Chủ nhật, 24/11/2024 08:15 (GMT+7)
Chủ nhật, 01/05/2022 09:00 (GMT+7)

Bất động sản xanh lên ngôi - gắn liền với thiên nhiên và môi trường

Theo dõi KTMT trên

Covid-19 đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong hành vi của con người. "Cuộc chơi" mới trên thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng sau dịch là các sản phẩm BĐS xanh, BĐS sinh thái gần gũi với thiên nhiên được nhiều chuyên gia dự báo sẽ lên ngôi.

Hiện nay, tại các nước tiên tiến, sản phẩm bất động sản (BĐS) gần công viên, khu vực có nhiều cây xanh thường được định giá cao hơn so với các khu vực khác, như ở New York (Mỹ) giá trị BĐS cao hơn 45%, tại Luân Đôn (Anh) là 25%, hay như ở Singapore, công trình muốn được xếp hạng 5 sao thì không thể thiếu bóng dáng của cây xanh.

Bất động sản xanh lên ngôi - gắn liền với thiên nhiên và môi trường - Ảnh 1

Những công trình xanh phủ khắp Singapore…

Tại Việt Nam, xu hướng phát triển BĐS xanh cũng không sai lệch so với thế giới. Với tình trạng đô thị hóa, bê tông hóa ngày càng cao, các dự án cao tầng mọc lên mang đến cho đô thị các tỉnh, thành phố một diện mạo mới. Tuy nhiên, đi cùng với đó cũng đồng nghĩa với quỹ đất thu hẹp dần, ô nhiễm không khí. Vì vậy để giảm tình trạng này nên thời gian gần đây, hàng loạt dự án căn hộ đều gắn liền “yếu tố xanh” để bắt kịp nhu cầu thị trường duy trì được nhịp độ phát triển bền vững trong tương lai.

Chính vì thế mà giấc mơ về cuộc sống xanh, những “khu đô thị xanh” đã trở thành xu hướng, một trào lưu sống mạnh mẽ tại các thành phố lớn tại Việt Nam. Các khu đô thị xanh, văn phòng xanh, trường học xanh… ngày càng được người dân ưa chuộng.

Bất động sản xanh lên ngôi - gắn liền với thiên nhiên và môi trường - Ảnh 2

Những tòa nhà văn phòng xanh ngày càng được ưa chuộng.

Những lợi ích từ BĐS xanh gắn liền với thiên nhiên, môi trường

Theo tìm hiểu được biết, tỷ lệ cây xanh trên đầu người chỉ đạt hơn 4 m²/người. Đặc biệt, tại các quận trung tâm của TP.Hà Nội, tỷ lệ cây xanh còn thấp hơn, ở mức 0,9 m²/người, trong khi mục tiêu là 7 m²/người. Môi trường sống dần trở nên ngột ngạt, tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động ở các thành phố lớn khiến cho nhiều người dân có nhu cầu di chuyển về các khu đô thị xanh để tận hưởng cuộc sống trong lành.

Mảng xanh đô thị trở thành yếu tố thu hút khách hàng của các dự BĐS. Thước đo giá trị cuộc sống đối với nhiều người không còn nằm ở tiện nghi cao cấp, phố phường tấp nập mà đang dần thay đổi sang tiêu chí có thể cảm nhận được những phút giây thư thái trong không gian tươi mát và hưởng trọn bầu không khí trong lành.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, sống gần thiên nhiên sẽ giúp cải thiện được sức khỏe. Điển hình, với những nhà gần sông, hồ sẽ có tác dụng thanh lọc không khí, dòng nước còn giúp giảm tiếng ồn, bụi bẩn, giảm những xung sát từ xe cộ qua lại, hài hòa giữa cảnh quan nhà cửa lẫn cảnh quan du lịch. Hơn thế, xét về khía cạnh phong thủy, nước là một trong năm yếu tố mang lại nguồn năng lượng sống tích cực.

Với những ngôi nhà, tòa nhà ở gần sông, cạnh hồ sẽ được tạo sinh khí tốt lành, thuận đường phát triển, sức khỏe, may mắn. Về lâu dài, đây có thể là xu hướng mới đủ sức định hình lại cuộc chơi trên thị trường, được dự báo sẽ “thống lĩnh” thị trường BĐS trong tương lai, hướng đến sự phát triển bền vững và sinh lời dài hạn cho chủ đầu tư, khách hàng và xã hội.

Bất động sản xanh lên ngôi - gắn liền với thiên nhiên và môi trường - Ảnh 3

Những ngôi nhà hòa hợp với thiên nhiên sẽ tăng cường sức khỏe cho những người cư ngụ trong đó. (Ảnh minh họa)

Với những lợi ích, giá trị BĐS xanh mang lại, hiện nay, người mua nhà và giới đầu tư BĐS tại Việt Nam có xu hướng tìm kiếm BĐS gần sông, núi, biển để sinh sống và đầu tư. Tuy nhiên, ở các thành phố trung tâm như TP.HCM, vị trí này rất hiếm, hoặc xa trung tâm thì đã quá chật chội với nhiều dự án BĐS, khiến loại hình này cũng trở thành hàng hiếm, tăng vọt giá. Số lượng giới hạn là lý do khiến các dự án cận thiên nhiên này luôn được thị trường đón nhận, chờ đợi. Dung hòa được các yếu tố về vị trí - không gian sống - tầm nhìn hướng thiên nhiên sẽ là một điểm sáng cho các nhà đầu tư thành công.

Cùng với đó, việc xây dựng một công trình xanh yêu cầu chi phí đầu tư khá lớn, quy trình và thủ tục thiết kế thẩm định, phê duyệt, thi công khá phức tạp cũng như mất nhiều thời gian, công sức, khiến các chủ đầu tư e ngại. Do vậy, để phát triển sản phẩm BĐS xanh đòi hỏi chủ đầu tư phải có tâm, có tầm, đủ tiềm lực và tầm nhìn kiên định với con đường phát triển bền vững này.

Bất động sản xanh lên ngôi - gắn liền với thiên nhiên và môi trường - Ảnh 4

Những lợi ích, giá trị bất động xanh mang lại.

Xu hướng nổi bật: văn phòng nhiều cây xanh  

Trong bối cảnh không khí ngày càng trở nên ô nhiễm ở các thành phố lớn, nhiều người không muốn ra đường hay đến cơ quan làm việc. Nhưng nếu không gian làm việc trở nên trong lành, xanh mát, ngập tràn cây xanh, mọi người sẽ dễ dàng quên đi sự mệt mỏi, áp lực, cảm giác đi làm mà vẫn thoải mái như ở nhà.

Vậy nên, thiết kế văn phòng xanh hiện đại ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng. Cốt lõi của xu hướng này là tận dụng cây cối trong không gian nội thất và ngoại thất sao cho thật khoa học, phù hợp với tính thẩm mỹ và môi trường văn phòng. Hơn nữa, thiết kế văn phòng xanh đẹp còn giúp nâng cao hình ảnh công ty. Mọi người sẽ có ấn tượng tốt với doanh nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường, và tạo không gian làm việc thoải mái cho nhân viên.

Bất động sản xanh lên ngôi - gắn liền với thiên nhiên và môi trường - Ảnh 5

Văn phòng xanh sẽ tạo cho mọi người sự thoải mái, tinh thần phấn khởi khi làm việc.

Nơi nào có cây xanh, nơi đó luôn mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu. Bởi vì cây xanh giống như máy lọc không khí, luôn cho bạn luồng không khí trong lành. Đặc biệt là giảm bức xạ từ máy tính gây hại cho mắt. Màu xanh của lá cũng phần nào “đánh lừa” thị giác của người nhìn. Qua đó cho bạn cảm giác tràn đầy năng lượng, vui vẻ suốt cả một ngày dài.

Các mảng xanh không chỉ được bố trí trong không gian nội thất. Doanh nghiệp có thể trang trí cây xanh ngoài khu vực ban công, hành lang, sân thượng hay trước cửa công ty. Công dụng tuyệt vời của thiết kế văn phòng xanh đẹp chính là tạo bầu không khí thư giãn. Nếu là không gian kín, bao bọc bởi tường thì lại càng phải có cây xanh để bớt sự nặng nề, ngột ngạt.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, văn phòng xanh sẽ cần đảm bảo nhiều yếu tố. Đó là sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả, tạo môi trường xanh bền vững, kiến trúc hiện đại. Hơn nữa là chi phí đầu tư lại không quá lớn vì sự đơn giản trong kiến trúc, sử dụng cây xanh là chính. Vậy nên, thiết kế tòa nhà văn phòng xanh ngày càng trở nên phổ biến.

Bất động sản xanh lên ngôi - gắn liền với thiên nhiên và môi trường - Ảnh 6

Cây xanh giống như máy lọc không khí, luôn mang lại luồng không khí trong lành

Phát triển BĐS xanh ở Việt Nam cần chú ý những gì?

PGS.TS - KTS Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc Viện Đô thị xanh Việt Nam đã từng chia sẻ, kinh nghiệm một số nước trên thế giới đầu tư xây dựng các công trình xanh, trung bình sẽ đòi hỏi tăng vốn đầu tư khoảng từ 3-8 % so với đầu tư thông thường, nhưng các công trình xanh sẽ tiết kiệm được từ 15 đến 30% năng lượng sử dụng, sẽ giảm khoảng 30-35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30%-50% lượng nước sử dụng và từ 50%-70% chi phí xử lý chất thải.

Bất động sản xanh lên ngôi - gắn liền với thiên nhiên và môi trường - Ảnh 7
PGS.TS - KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Giám đốc Viện Đô thị xanh Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Các công trình xanh sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao.

Thứ nhất về khí hậu: Ở Việt Nam rất khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng, bức xạ mặt trời lớn, đặc biệt ở phía Bắc có mùa đông lạnh với độ ẩm cao. Phát triển công trình xanh ở nước ta phải chú ý tới các yếu tố khí hậu theo từng vùng khác nhau của đất nước. Có thể kể đến một số vùng khí hậu đặc trưng như khí hậu vùng núi Đông Bắc bộ, vùng núi Tây Bắc bộ, vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng gió Lào miền Trung, vùng ngập lũ Nam bộ…

Khí hậu các địa phương Việt Nam hoàn toàn khác với khí hậu các nước Âu - Mỹ. Do vậy có thể thấy những công nghệ của các nước phát triển Âu - Mỹ là không hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm Viêt Nam. Nếu những giải pháp cho khí hậu Âu - Mỹ là sưởi ấm thì tại Việt Nam là làm mát, hút ẩm và chống giá buốt… Ở một góc nhìn khác, điều kiện khí hậu nhiệt đới của nước ta cũng rất thuận lợi cho việc thiết lập những sắc thái riêng với các thành tố xanh trong quy hoạch và xây dựng đô thị xanh.

Thứ hai là bản sắc văn hóa dân tộc: Ở Việt Nam có 54 dân tộc, chính vì vậy bản sắc văn hóa địa phương rất đa dạng. Mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán, phương thức sản xuất canh tác, lối sống riêng… Việc lựa chọn những giải pháp phù hợp với truyền thống văn hóa, lối sống, tâm lý, nhu cầu và khả năng thực tế của cộng đồng dân cư là hết sức quan trọng trong việc tạo dựng môi trường kiến trúc đô thị.

Phát triển công trình xanh ở Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề bản sắc văn hóa địa phương tại mỗi vùng miền, mỗi nơi có một lối sống và kiến trúc đặc trưng riêng vì vậy phát triển công trình xanh cần đề ra các chiến lược, chính sách, các giải pháp quy hoạch, thiết kế xây dựng phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Yếu tố văn hóa cũng là cơ sở để đạt được sự chấp nhận của cư dân địa phương hướng tới các nhu cầu thiết thực của cộng đồng. Từ đó có thể áp dụng rộng rãi, tránh được những nguy cơ phá vỡ các tập quán sinh hoạt truyền thống.

Thứ ba là điều kiện kinh tế: Công trình xanh Việt Nam phải được xây dựng phù hợp với điều kiện của nền kinh tế đất nước. Việt Nam là quốc gia đang phát triển còn nghèo so với nhiều nước trong khu vực. Công trình xanh tại Việt Nam nên phát huy sử dụng được các nguồn lưc tại chỗ, hướng đến những giải pháp xây dựng đơn giản phù hợp với trình độ xây dựng của khu vực, dễ bảo dưỡng, đạt được mục tiêu giá thành hợp lý phù hợp với khả năng thu nhập của người dân địa phương.

Những ràng buộc về địa lý đã hình thành các hoàn cảnh của từng địa phương, cần quan tâm đến điều kiện đặc thù này để áp dụng những giải pháp xanh, những công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt cần quan tâm đến khu vực nông thôn, nơi sinh sống của phần lớn dân cư và chứa đựng nhiều giá trị bản địa.

Bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản Savills Hà Nội chia sẻ, phát triển theo hướng bền vững là một bước chuyển lớn đối với ngành BĐS. Hành trình này yêu cầu sự tham gia từ nhiều phía và đòi hỏi chiến lược đầu tư bài bản kéo dài. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chung về biến đổi khí hậu và bắt kịp xu hướng toàn cầu, các nhà phát triển, chủ đầu tư, đơn vị quản lý, và người sử dụng cần hành động “xanh hóa” không gian ngay từ bây giờ.

Bất động sản xanh lên ngôi - gắn liền với thiên nhiên và môi trường - Ảnh 8

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản cho biết, trước đây BĐS xanh vốn đã được người mua nhà quan tâm. Hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu với phân khúc này sẽ càng lớn hơn, bởi nhiều người mong muốn có một môi trường sống an toàn. Vì thế, chắc chắn nhiều khách hàng sẽ tìm đến dự án BĐS xanh thời gian tới. Cũng theo ông Đính, dự án xanh không đơn giản chỉ là trồng nhiều cây xanh, mà phải tổng hòa nhiều yếu tố như: Công trình có khí trời nhiều, ánh sáng tự nhiên nhiều hơn là sử dụng năng lượng; năng lượng sử dụng bằng thiết bị tiết kiệm, không tạo độ thải ra môi trường. Vật tư cũng phải gần gúi với thiên nhiên, ít khói bụi...

Bất động sản xanh lên ngôi - gắn liền với thiên nhiên và môi trường - Ảnh 9

Chuyển đổi xanh đang dần trở thành xu hướng toàn cầu, mang lại nhiều giá trị dài hạn cho doanh nghiệp BĐS. Với dự án có ánh sáng tự nhiên, cây xanh, mặt nước hài hoà, không khí trong lành vẫn thu hút người mua nhà. Tuy nhiên, số lượng tòa nhà sở hữu chứng nhận xanh tại Việt Nam là 201 tòa, đây là con số khiêm tốn trên thị trường. Do đó, các chuyên gia BĐS đã đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy dòng sản phẩm này.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Bất động sản xanh lên ngôi - gắn liền với thiên nhiên và môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới