Chủ nhật, 24/11/2024 07:57 (GMT+7)
Thứ hai, 19/09/2022 08:58 (GMT+7)

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Góc nhìn chuyên gia (Bài 9)

Theo dõi KTMT trên

Tạp chí Kinh tế Môi trường trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS Hoàng Xuân Cơ, phân tích về những điểm sáng mang tính đột phá trong quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Mở đầu

Trong thời gian gần đây, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có loạt bài viết về tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR - mà quen gọi là rác) [1,2.3.4.5]. Một số thành tựu đạt được đã được phân tích và một số vấn đề hạn chế, thậm chí bức xúc đã được nêu nhằm định hướng nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTR nói chung và CTR sinh hoạt nói riêng. Tuy nhiên các bài viết này sử dụng số liệu, tài liệu chủ yếu là từ 2021 về trước, chưa nói nhiều đến triển vọng đưa công tác này ngày một tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Tác giả bài viết này xin được trình bày một số điểm thu nhận của mình xung quanh “Đề ánthu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định phê duyệt số: 3235/QĐ-UBND ngày 26/11/2021 của UBND Vĩnh Phúc (sau đây gọi tắt là Đề án) [6].

Những điểm sáng mang tính đột phá của Đề án

Việc xây dựng, ban hành, phê duyệt Đề án thể hiện quyết tâm lớn của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác quản lý chất thải rắn nói chung và rác sinh hoạt nói riêng. Đề án đã chỉ rõ, gọi tên những ai phải tham gia, thực hiện; những gì cần thực hiện; những giải pháp thực hiện và đặc biệt là nguồn lực (chủ yếu là kinh phí) cần cho thực hiện Đề án.

Trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo thực hiện: Đề án đã chỉ rõ trong Điều 2 của Quyết định về tổ chức thực hiện Đề án với sự vào cuộc của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các cấp huyện, xã, Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Và để nâng cao hiệu quả, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án các cấp: Ở cấp tỉnh do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Phó Trưởng ban thường trực, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Lãnh đạo các Sở Xây dựng, Tài chính làm Phó Trưởng ban.

Ở cấp huyện, đích thân Bí thư các huyện, thành phố làm Trưởng ban; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố làm Phó Trưởng ban thường trực. Ở cấp xã, Ban chỉ đạo cũng do đồng chí Bí thư làm trưởng ban, đồng chí Chủ tịch UBND làm Phó Trưởng ban thường trực.

Như vậy trách nhiệm của các chức danh trong Đảng, trong chính quyền rất rõ ràng, công khai, minh bạch để người dân biết và theo dõi từng bước thực hiện Đề án.

Về những người tham gia thực hiện cụ thể, Đề án đã nêu rõ trong mục xác định quan điểm: “Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để tăng cường đầu tư cho hoạt động này. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải phải được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy và chính quyền các cấp, đặc biệt là trách nhiệm của cấp xã. Xác định rõ đây là một trong những tiêu chí để đánh giá khả năng lãnh chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp”. Như vậy, mọi người dân sống trên địa bàn tỉnh đều là người thực hiện Đề án này, đặc biệt là đối tượng phát sinh rác sinh hoạt.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Góc nhìn chuyên gia (Bài 9) - Ảnh 1
Nhà máy xử lý rác tại thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Trả lời câu hỏi những việc phải làm: Trong Đề án đã nêu được những công việc chính:

  • Phân loại rác tại nguồn: “Từng bước triển khai thực hiện việc tổ chức phân loại rác tại nguồn thải (tại hộ gia đình) theo hướng tổ chức triển khai thực hiện trước ở những địa phương xử lý rác thải bằng công nghệ đốt và tiến tới sẽ thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh kể từ ngày 31/12/2024 theo đúng quy định tại khoản 7, Điều 79 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”.
  • Thu gom, vận chuyển
  • Xử lý

Đề án đã phân tích hiện trạng các công việc này, chỉ ra một số yếu kém và hạn chế, từ đó định hướng xây dựng kế hoạch thực hiện những mục tiêu đề ra trong Đề án.

Mục tiêu thu gom được xác định cho từng năm, cụ thể như:

Năm 2022:

- Duy trì tỷ lệ thu gom, xử lý rác đô thị đạt 95%; ở khu vực nông thôn được nâng lên đạt 80%.

