Chủ nhật, 24/11/2024 08:23 (GMT+7)
Thứ ba, 03/08/2021 07:21 (GMT+7)

Bán hàng 'hết đát', Bách hóa Xanh đem lại nguồn thu lớn cho MWG

Theo dõi KTMT trên

Công ty cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh (thành viên của MWG) bị Cục QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt gần 6 triệu đồng về hành vi không niêm yết giá và bán hàng hết hạn sử dụng. Công ty này cũng vừa đem về cho MWG nguồn thu 13.360 tỉ đồng nửa đầu 2021.

Liên tiếp vi phạm, bị xử phạt

Ngày 2/8/2021, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, đơn vị vừa có quyết định xử phạt Công ty cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh (trụ sở TP.HCM) số tiền 4 triệu đồng do hành vi "không niêm yết giá" và 1,6 triệu đồng về hành vi "kinh doanh hàng hóa (thực phẩm) quá hạn sử dụng". 

Trước đó, Cục QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra cửa hàng Bách hóa Xanh số 19 và số 20 trên địa bàn TP.Vũng Tàu, ghi nhận tình trạng một số mặt hàng như rau cải thìa, cải xanh, mồng tơi, xà lách, cà rốt, hành tây, khoai mỡ, dưa leo, su su, thịt heo xay, thịt đùi, cốt lết, cháo ăn liền các loại đang bày bán tại cửa hàng không niêm yết giá theo quy định.

Ngoài ra, tại cửa hàng Bách hóa Xanh số 4 tại TP.Bà Rịa lại bán một số mặt hàng quá hạn sử dụng.

Bán hàng 'hết đát', Bách hóa Xanh đem lại nguồn thu lớn cho MWG - Ảnh 1
Chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh đang đem lại nguồn thu lớn cho MWG trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra.

Ngoài xử phạt về tiền, Cục QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn yêu cầu các cửa hàng Bách hóa Xanh trên địa bàn phải gỡ hoặc che dán đi biển báo "cấm chụp hình" trên cửa kính.

Việc Bách Hóa Xanh tự ý dán biển "cấm chụp hình" là sai thẩm quyền vì theo quy định của pháp luật, các cửa hàng buôn bán thực phẩm cũng không phải là địa điểm, khu vực được phép "cấm chụp hình".

Trước đó, chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh tại các tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đắk Lắk... liên tiếp bị người tiêu dùng tố hành vi tăng giá bán trong mùa dịch Covid-19. 

Đồng thời, tại một số cửa hàng Bách hóa Xanh còn tồn tại hành vi "niêm yết một đằng, bán giá một nẻo", bán hàng không niêm yết giá.

Khi vào cuộc kiểm tra, cơ quan chức năng tại nhiều tỉnh, thành đã ghi nhận một số phản ánh của người tiêu dùng đối với cửa hàng Bách hóa Xanh là đúng sự thật và lập biên bản, xử lý hành vi vi phạm đối với cửa hàng này.

"Con gà đẻ trứng vàng" cho MWG?

Trước những thông tin mà người tiêu dùng phản ánh, đại diện Bách hóa Xanh lên tiếng giải thích nguyên nhân là do chi phí vận chuyển tăng vì phải qua các chốt kiểm soát và tình trạng ùn ứ kéo dài; Nhân sự tăng ca, xét nghiệm liên tục; Bố trí thêm chỗ ăn, ở cho nhân viên; Nhà cung cấp tăng giá...

Thậm chí, trong một lần trả lời về vấn đề này, ông Trần Kinh Doanh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh còn khẳng định: "Trong hoàn cảnh này có mua hay không mua thôi chứ không phải là tăng giá nữa. Bằng mọi cách chúng tôi đã mang hàng về và niêm yết giá rõ ràng...".

Tuy nhiên, qua các đợt kiểm tra của lực lượng QLTT trên nhiều tỉnh, thành thời điểm nửa cuối tháng 7/2021 đã chứng minh thực tế ngược lại với lời nói của Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh khi mà hàng loạt các cửa hàng của doanh nghiệp này bán hàng không niêm yết giá.

Bán hàng 'hết đát', Bách hóa Xanh đem lại nguồn thu lớn cho MWG - Ảnh 2
Cơ cấu doanh thu của MWG theo chuỗi.

Công ty cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh là thành viên của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã chứng khoán: MWG), được thành lập vào năm 2010 với mục tiêu phát triển các chuỗi cửa hàng bán lẻ, cạnh tranh trực tiếp với các chợ truyền thống.

Trải qua hơn 11 năm hình thành và phát triển, hiện nay Công ty cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh có 1.888 cửa hàng bán đồ thiết yếu tại khu vực phía Nam. 

Vào đợt bùng dịch đầu tháng 4/2020, Công ty cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh từng có công văn kêu gọi đối tác giảm 50% giá thuê mặt bằng trong 1 năm, miễn phí thuê mặt bằng bị tạm ngưng kinh doanh bởi Covid-19.

Vừa qua vào ngày 22/6/2021, thương hiệu này lại một lần nữa gửi công văn đề nghị đối tác cho thuê mặt bằng giảm giá thuê.

Cụ thể, Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh đề nghị đối tác chia sẻ giảm 50% giá thuê trên mỗi tháng với thời gian trong vòng một năm để chung sức cùng Bách hóa Xanh xử lý các ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá việc Bách hóa Xanh xin giảm 50% tiền thuê mặt bằng khiến nhiều người ngạc nhiên. Vì dù phải đóng cửa tại một số địa điểm, doanh thu của Bách hóa Xanh không hề giảm mà còn tăng theo nhu cầu của người dân.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 mà MWG mới công bố cho thấy, chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh ghi nhận doanh thu hơn 13.360 tỉ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Nửa đầu năm qua, kênh Bách hóa Xanh online ghi nhận số lượng đơn hàng gấp 5 lần và doanh thu gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Riêng tháng 6/2021, Bách hóa Xanh vượt mốc doanh thu 2.700 tỉ đồng, tăng 7% so tháng 5/2021 và tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng 6/2021 đạt hơn 1,4 tỉ đồng. 

Từ những con số trên, chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh đã đóng góp vào doanh thu thuần hợp nhất của MWG trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 62.487 tỉ đồng - tăng 12% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế là 2.552 tỉ đồng - tăng 26% so với cùng kỳ. Với kết quả này, MWG đã thực hiện 50% kế hoạch doanh thu và 54% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

Tại sao người tiêu dùng chỉ phản ánh, đòi tẩy chay Bách hóa Xanh?

Ngày 21/7/2021, trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về việc Bách hóa Xanh bị người tiêu dùng tố tăng giá nhiều mặt hàng, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định: "Đây rõ ràng là doanh nghiệp lợi dụng khó khăn mùa dịch Covid-19 để trục lợi riêng tư. Các doanh nghiệp đừng nói rằng 'tôi bán giá thực tế', 'tôi bán giá bình ổn'...".

Theo ông Hòa, giá cả hàng hóa có cao hay không thì người tiêu dùng sẽ có nhìn nhận, đánh giá đúng nhất. Còn doanh nghiệp có thể "chỉ nói mà không đi đôi với thực hành", cho nên cần phải có sự vào cuộc kiểm tra của chính quyền, xử phạt gắt gao đối với những trường hợp vi phạm để doanh nghiệp không dám làm khó khăn cho người dân nữa.

Ông Hòa nêu ra giả thiết, lý do Bách hóa Xanh đưa ra cho việc tăng giá sản phẩm trong mùa dịch Covid-19 là do nhà cung cấp tăng giá, chi phí vận chuyển, nhân công, dịch vụ leo thang... là thật, nhưng cần phải có minh chứng cụ thể để mọi người tin tưởng. Chứ Bách hóa Xanh không thể "nói suông", như thế càng khiến cho người tiêu dùng nghi ngờ. 

"Doanh nghiệp kinh doanh thì mục tiêu phải có lời, điều này dễ hiểu. Thậm chí trong bối cảnh này, doanh nghiệp có thể lời hơn bình thường. 

Tuy nhiên, giá sản phẩm tăng bao nhiêu, tăng có hợp lý hay không? Tại sao các siêu thị khác giá chấp nhận được, người tiêu dùng không phản ánh mà chỉ phản ánh, tẩy chay Bách hóa Xanh?", ĐBQH Phạm Văn Hòa đặt ra câu hỏi.

Nguyễn Thu

Bạn đang đọc bài viết Bán hàng 'hết đát', Bách hóa Xanh đem lại nguồn thu lớn cho MWG. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới