Bị cắt giảm sản lượng, hàng loạt DN điện mặt trời ở Gia Lai gửi đơn kiến nghị
Hơn 40 doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời tại Gia Lai đã gửi đơn tập thể gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc hiện tại. Đồng thời, lo ngại trước áp lực trả nợ gốc và lãi vay dự án của doanh nghiệp.
Trên thực tế, việc tiết giảm công suất phát điện của các dự án điện mặt trời có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp và kéo dài từ tháng 12/2019 đến nay đã gây thiệt hại nặng nề đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc dừng hoạt động sản xuất... làm cho sản lượng tiêu thụ điện năng sụt giảm.
Theo các doanh nghiệp điện mặt trời tại Gia Lai, việc cắt giảm công suất điện mặt trời, nguyên nhân chủ quan thuộc về các cơ quan chức năng của ngành điện. Cụ thể như công tác dự báo, quy hoạch phát triển điện mặt trời của các cơ quan chức năng của ngành điện còn hạn chế, thiếu chính xác.
Bên cạnh đó, hệ thống truyền tải, cơ sở hạ tầng phục vụ truyền tải điện của ngành điện chưa phát triển đồng bộ với việc phát triển điện mặt trời. Công tác điều hành phát điện giữa các nguồn phát điện (điện mặt trời, điện than, thủy điện...) còn chưa thật hợp lý.
Đơn kiến nghị tập thể của hơn 40 doanh nghiệp đã đầu tư điện mặt trời tại Gia Lai có nơi nhận là Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các cơ quan báo chí và các đơn vị ở tỉnh Gia Lai gồm Tỉnh uỷ, UBND, Điện lực, Công an tỉnh.
Theo đó, các chủ đầu tư này cho hay, khoảng 90% doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời tại Gia Lai đều phải huy động vốn từ nguồn vay của các ngân hàng thương mại với tỷ trọng chiếm 70% - 80% tổng mức đầu tư và lãi suất vay từ 9,5% - 12%/năm. Vì vậy, áp lực trả nợ gốc và lãi vay dự án của doanh nghiệp hàng tháng là rất lớn.
Theo phương án tính toán tài chính, hiệu quả của dự án chỉ đảm bảo trả được nợ vay khi hoạt động đúng công suất thiết kế, đặc biệt trong các tháng mùa khô tại Tây Nguyên.
Do đó, trường hợp EVN đề nghị các chủ đầu tư phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện của dự án từ 50% - 70% trong các tháng cuối năm 2021 sẽ dẫn đến hậu quả xấu đối với các nhà đầu tư điện mặt trời. Các chủ đầu tư không có nguồn trả nợ vay đúng theo hợp đồng tín dụng đã ký, gây lãng phí cho doanh nghiệp và xã hội.
Từ đó, các nhà đầu tư điện mặt trời tại tỉnh Gia Lai đã đề xuất nhiều kiến nghị với từng cấp cụ thể.
Riêng đối với EVN, các nhà đầu tư điện mặt trời đề nghị cần xây dựng phương án tăng cường huy động sử dụng nguồn điện tiết kiệm và hiệu quả nhất, không gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp, của xã hội và thân thiện với môi trường. Công khai, minh bạch thông tin tiết giảm, sa thải của các dự án.
Gia Lai được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển điện năng lượng mặt trời nhờ số giờ nắng trung bình cao (1.900-2.200 giờ/năm) và bức xạ tốt (khoảng 4,8 - 5,2 kWh/m2/ngày).
Tính đến hết ngày 31/12/2020, địa bàn tỉnh Gia Lai đã có hơn 3.200 hệ thống điện mặt trời mái nhà được đấu nối phát điện lên lưới với tổng công suất hơn 600 MWp. Để đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống điện, Điện lực Gia Lai bắt buộc phải điều tiết cắt giảm luân phiên công suất phát của các hệ thống điện mặt trời trên địa bàn gây lãng phí nguồn lực cũng như bất bình đẳng trong các nhà đầu tư, theo Lao Động.
Nguyễn Luận (T/h)