- Hình thành dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý đồng bộ tại các địa bàn thành phố Vĩnh Yên; huyện Tam Dương, Tam Đảo.

Đến năm 2025:

- Hoàn thành hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đồng bộ trên toàn tỉnh. Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý rác đạt 97% ở khu vực đô thị và đạt 90% ở khu vực nông thôn. Trong đó:

+ Tần suất thu gom rác thải ở đô thị và khu vực nông thôn đồng bằng là 01 ngày/lần.

+ Tần suất thu gom rác thải ở khu vực còn lại là 02 ngày/lần.

Hiện tại hai hình thức xử lý rác chính trên địa bàn Vĩnh Phúc là chôn lấp hợp vệ sinh và đốt rác quy mô nhỏ. Trong giai đoạn tới (đến 2025) hai hình thức xử lý này vẫn được áp dụng nhưng sẽ được cải tạo, phục hồi môi trường. Mục tiêu xây dựng, vận hành các khu xử lý rác cũng được xác định rõ ràng:

Năm 2023: Vận hành và phê duyệt giá xử lý rác thải của nhà máy xử lý rác thải tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch và khu xử lý rác thải tập trung tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc.

Năm 2024:

- Hoàn thành nhà máy xử lý rác thải tập trung tại huyện Vĩnh Tường;

- Nâng cấp khu xử lý rác thải tập trung tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương lên 500 tấn/ngày;

- Phê duyệt giá xử lý rác thải của nhà máy xử lý rác thải tập trung tại huyện Vĩnh Tường;

- Phê duyệt kế hoạch điều tiết thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh và tổ chức đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn các huyện còn lại gồm: Vĩnh Tường, Bình Xuyên.

- Đặt hàng dịch vụ xử lý rác thải trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên.

- Tiếp tục thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường 70 bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Phúc Yên.

Năm 2025:

- Hoàn thành hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đồng bộ trên toàn tỉnh.

- 95% bãi chôn lấp rác thải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường được tái sử dụng vào các mục đích khác.

- Kiểm tra, đánh giá tình trạng môi trường các bãi chôn lấp rác tạm đã được cải tạo phục hồi môi trường theo quy định.

Định hướng đến năm 2030:

- Toàn bộ rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý tại các cơ sở xử lý tập trung.

- Hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường và tái sử dụng 100% diện tích đất chôn lấp rác tạm hiện nay.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Góc nhìn chuyên gia (Bài 9) - Ảnh 2
Rác thải trôi nổi ra ngoài môi trường tại một điểm tập kết rác trên địa bàn huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Trả lời câu hỏi về huy động nguồn lực thực hiện: Đề án đã đưa ra khái toán và dự kiến, dự toán khá chi tiết kinh phí cần để thực hiện tất cả công việc nêu trên. Theo đó tổng kinh phí cần cho giai đoạn 2022-2025 được khái toán là 2.136,3 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ cao, tới cỡ 68,9%. Dự kiến chi các năm: Năm 2022 khoảng: 335,8 tỷ đồng; Năm 2023 khoảng: 435,3 tỷ đồng; Năm 2024 khoảng: 942,2 tỷ đồng; Năm 2025 khoảng: 425 tỷ đồng. Có lẽ, năm 2024 là năm chi nhiều nhất để hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng, đặc biệt là các công trình xử lý chất thải. Kinh phí năm 2025 ít hơn nhưng rất quan trọng, giúp hoàn thiện, hoàn chỉnh các hạng mục theo kế hoạch.

Các tính toán cụ thể, chi tiết trong phần phụ lục đã giúp hình dung các mức chi rất minh bạch cho hạng mục từ thu gom, vận chuyển đến xử lý rác sinh hoạt trên phạm vi toàn tỉnh và theo điều kiện thực tế tại địa phương, theo loại hình xử lý. Đây là cố gắng rất lớn của tỉnh để công khai mức chi, đặc biệt là chi từ ngân sách nhà nước để các đơn vị nhận kinh phí có thể chủ động lên kế hoạch giải ngân. Mức thu phí thu gom, vận chuyển rác từ nguồn cũng được xác định để người dân biết, chủ động thực hiện góp phần kinh phí cho thực hiện Đề án.

Một số vấn đề cần nghiên cứu thêm và đưa vào thực hiện để nâng cao hiệu quả Đề án

Đề án cũng đã đề cập nhiều vấn đề còn hạn chế trong quá trình quản lý CTR của tỉnh trong thời gian qua và đã có giải pháp khắc phục trong giai đoạn tới, đặc biệt là giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, huy động nguồn lực, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý,…. Trong bài viết này chỉ nhận xét cụ thể 2 vấn đề hạn chế sau:

  • Công tác quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy xử lý rác thải còn nhiều bất cập, chưachủ động điều chỉnh, bổ sung kịp thời, đồng bộ với quy hoạch đất đai cho nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
  • Tổ chức cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường hoạt động còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, nhất là ở các hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường. Đến nay còn thiếu cơ chế quản lýhoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã”.

Hai hạn chế này cùng có nguyên nhân chính là chưa có được cơ sở khoa học trong cả việc quy hoạch hệ thống xử lý và tổ chức phân loại rác tại nguồn, thu gom vận chuyển rác ở từng khu vực khác nhau.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Góc nhìn chuyên gia (Bài 9) - Ảnh 3
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Muốn quy hoạch tốt hệ thống xử lý phải tìm hiểu kỹ điểm mạnh, điểm yếu của từng loại hình xử lý và chọn loại hình phù hợp với điều kiện địa phương. Hiện nay và trong giai đoạn sắp tới Vĩnh Phúc chú trọng nhiều hơn đến loại hình chôn lấp và đốt rác quy mô nhỏ (không thu hồi nhiệt). Điều này dẫn đến khó khăn trong phân loại rác tại nguồn vì cả hai loại hình này nhiều khi không cần phân loại quá chi tiết, đặc biệt là phân loại rác sinh hoạt thành rác thực phẩm như yêu cầu trong điều 75 Luật Bảo vệ Môi trường 2020 mà không sử dụng một phần lớn để làm phân compost thì hiệu quả phân loại không cao.

Hiện tại, ở một số địa phương có phong trào làm phân compost ở quy mô nhỏ (hộ, liên hộ, trang trại), không hiểu ở Vĩnh Phúc có áp dụng không. Nếu người dân muốn áp dụng thì phải có quy định, hỗ trợ tốt để tránh những tác động không đáng có. Như vậy, đi kèm bản Đề án nên có Bản hướng dẫn phân loại rác tại nguồn phù hợp với từng địa phương, loại nguồn.

Đối với các cơ sở xử lý, cần có cơ chế, hệ thống giám sát khâu tuyển chọn công nghệ, giám sát thiết bị lắp đặt, vận hành để đảm bảo không xảy ra sự cố, gây tác động có hại cho sức khỏe con người và môi trường. Nếu công nghệ xử lý không đủ chất lượng, không có hệ thống xử lý đi kèm thì tác hại, sự cố rất dễ xảy ra, đặc biệt là phát sinh các chất độc hại như dioxin/furan trong đốt rác không đúng quy chuẩn của nhà nước. Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cần huy động thêm kinh nghiệm, kiến thức, thiết bị,… của các nhà khoa học, các viện, trung tâm nghiên cứu của tỉnh và của Trung ương để sớm phát hiện những phát sinh không mong muốn để nhanh chóng giải quyết.

Lời kết

Một vài ý kiến phân tích ở trên chỉ góp phần làm rõ những điểm sáng trong quản lý chất thải rắn Vĩnh Phúc trong giai đoạn sau 2021 khi chính thức thực hiện Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một vài vấn đề cần làm rõ hơn được trình bày ở trên cũng chỉ để tham khảo và nếu thấy phù hợp thì tìm cách giải quyết. Chúng tôi mong nhận được góp ý và bàn luận thêm của tất cả bạn đọc.

Tài liệu tham khảo

[1,2,3,4,5]. Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Bức tranh với những gam màu sáng tối

[6]. Quyết định số: 3235/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2021 phê duyệt Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Còn nữa....

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Bạn đang đọc bài viết Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Góc nhìn chuyên gia (Bài 9). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới