Chủ nhật, 24/11/2024 10:08 (GMT+7)
Thứ sáu, 01/05/2020 08:12 (GMT+7)

Bảo vệ người lao động trước khủng hoảng Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Khi đại dịch Covid-19 vẫn đang tạo cuộc khủng hoảng trên toàn cầu, Việt Nam cũng sẽ không thể tránh khỏi những tác động nghiêm trọng.

Mức độ ảnh hưởng khủng khiếp của dịch Covid-19 đối với bức tranh kinh tế xã hội đã thể hiện rõ rệt trong thời gian giãn cách xã hội. Hàng triệu cơ sở kinh doanh hộ gia đình bị đình trệ, hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ phải dừng hoạt động. Cứ mỗi ngày trôi qua lại thêm nhiều việc làm lại vuột khỏi tay của những người lao động.

Khi đại dịch Covid-19 vẫn đang tạo cuộc khủng hoảng trên toàn cầu, Việt Nam cũng sẽ không thể tránh khỏi những tác động nghiêm trọng.

Thị trường lao động ảnh hưởng nặng nề

Số liệu của Tổng Cục Thống kê từ kết quả điều tra doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và báo cáo đánh giá của các địa phương về tình hình lao động việc làm cho thấy tính đến giữa tháng 4, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Khoảng 84,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây cho thấy thị trường lao động phản ứng với suy thoái kinh tế có độ trễ. Điều này là bởi các doanh nghiệp trước tiên luôn cố duy trì lực lượng lao động của mình lâu nhất có thể bằng cách cắt giảm sản lượng cho đến khi không còn tiếp tục duy trì được nữa. Sự tác động của dịch bệnh đến thị trường lao động có thể sẽ rõ rệt hơn trong quý 2.

Tính đến giữa tháng 4, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng, khoảng 84,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thực tế, đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn thuộc ngành dệt may, da giày, điện tử, sản phẩm cao su, đồ gỗ, chế biến thực phẩm, phân bón, hóa chất... bị ảnh hưởng nặng nề. Ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng không chỉ giới hạn ở vấn đề nguồn cung nguyên vật liệu, mà cả thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu.

Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, nhiều khách hàng lớn từ Mỹ và EU đã đề nghị doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam giãn, hoãn tiến độ giao hàng, chưa ký hợp đồng mới, thậm chí hủy hợp đồng. Dự kiến, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 là rất chậm.

Bảo vệ người lao động trước khủng hoảng Covid-19 - Ảnh 1
Lao động mất việc vì dịch Covid-19 chờ giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Anh Tuấn/TTXVN)

Bên cạnh đó, ngành điện tử cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn khi ước tính doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung được dự báo sụt giảm. Samsung Việt Nam dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỉ USD trong năm 2020 so với 51,38 tỉ USD năm 2019…

Các chuyên gia ILO dự báo đến cuối quý 2 khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6-10,3 triệu lao động tại Việt Nam. Người lao động bị giảm số giờ làm, giảm lương, hoặc trong trường hợp xấu nhất là mất việc.

Chuyển hướng tuyển dụng trực tuyến

Trong bối cảnh hiện nay, việc đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động đang là vấn đề được ưu tiên. Thị trường lao động không “đóng băng” mà đã thay đổi cách thức hoạt động để thích ứng với bối cảnh mới: Việc tuyển dụng nhân sự được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

Để hỗ trợ người lao động tìm việc trong đại dịch Covid-19, dự án “200.000 cơ hội việc làm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19” được triển khai trên 4 website Timviecnhanh.com, Vieclam24h.vn, Viectotnhat.com và Mywork.com.vn từ ngày 24/4 được tổ chức. Chỉ chưa đầy một tuần đã thu hút gần 4.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia và trên 1.500 người lao động ứng tuyển.

Bà Dương Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Khối khách hàng Ưu tiên Siêu Việt Group, phụ trách việc làm và tuyển dụng của dự án cho biết các nhà tuyển dụng đang nới lỏng yêu cầu và có rất nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp.

“Qua 4 website của chúng tôi cho thấy hơn 10.000 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 300.000 lao động ở 30.000 vị trí việc làm,” bà Tuyết Trinh nói.

Thực tế, ngay cả nhân sự cấp quản lý vốn có quy trình tuyển dụng khắt khe hơn cũng bắt đầu đẩy mạnh việc tuyển dụng trực tuyến. Theo đó, Công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại Việt Nam Navigos Search thực hiện chiến dịch “Career Support-Hỗ trợ sự nghiệp” từ ngày 22/4 đến hết tháng 5. Ứng viên chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, ngành nghề, lĩnh vực, bộ phận và cấp bậc nhân viên hiện tại cũng như vị trí mong muốn trong tương lai. Từ những thông tin trên, Navigos Search sẽ kết nối thông tin này đến những vị trí tuyển dụng phù hợp nhất sẵn có từ dữ liệu khách hàng với đa dạng ngành nghề và lĩnh vực tại Việt Nam.

Sau tuần đầu tiên chạy khởi động thử nghiệm, chiến dịch đã nhận được sự đăng ký từ hơn 1.200 ứng viên ở đa dạng các ngành nghề và lĩnh vực tại Việt Nam.

Bảo vệ người lao động trước khủng hoảng Covid-19 - Ảnh 2
Doanh nghiệp và người lao động đang chuyển dần sang hình thức tuyển dụng trực tuyến. (Ảnh minh hoạ: Anh Tuấn/TTXVN)

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search cho hay: “Tại thời điểm hiện tại khi Việt Nam thể hiện khả năng kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ và bắt đầu nới lỏng những biện pháp giãn cách xã hội, nhu cầu tuyển dụng cũng đã có những chuyển biến tích cực. Một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng để nhanh chóng phục hồi sản xuất và kinh doanh.”

“Chúng tôi hiểu không ít ứng viên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một cơ hội mới tại thời điểm này. Do đó, chiến dịch này là sự cam kết đồng hành của chúng tôi với ứng viên và doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua những khó khăn từ ảnh hưởng của đại dịch, góp phần vào sự phát triển của thị trường lao động Việt Nam,” bà Nguyễn Phương Mai chia sẻ.

Giải bài toán cho “cuộc khủng hoảng kép”

Về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nước đi đầu trên thế giới. Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng đã đến lúc chứng tỏ rằng Việt Nam cũng xuất sắc như vậy trong giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và thị trường lao động. Giờ chính là lúc cần có cách tiếp cận cân bằng để đối phó với cuộc khủng hoảng kép này.

Tiến sỹ Chang-Hee Lee đánh giá cao việc Việt Nam đã bắt đầu đưa ra và triển khai các gói chính sách kích thích nề kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập. Điều quan trọng cần làm là tập trung duy trì việc làm, bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những doanh nghiệp có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động bằng các hình thức phân công công việc đảm bảo sức khỏe. Điều này sẽ giúp làm chậm lại và giảm thiểu cú sốc từ khủng hoảng việc làm.

Về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nước đi đầu trên thế giới. Đã đến lúc chứng tỏ rằng Việt Nam cũng xuất sắc như vậy trong giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và thị trường lao động.

“Điều quan trọng cần làm là tập trung duy trì việc làm bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những doanh nghiệp có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động bằng các hình thức phân công công việc đảm bảo sức khỏe. Điều này sẽ giúp làm chậm lại và giảm thiểu cú sốc từ khủng hoảng việc làm,” tiến sỹ Chang-Hee Lee nói.

Covid-19 không phải là cuộc chiến của một quốc gia đơn lẻ. Đây là cuộc khủng hoảng tầm cỡ toàn cầu. Bởi vậy, ngay cả khi Việt Nam có thể khống chế hoàn toàn dịch bệnh, nhưng kinh tế và xã hội vẫn sẽ bị tác động nghiêm trọng nếu cuộc khủng hoảng này vẫn lan rộng ở các quốc gia giao thương với Việt Nam trong thời gian tới.

Tiến sỹ Chang-Hee Lee nhấn mạnh cần giảm thiểu tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, nông hộ và khu vực nông nghiệp-nông thôn. Trong trường hợp sụt giảm mạnh nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, thì chính hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, đơn vị kinh doanh hộ gia đình và khu vực nông nghiệp-nông thôn mang lại sự hỗ trợ thay thế. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình trong giai đoạn quan trọng này với sự hỗ trợ của Chính phủ.

Theo bà Nguyễn Phương Mai, đại dịch Covid-19 làm gián đoạn đến chuỗi cung ứng toàn cầu khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa nguồn cung ứng và hạng mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia. Điều này tiếp tục củng cố thêm làn sóng dịch chuyển đầu tư và sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á mà địa điểm thu hút nhất chính là Việt Nam.

“Đây là một dấu hiệu tích cực cho nhu cầu tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam trong thời gian tới, đơn cử tại các ngành Sản xuất Dệt may, Công nghiệp phụ trợ, Điện/Điện tử… Vì vậy, để củng cố triển vọng Việt Nam trở thành điểm đến của sự dịch chuyển dòng đầu tư, thị trường lao động Việt Nam cũng cần có những chuẩn bị kịp thời về chất lượng và số lượng nhân sự để không ngừng tăng cường năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và sẵn sàng đón đầu những cơ hội mới sau đại dịch,” bà Nguyễn Phương Mai nói.

Cuộc chiến chống lại Covid-19 không còn đơn thuần là một thách thức về y tế, nó tạo nên một cuộc khủng hoảng kép về chăm sóc sức khỏe lẫn kinh tế-xã hội. Các biện pháp đưa ra để bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhưng song song với nó là cần bảo vệ sinh kế của người dân. Nếu không cứu được sinh kế của người dân, cuối cùng chúng ta cũng sẽ thất bại trong việc bảo vệ họ trong cuộc chiến chống Covid-19.

Bảo vệ người lao động trước khủng hoảng Covid-19 - Ảnh 3
Cần có các biện pháp bảo vệ sinh kế của người dân trong đại dịch Covid-19. (Ảnh minh hoạ: Minh Quyết/TTXVN).
Hồng Kiều

Hồng Kiều

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ người lao động trước khủng hoảng Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới