Chủ nhật, 24/11/2024 08:05 (GMT+7)
Thứ bảy, 29/10/2022 13:30 (GMT+7)

Bất động sản và những vấn đề thực tiễn cần tháo gỡ hiện nay

Theo dõi KTMT trên

Chiều 28/10, tại TP. HCM nhiều tham luận thực tế liên quan tới thị trường bất động sản (BĐS) đã được đưa ra tại Diễn đàn bất động sản 2022 với chủ đề “Nguồn cung thị trường bất động sản TP. HCM: Những vấn đề thực tiễn cần tháo gỡ”.

Diễn đàn thu hút sự quan tâm của hơn 100 đại diện các doanh nghiệp BĐS tại TP. HCM và một số tỉnh lân cận. Đặc biệt, Diễn đàn có sự tham dự của nhiều diễn giả, chuyên gia uy tín am hiểu thị trường BĐS như: Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA), Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Thuong vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM, bà Nguyễn Hoàng Bích Ngọc – Trưởng phòng Phân tích, Khối Khách hàng tổ chức Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) và ông Võ Hồng Thắng – Phó Giám đốc nghiên cứu và Phát triển DKRA Group.

Bất động sản và những vấn đề thực tiễn cần tháo gỡ hiện nay - Ảnh 1
Toàn cảnh Diễn đàn BĐS 2022 do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức

Phát biểu khai mạc, TS Phạm Thu Phong Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho rằng, trong những năm qua thị trường BĐS có những đóng góp quan trọng trong sự phát kinh tế. Trong đó thị trường BĐS TP. HCM là thị trường thu hút được sự đầu tư lớn nhất đã và đang đóng góp lớn vào GĐP. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS TP. HCM còn tạo động lực phát triển lan tỏa cho các thị trường BĐS các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn phát triển thị trường BĐS TP. HCM cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp BĐS cũng gặp khó khăn trong hoàn thiện các khâu pháp lý để phát triển dự án, cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Với kỳ vọng cung cấp nhiều góc nhìn khách quan, ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất mang tính xây dựng của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp,.. gửi tới cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đóng góp ý kiến các bộ, ngành, cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền các cấp của TP. HCM xem xét hoàn thiện các chính sách, giải pháp để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS TP. HCM đúng hướng và bền vững. Tại Diễn đàn Bất động sản 2022 nhiều chủ đề đã được đưa ra tham luận như: “Bức tranh toàn cảnh thị trường BĐS TP. HCM sau đại dịch Covid-19; Thị trường BĐS TP. HCM – gỡ vướng để giải tỏa cơn khát nguồn cung; Hoàn thiện pháp lý để thị trường BĐS phát triển; Cơ hội để doanh nghiệp BĐS huy động vốn minh bạch, lành mạnh, hiệu quả”.

Tham luận tại Diễn đàn, hầu hết các diễn giả đều cho rằng thị trường BĐS hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó nổi cộm lên là việc các quy định của pháp luật bị chồng chéo, tín dụng bị siết chặt,…những vấn đề này đã kéo theo thị trường khan hiếm và mất cân đối về nguồn cung, giao dịch ảm đạm khiến nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn và khách hàng mua nhà ảnh hưởng theo. Đồng nhận định này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội HoREA cũng cho rằng: “Hiện nay thị trường BĐS đang rất khó khăn, lệch pha cung cầu, giá leo cao, thiếu sản phẩm nhu cầu thực đặc biệt người yếu thế trong xã hội”.

Bất động sản và những vấn đề thực tiễn cần tháo gỡ hiện nay - Ảnh 2
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội HoREA đã nêu bật nhiều khó khăn trong thị trường BĐS hiện nay

Để  có thể vượt qua những khó khăn nêu trên, ông Võ Hồng Thắng – Phó Giám đốc nghiên cứu và Phát triển DKRA Group cho rằng, ngành chức năng cần sớm tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án nhà ở, Nhà nước cần có những chương trình phát triển nhà ở quốc gia, cần có khoản ngân sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng và đưa ra giải pháp để nhóm đối tượng này dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn và về lâu dài Nhà nước cần phát triển quỹ đất sạch độc lập có cơ chế đặc thù giao cho doanh nghiệp phát triển các dự án nhà ở xã hội.

Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn, GS Đặng Hùng Võ cho rằng từ khi nhà nước quyết định dùng giải pháp sống chung với dịch Covid thì thị trường nhà ở đứng trước cơn sốt đất lần thứ 4 trong giai đoạn 2003 – 2020. Theo GS Đặng Hùng Võ, có nhiều nguyên nhân gây ra cơn sốt đất lần 4, trong đó năm 2020 là năm đầu kỳ quy hoạch 2021 – 2030, hàng loạt đề xuất mới về phát triển đô thị mới, dự án mới. Mặt khác, Chính phủ cũng tăng cường đầu tư công để phát triển hạ tầng giao thông; Do tác động của dịch Covid kéo dài nên người có tiền phải tìm phương thức đầu tư mới để tăng thu nhập; Giới đầu cơ tìm nhiều thủ thuật gây tác động mạnh làm tăng giá BĐS như tung các thông tin sai sự thực, kịch thích lướt sóng,… Tình trạng sốt giá lần 4 không được kịp thời ngăn chặn thì có thể nền kinh tế rơi vào lạm phát và lượng cầu có cơ hội tăng ngày càng nhiều hơn.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra nhận định, “Đối với Việt Nam, chu kỳ sốt đất là có thật. Sau mỗi lần sốt đất giá được tăng cao và chưa bao giờ có hiện tượng vỡ “bong bóng” BĐS. Lần sốt đất tiếp theo sẽ làm giá tăng cao hơn và cùng lắm là thị trường đóng băng. Tình trạng này dẫn đến hệ lụy là nhóm những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ngày càng khó khăn trong quá trình tìm mua nhà ở bằng đồng lương của mình”.

Giải pháp lâu dài cho Việt Nam là phải loại bỏ được tình trạng đầu cơ BĐS và khuyến khích đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy, cần nghiên cứu ký sắc thuế BĐS phù hợp, không có cách nào khác. Cần có giải pháp kiểm soát lượng vốn đầu tư vào BĐS so với đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Chuyển đổi số cũng là một giải pháp thực sự cần thiết để công khai, minh bạch nhằm thực hiện đúng và đủ sắc thuế BĐS – GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Thanh Tùng - Tuyết Mai

Bạn đang đọc bài viết Bất động sản và những vấn đề thực tiễn cần tháo gỡ hiện nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới