. Mô hình liên kết này đạt được 2 mục tiêu: Vườn Quốc gia Côn Đảo có thêm một tổ chức chung tay tham gia bảo tồn rùa biển, Công ty du lịch Six Senses thì có thêm một sản phẩm phục vụ du khách tham quan rùa biển tại chỗ ngay trong khuôn viên khu du lịch.

Năm 2020, sơ kết 3 năm thực hiện mô hình, đơn vị đã bảo vệ an toàn cho 10 rùa mẹ lên bãi biển đẻ thành công 10 tổ với 678 trứng; cứu hộ, di dời và thả thành công 464 cá thể rùa con. Ngoài ra, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã di dời 116 tổ với 12.119 trứng từ các bãi xa khu vực quản lý của các trạm kiểm lâm về hồ ấp Đất Dốc, ấp nở thành công và thả về biển 8.207 cá thể rùa con, đạt tỉ lệ nở bình quân 69,11%. Đây cũng là hình thức quảng bá hình ảnh Côn Đảo đến du khách trong và ngoài nước; đồng thời, góp phần phát triển du lịch sinh thái, phục vụ khách du lịch tham gia tour xem rùa đẻ trứng ngay tại khu vực Trung tâm Côn Đảo.

Từ năm 1995 đến nay, BQL Vườn Quốc gia Côn Đảo đã cứu hộ hơn 21.000 tổ trứng rùa biển, có 1,5 triệu rùa con đã nở và thả về biển, đeo thẻ theo dõi đặc tính sinh học hơn 2.000 cá thể rùa trưởng thành. Hiện nay, số lượng rùa biển lên bãi đẻ trứng ở Côn Đảo chiếm trên 85% số rùa về đẻ ở vùng biển Việt Nam. Đặc biệt, quần thể rùa xanh về đẻ trứng tại Côn Đảo là một trong những quần thể rùa xanh lớn của khu vực Đông Nam Á.

Năm 2020, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã ghi nhận được 2.395 tổ rùa với tổng lượng trứng 227.858 trứng rùa biển đẻ trên tất cả các bãi cát trong Hợp phần Bảo tồn biển Vườn Quốc gia Côn Đảo, ước tính có hơn 750 cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ. Đã tiến hành tuần tra các bãi và cứu hộ 100% số tổ trứng vào hồ ấp trứng và thả có kiểm soát 171.949 cá thể rùa con về biển. Số rùa mẹ được đeo thẻ là 424 cá thể. tỉ lệ rùa con nở sống là 81%, thời gian ấp trứng trung bình là 57 ngày, biến động từ 43 đến 68 ngày.

Một cơ sở pháp lý để tiếp tục bảo vệ, bảo tồn hiệu quả rùa biển ở Côn Đảo là Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 811 phê duyệt Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu đặt ra là bảo tồn, bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng tại Việt Nam.

Rõ ràng, để bảo tồn loài động vật quý hiếm này, ngoài cơ quan chủ quản là Vườn Quốc gia Côn Đảo còn cần đến sự tham gia của tất cả mọi cơ quan, tổ chức và cộng đồng khu dân cư.

Ngày nay, nhắc đến Côn Đảo, mọi người không chỉ biết đây là một địa danh lịch sử, du lịch nổi tiếng của nước ta mà còn là khu bảo tồn rùa lớn nhất tại Việt Nam, nơi nâng niu cơ hội sống cho rùa biển. Thương hiệu quý ấy và công tác bảo tồn rùa của Côn Đảo rất cần được lan tỏa.

Thái Thị Thủy (Ủy ban MTTQVN huyện Côn Đảo)

Bạn đang đọc bài viết Bài dự thi 'Cùng giữ màu xanh của biển': Nâng niu sự sống cho rùa biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới