Chủ nhật, 24/11/2024 06:17 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/09/2022 06:30 (GMT+7)

Bến Tre: Biển xâm thực ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân

Theo dõi KTMT trên

Hàng chục căn nhà bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm thực của biển, người dân và chính quyền xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, Bến Tre mong muốn sớm hoàn thiện kè chống sạt lở bờ biển để giữ đất, ổn định cuộc sống và tạo động lực phát triển du lịch địa phương.

Bờ biển Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) dài khoảng 12km, do tác động của biến đổi khí hậu, khoảng 10 năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, đời sống của người dân.

Theo thống kê từ ngành chức năng tỉnh Bến Tre, bờ biển Cồn Ngoài hiện có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng hơn 5km. Trong đó, hơn 1,2km đã được nhà nước đầu tư làm kè kết cấu mái nghiêng bằng bê tông cốt thép với tổng kinh phí được phân bổ khoảng 85 tỉ đồng.

Bến Tre: Biển xâm thực ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân - Ảnh 1
Dù người dân đã cố gắng dùng các biện pháp để gia cố tạm thời, thế nhưng không thể ngăn được những con sóng lớn và tài sản cũng bị tàn phá nặng nề (Ảnh Đ. Hà)

Theo đại diện chính quyền địa phương, đoạn kè kiên cố được đầu tư, đến nay cơ bản đã phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, đoạn bờ biển Cồn Ngoài khoảng 3,8km còn lại chưa được xây dựng kè vẫn đang tiếp tục bị sóng biển uy hiếp, xâm thực đặc biệt vào mùa mưa bão hay triều cường dâng cao.

Chia sẻ với báo chí, ông Mai Văn Tia, một người dân ngụ tại ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận là hộ dân bị thiệt hại nặng nề do sạt lở bờ biển chia sẻ, khoảng 10 năm trở lại đây, sóng biển làm sạt lở ăn sâu vô phần đất của gia đình ông khoảng 500m, mất 1ha đất trồng màu. Cũng trong 10 năm qua, gia đình ông Tia phải 3 lần di dời nhà, chạy sạt lở.

“Kể từ ngày mất đất, không còn đất trồng màu tôi chuyển sang sống bằng nghề làm thuê làm mướn. Hiện căn nhà che tạm của gia đình tôi và 1.000m2 đất còn lại đang ở sát với bờ biển có nguy cơ sẽ tiếp tục sạt lở trong mùa gió chướng sắp tới tôi rất lo lắng”, ông Tia cho hay.

Không riêng gì hộ dân này, theo tìm hiểu của Phóng viên, trong năm 2022 đã có 4 căn nhà của người dân bờ biển Cồn Ngoài bị sập hoàn toàn bởi sự xâm thực của biển. Nhiều cây xanh được trồng để chắn sóng dọc bờ biển này cũng đã bị sóng biển đánh bật trơ gốc.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Khổng Minh Tặng – Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri thông tin, năm 2022 đã có gần 10ha đất của người dân canh tác bị ảnh hưởng hoàn toàn, còn tác động bị sạt lở và khắc phục được thì khoảng 60 hộ dân. Để ứng phó tạm thời, UBND xã thì cũng động viên người dân vô bao đất, gia cố bằng xà cừ. Mặt khác, xã kiến nghị các cơ quan cấp trên để xem xét đầu tư đoạn kè còn lại.

“Nguyên tuyến chiều dài bờ biển khoảng 12 km, nhưng có 5 km bị sạt lở, hiện nay được ở trên đầu tư khoảng hơn 1km, còn lại khoảng hơn 3km. Hằng năm vào mùa gió trước thì sóng biển nó đánh cứ xâm thực vào đất liền cả 100 mét, có năm cả 200 mét. Hàng năm tiếp tục lấn sâu vào vậy.

Ở góc độ địa phương thì nguồn kinh phí không có, hiện nay đầu tư một khúc kè bê tông kiên cố khoảng 1km cung tốn hơn 60 tỉ đồng, địa phương cũng chưa có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này. Nguồn lực địa phương thì mình đâu có khả năng đầu tư vậy đâu. Nhiều đoàn đến khảo sát, nhưng chốt để đầu tư vào thời điểm nào thì chưa có.

Hiện nay người dân và địa phương mong muốn sớm triển khai đoạn kè còn lại. Trước mắt là để giữ diện tích đất cho người dân ổn định sản xuất ở khu vực biển, bên cạnh đó cũng góp phần tạo động lực phát triển du lịch của địa phương, cũng như là góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên biển”, ông Tặng nhấn mạnh.

Bến Tre: Biển xâm thực ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân - Ảnh 2
Đã có nhiều đoàn khảo sát xuống khu vực bị sạt lở để kiểm tra, nhưng đến nay vẫn chưa chốt được phương án thực hiện đầu tư (Ảnh Đ. Hà)

Trong khi đó, thông tin với báo chí, Ông Nguyễn Văn Điền – Giám đốc Ban QLDA Đầu tư Xây dựng các công trình  thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, thời gian qua được các Bộ ngành Trung ương và địa phương, hỗ trợ tỉnh xây dựng xong hơn 1,2km/5km kè ngăn bị sạt lở tại biển Cồn Ngoài. Hiện còn hơn 3,8 km bờ biển nơi đây đang bị sạt lở chưa được đầu tư làm kè.

“Ban cũng đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí khoảng 100 tỉ đồng để triển khai xây dựng đoạn kè còn lại nhằm khắc phục sạt lở bờ biển, khép kín tuyến kè đã được đầu tư trước đó để tăng khả năng, hiệu quả ngăn sạt lở, bảo vệ lâu dài.” – Ông Điền cho biết.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Bến Tre: Biển xâm thực ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới