Chủ nhật, 24/11/2024 09:28 (GMT+7)
Thứ năm, 08/04/2021 15:43 (GMT+7)

Biến ‘bãi rác’, phế liệu thành không gian cộng đồng

Theo dõi KTMT trên

Với bàn tay khéo léo của các kỹ sư, những đồ vật tưởng bỏ đi như lốp xe, đồ gỗ không sử dụng đã tạo nên một sân chơi để gắn kết cộng đồng từ thành phố cho đến những vùng sâu vùng xa.

Sân chơi từ vật liệu tái chế  

Phần bờ ven sông Hồng trong khu dân cư tổ 16 phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước đây từng là một bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan và đời sống của người dân. Đến nay, địa điểm này đã được cải tạo thành sân chơi cho trẻ nhỏ với diện tích khoảng 100 m2. Đồng thời, đây cũng là địa điểm hội họp, gặp gỡ và tổ chức các hoạt động chung của người dân tổ 16. 

Điểm đặc biệt ở không gian này là sân chơi được tạo nên từ những nguyên vật liệu đơn giản, dễ kiếm tại địa phương như lốp xe, đồ gỗ cũ, vừa tiết kiệm chi phí, vừa hạn chế “dấu chân carbon”, bảo vệ môi trường.

Bà Vũ Bích Thủy, người dân tổ 16 phường Phúc Tân chia sẻ: “Ngày trước ở đây là bãi rác bẩn. Bây giờ được cải tạo thành sân chơi sạch đẹp, nên mọi người đều phấn khởi, nhất là các em nhỏ”.

Biến ‘bãi rác’, phế liệu thành không gian cộng đồng - Ảnh 1
Sau khi được cải tạo, sân chơi trở thành nơi yêu thích của trẻ nhỏ và người dân tại phường Phúc Tân. (Ảnh: QĐ)

Hoạt động cải tạo “bãi rác” thành sân chơi an toàn cho trẻ em đã nhận được sự ủng hộ và tham gia đóng góp của người dân, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể yêu mến Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Tạo, Tổ phó tổ 16, người sinh sống cạnh không gian cộng đồng này cho biết: “Bà con còn chung tay làm thêm hàng rào, cổng chào cho sân chơi để biến khu này thành địa điểm an toàn cho tất cả mọi người. Từ ngày có không gian mới này, dân cư tại đây ra chơi rất đông, có khi đến 10 giờ đêm vẫn chưa về”.

Sân chơi mới ở Phúc Tân là dự án hoạt động cải tạo không gian công cộng do mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” khởi xướng và là một trong khoảng 200 sân chơi trên cả nước đã được thực hiện bởi Think Playgrounds, doanh nghiệp xã hội có sáng kiến mang lại sân chơi trong thành phố. 

Ngoài việc tận dụng những khoảng đất trống như tại Phúc Tân, nhóm Think Playgrounds còn tận dụng nhà vệ sinh bỏ hoang hàng chục năm ở ngõ 179 Hoàng Hoa Thám để xây dựng sân chơi công cộng. Được sự ủng hộ của phường Ngọc Hà (Ba Đình), nhà vệ sinh đã được giải tỏa, xây nền và hình thành nên một sân chơi cho các em nhỏ.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Theo anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập Think Playgrounds, các sân chơi từ vật liệu tái chế đã và đang dần trở thành một xu hướng trên toàn cầu. Think Playgrounds lựa chọn những vật liệu tại địa phương và xử lí thật đơn giản để tiết kiệm chi phí vận chuyển, cũng như tận dụng những vật liệu đã qua sử dụng như lốp ô tô, đồ gỗ...

Tuy nhiên, khó khăn trong việc làm sân chơi tái chế là cần phải xử lí thật tốt và lựa chọn những vật liệu có tính bền vững, phù hợp làm sân chơi để nó không trở lại thành rác sau một thời gian sử dụng.

Để hoàn thiện được một sân chơi trung bình sẽ mất hơn 2 tháng với chi phí dao động từ 20 - 100 triệu đồng, tùy vào mức độ cải tạo không gian.

Biến ‘bãi rác’, phế liệu thành không gian cộng đồng - Ảnh 2
Từ những vật dụng tưởng bỏ đi như lốp xe cũ, các kiến trúc sư đã tạo ra những món đồ chơi bắt mắt.

Anh Đạt chia sẻ:“Sân chơi vẫn là cốt lõi của không gian công cộng. Chúng tôi muốn mở rộng khái niệm sân chơi, để nơi đây sẽ dành cho nhiều nhóm đối tượng, không chỉ trẻ em, mà còn cả người già, thanh niên và kể cả những người phụ nữ nhập cư, những người buôn bán để tạo nên những sự hòa hợp của cộng đồng”.  

Trước khi làm sân chơi, Think Playgrounds sẽ tổ chức những cuộc họp với cộng đồng cư dân tại đó, lấy ý kiến và sau khi nhận được sự đồng thuận, việc xây dựng các sân chơi đều có góp sức của người dân. Theo đại diện Think Playgrounds, sự thành công của mô hình sân chơi cộng đồng ở các khu tập thể, khu dân cư có nguyên nhân từ tính gắn kết cộng đồng chặt chẽ của các khu tập thể, khu dân cư và sự ủng hộ của nhiều người trong cộng đồng đó.

“Qua việc sử dụng những vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường từ gỗ, lốp xe thì việc giáo dục về lối sống xanh cho trẻ em được thể hiện một cách trực quan, sinh động”, anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cho biết.

Biến ‘bãi rác’, phế liệu thành không gian cộng đồng - Ảnh 3
Sân chơi Nỏ thần (Đông Anh, Hà Nội). (Ảnh: NVCC)

Anh Đạt cho biết thêm, bên cạnh mục tiêu chính là hướng đến giải quyết các vấn đề không gian công cộng ở trong thành phố, Think Playgrounds vẫn luôn hỗ trợ các nhóm tình nguyện để mang được ngày càng nhiều sân chơi đến những vùng sâu vùng xa, hoặc những khu vực còn thiếu thốn như Khau Phạ (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai)…

Hiện nay, Think Playgrounds đang chú trọng phát triển mô hình kết hợp với những doanh nghiệp xã hội khác làm về mảng du lịch để tạo ra các sân chơi được thiết kế đặc biệt, mang bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc ở các địa điểm du lịch, chẳng hạn như sân chơi theo phong cách mái nhà của người Mường, hoặc thiết kế theo những câu chuyện dân gian của người Thái… Ở đây, người bản địa chính là người kể những câu chuyện của họ để góp phần phát triển du lịch theo hướng bền vững, đồng thời vẫn giữ lại được những nét đẹp truyền thống mà không làm ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến không gian văn hóa của người dân.

Biến ‘bãi rác’, phế liệu thành không gian cộng đồng - Ảnh 4
Sân chơi tại Khau Phạ (Yên Bái). (Ảnh: NVCC)

“Cùng với việc tạo nên những sân chơi, Think Playgrounds cũng hỗ trợ người dân địa phương nhớ lại các trò chơi dân gian của họ để biến chúng thành một chất liệu dẫn tour. Khi đó, không gian cộng đồng sẽ không chỉ là một sân chơi, mà nó còn mang theo văn hóa của cả một vùng du lịch đến với nhiều người hơn. Chúng tôi đang làm tour thử nghiệm ở Khau Phạ (Yên Bái) và đã thu được những phản hồi rất tích cực từ bố mẹ đưa con đến”, anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cho hay.

Thu Trang

Bạn đang đọc bài viết Biến ‘bãi rác’, phế liệu thành không gian cộng đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới