Chủ nhật, 24/11/2024 10:13 (GMT+7)
Thứ bảy, 28/08/2021 09:20 (GMT+7)

Bánh Trung thu về đâu khi không thể xuống đường?

Theo dõi KTMT trên

Không thể mở gian hàng quảng bá và bán trực tiếp như trước, nhiều cơ sở sản xuất bánh Trung thu lớn tại Hà Nội đang chuyển hướng phân phối sản phẩm trên nền tảng online.

Thay vì tìm đến địa chỉ mua bánh Trung thu quen thuộc để làm mâm cỗ rằm cũng như biếu người thân trong gia đình, chị Thảo Hiền - 49 tuổi, trú tại phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng - quyết định chọn 2 cặp bánh nướng, bánh dẻo trong siêu thị.

“Do lo sợ dịch bệnh nên tôi đành mua bánh Trung thu ở khu vực gần nhà. Giá bánh hiện nay không có nhiều thay đổi, tuy nhiên thương hiệu, mẫu mã và hương vị vẫn còn rất hạn chế”, chị cho biết.

Khác với mọi năm, dịp lễ Trung thu năm nay trùng với thời điểm Hà Nội phát hiện nhiều ca mắc mới Covid-19. Trước yêu cầu giãn cách xã hội nghiêm ngặt của thành phố, các thương hiệu sản xuất bánh Trung thu giờ không còn cơ hội xuống đường, mở gian hàng kinh doanh, quảng bá sản phẩm dọc tuyến phố lớn như trước.

Nhu cầu sụt giảm, mất kênh phân phối, thiếu nhân công cũng như chi phí nguyên liệu tăng cao, sự ảnh hưởng của dịch bệnh đang khiến phần lớn cơ sở làm bánh Trung thu, đặc biệt là những thương hiệu truyền thống, hứng chịu thiệt hại.

Bánh Trung thu về đâu khi không thể xuống đường? - Ảnh 1
Trước khi dịch xuất hiện, đây là khoảng thời gian thị trường kinh doanh bánh Trung thu tại Hà Nội sôi động nhất. (Ảnh minh họa: Lê Hiếu)

Thương hiệu truyền thống khó trăm bề

Trao đổi với Zing, đại diện một số thương hiệu bánh Trung thu truyền thống, lâu đời ở Hà Nội cho biết năng suất, sản lượng làm bánh bắt đầu sụt giảm mạnh. Đáng nói, không ít cửa hàng đã phải ngừng hoạt động hoặc sản xuất dưới dạng cầm chừng.

“Hơn 20 ngày nữa là đến Trung thu nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn quá phức tạp. Thương hiệu Phương Soát giờ đang tập trung sản xuất hàng thiết yếu để phục vụ cho người dân trong vùng dịch”, bà Tú Anh - đại diện thương hiệu bánh Trung thu cổ truyền Phương Soát tại Hàng Chiếu - nói.

Bà Tú Anh cho biết hệ thống phân phối chính của Phương Soát phụ thuộc chủ yếu vào siêu thị lớn như BigC. Tuy nhiên, do không đáp ứng được phương tiện vận chuyển, Phương Soát không thể đưa hàng đến tay các nhà phân phối.

Là mô hình kinh doanh bánh Trung thu truyền thống, thương hiệu này vẫn trung thành với hình thức bán trực tiếp tại cửa hàng, cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch mở bán online. Song, bà Tú Anh cho biết sẽ tính đến kế hoạch bổ sung thêm kênh phân phối trong thời gian sớm nhất.

Bánh Trung thu về đâu khi không thể xuống đường? - Ảnh 2
Các lò bánh truyền thống gặp muôn vàn khó khăn trong giai đoạn giãn cách xã hội. (Ảnh: Việt Hùng)

Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào leo thang cũng bị coi là trở ngại lớn trong quy trình chế biến. Đáng nói, việc giãn cách đột xuất khiến cơ sở này bị động trong việc kêu gọi nhân viên. Tính đến nay, gần 90% nhân viên của Phương Soát phải ở nhà, không thể đi làm.

Tương tự, đại diện thương hiệu bánh Trung thu Bà Dần cho biết thị trường bánh Trung thu năm nay tương đối ảm đạm. “Hoạt động gọi là cho có thôi. Thiếu nhân công, năng suất giảm, nguyên liệu tăng, ship khó khăn”, người đại diện này bộc bạch.

Không là ngoại lệ, một số cơ sở bánh Trung thu truyền thống khác như Bảo Phương và Đông Phương cũng thông báo giảm năng xuất hoạt động. Theo ghi nhận của Zing, để bù đắp cho việc mất kênh bán hàng trực tiếp, những thương hiệu này đang cố gắng đẩy mạnh kinh doanh online.

Đẩy mạnh phân phối online

Trong khi đó, tình hình sản xuất bánh Trung thu của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố có phần khả quan hơn. Trả lời Zing, ông Nguyễn Trung Hiếu - đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc cho biết, doanh nghiệp đã tính tới kịch bản duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát.

“Chúng tôi không gặp quá nhiều khó khăn về nguồn cung nguyên liệu cũng như nhân sự. Công nhân viên của Bảo Ngọc được tổ chức theo mô hình 3 tại chỗ để đảm bảo công tác phòng dịch. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức trước mắt nếu như dịch bệnh không được sớm kiểm soát, cụ thể là vấn đề vận chuyển, nhu cầu của người tiêu dùng giảm”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Hiện, thương hiệu Bảo Ngọc tiếp tục duy trì sản lượng bánh Trung thu tương đương năm ngoái. Bên cạnh đó, công ty cũng giới thiệu thêm một số mẫu mã mới, áp dụng cho các phân khúc khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng.

Đối với mạng lưới phân phối, thương hiệu Bảo Ngọc đang đẩy mạnh mô hình kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và Tiki. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chú trọng đến những kênh phân phối khác như mạng xã hội, website, ứng dụng tự phát triển và đặc biệt là hệ thống cộng tác viên.

Bánh Trung thu về đâu khi không thể xuống đường? - Ảnh 3
Nhân công làm bánh tại các doanh nghiệp phải tuân thủ mô hình 3 tại chỗ để đảm bảo phòng dịch. (Ảnh: Việt Hùng)

Một thương hiệu bánh Trung thu lớn khác là Mondelez Kinh Đô năm nay cũng tung ra thị trường gần 80 loại sản phẩm đa dạng.

Để đảm bảo các sản phẩm bánh Trung thu dễ dàng đến tay người tiêu dùng, Mondelez Kinh Đô cho biết đã lên kế hoạch phủ sóng mạng lưới phân phối trên toàn quốc. Tính đến nay, tất cả bánh Trung thu của Mondelez Kinh Đô đã có mặt tại các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, cũng như các ứng dụng giao hàng Grab, Gojek, Baemin...

Nhằm mục tiêu kích cầu, cả Bảo Ngọc và Mondelez Kinh Đô đều đưa ra những chương trình khuyến mãi, tặng voucher mua sắm, ưu đãi cho khách hàng.

Một số chuỗi kinh doanh F&B như Highlands Coffee, Starbucks cũng tham gia bán bánh Trung thu với các set 3-4 bánh/hộp. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, các chuỗi này phân phối chủ yếu trên sàn thương mại điện tử Lazada.

Theo ghi nhận, số lượng đặt hàng cho mỗi sản phẩm bánh Trung thu của Highlands Coffee dao động từ 25-49 đơn hàng. Với khách hàng đặt mua số lượng lớn, thương hiệu Highlands đưa ra các mức chiết khấu từ 20-35%.

Minh Khánh 

Theo Zingnews

Bạn đang đọc bài viết Bánh Trung thu về đâu khi không thể xuống đường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới