Bệnh nướu răng có thể là nguyên nhân gây ung thư thực quản?
Nếu đang bị bệnh nướu răng, thay vì mua thuốc uống qua loa thì bạn nên điều trị một cách triệt để. Vì mới đây, một số nhà khoa học đã phát hiện một loại vi khuẩn gây ra bệnh nướu cũng có thể là nguyên nhân bệnh ung thư thực quản.
Viêm nướu răng là gì?
Nướu là một phần của các mô niêm mạc miệng, nướu bao quanh răng và bảo vệ cho răng. Bình thường phần nướu lành mạnh bám chặt vào chân răng giữ cho răng vững chắc và có nhiệm vụ bảo vệ phần xương ổ răng nằm bên dưới nướu, các gai nướu ở giữa các răng tròn đều và săn chắc giúp thức ăn trượt dễ dàng và không bị giắt thức ăn khi nhai.
Nướu ôm sát lấy răng để che chở các mô dễ nhạy cảm bên dưới và ngăn ngừa không cho vi khuẩn xâm nhập làm hại răng, nướu tốt chính là nền tảng cho hàm răng chắc khỏe. |
Khi răng và nướu không được vệ sinh sạch lâu ngày sẽ dẫn đến viêm nướu răng (còn gọi là việm lợi), đây là một bệnh lý răng miệng rất phổ biến ở hầu hết mọi độ tuổi. Viêm nướu là một dạng bệnh nha khoa nhưng ở mức độ nhẹ, vi khuẩn trong mảng bám và vôi răng là nguyên nhân gây kích ứng, mẩn đỏ và gây sưng nướu răng.
Viêm nướu răng có dẫn đến ung thư thực quản?
Một phát hiện được đăng trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm và Ung thư, cho thấy, 61% người mắc ung thư biểu mô vảy thực quản (ESCC) được phát hiện có vi khuẩn Porphyromonas gingivalis – loại vi khuẩn chính gây viêm lợi, nha chu kéo dài.
Điều này có thể là luận cứ cho nhận định vi khuẩn P.gingivalis có thể là nguyên nhân bệnh ung thư thực quản và cũng là biểu hiện sinh học đầu tiên của bệnh ung thư này. Nếu được xác nhận, dữ liệu trên sẽ cho thấy rằng chữa trị bệnh răng miệng sẽ giúp làm giảm đáng kể số người bị ung thư thực quản.
Nướu răng có thể là nguyên nhân gây bệnh ung thư thực quản. Ảnh minh họa |
Như chúng ta đã biết, vai trò của thực quản là chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã lấy mẫu mô của 100 bệnh nhân bị ung thư biểu mô vảy thực quản và 30 người bình thường để tiến hành kiểm tra. Kết quả cho thấy cả enzyme từ vi khuẩn xấu và DNA của chúng đều cao hơn rất nhiều ở người bị ESCC so với người bình thường.
Các nhà khoa học cho biết, Porphyromonas gingivalis thường có mặt cùng với nhiều yếu tố khác, trong đó có sự khác biệt của các tế bào ung thư, di căn và tỷ lệ sống sót của người bệnh. Có hai cách để lý giải cho vấn đề trên: Vi khuẩn P.gingivalis ưa thích trú ẩn để sinh sản trong các tế bào ung thư, hoặc ngược lại vi khuẩn P.gingivalis kích thích các tế bào ung thư hình thành và phát triển.
Nếu như cách lý giải thứ nhất là chính xác, chúng ta có thể điều trị bệnh bằng thuốc kháng sinh, các nhà khoa học cũng có thể nghiên cứu phương pháp sử dụng công nghệ gen di truyền để tìm được P.gingivalis qua đó tìm được tế bào ung thư thực quản và tiêu diệt chúng. Điều này cũng cho thấy việc giữ vệ sinh răng miệng có thể làm giảm nguy cơ ung thư thực quản. Sàng lọc P.gingivalis trong mảng bám răng có thể giúp phát hiện người dễ có nguy cơ ung thư, giúp bệnh nhân sớm được phát hiện để điều trị hiệu quả hơn.
Theo Môi trường và Đô thị