Chủ nhật, 24/11/2024 09:44 (GMT+7)
Thứ tư, 17/03/2021 06:20 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi dòng chảy của sông và khiến lũ lụt càng trở nên tồi tệ

Theo dõi KTMT trên

Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học đã cho thấy, biến đổi khí hậu đã tác động đặc biệt mạnh mẽ tới lượng nước của các con sông và gây ra lũ lụt hoặc hạn hán nhiều hơn.

Dòng chảy của sông đang dần bị thay đổi

Một nhóm nghiên cứu quốc tế do Giáo sư Sonia Seneviratne tại Viện Kỹ thuật liên bang Thụy Sỹ (ETH Zurich) dẫn đầu đã thành công trong việc phân tích ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với dòng chảy của các con sông sau khi phân tích dữ liệu từ 7.250 trạm đo trên toàn thế giới.

Nghiên cứu mới đã được công bố trên tạp chí danh tiếng Science, chứng minh rằng dòng chảy của sông đã thay đổi một cách có hệ thống từ năm 1971 đến năm 2010. Một số khu vực như Địa Trung Hải và Đông Bắc Brazil trở nên khô hơn, trong khi ở những nơi khác, lượng nước đã tăng lên, chẳng hạn như ở Scandinavia.

Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi dòng chảy của sông và khiến lũ lụt càng trở nên tồi tệ - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi dòng chảy của sông và khiến lũ lụt càng trở nên tồi tệ.

Để tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng trên, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một số mô phỏng trên máy tính, sử dụng các mô hình thủy văn toàn cầu được dựa trên dữ liệu khí hậu quan sát được từ 1971 đến 2010. Kết quả tính toán mô hình phù hợp chặt chẽ với dòng chảy sông quan sát được trên thực tế.

Ông Lukas Gudmundsson, đồng tác giả nghiên cứu nói: ''Điều này có nghĩa là điều kiện khí hậu có thể giải thích các xu hướng quan sát được trong lưu lượng dòng chảy sông''.

Các nhà nghiên cứu cũng đưa thêm quản lý nước và đất vào các mô phỏng của họ để nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố này. Tuy nhiên, các yếu tố này không ảnh hưởng đến kết quả.

''Những thay đổi trong quản lý nước và đất đai rõ ràng không phải là nguyên nhân của những thay đổi ở các con sông'', ông Lukas Gudmundsson cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã có thể chứng minh vai trò của biến đổi khí hậu bằng cách sử dụng phương pháp phát hiện và phân bổ. Họ so sánh các quan sát kết quả giữa mô hình khí hậu có khí nhà kính do con người tạo ra và mô hình không có. Trong trường hợp đầu tiên, mô phỏng cho ra khớp với dữ liệu quan sát thực tế, nhưng trong trường hợp thứ hai thì không. ''Điều này cho thấy rằng những thay đổi quan sát được là rất khó xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu", ông Gudmundsson khẳng định.

Việt Nam cũng bị tác động không nhỏ

TS Hoàng Minh Tuyển, Phó Giám đốc Dự án "Tác động của biến đổi khí hậu lên tài nguyên nước và các biện pháp thích ứng", cho biết, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng mức độ nguy hiểm của lũ lụt. Theo tính toán, giá trị lưu lượng đỉnh lũ lớn nhất đều có xu thế tăng trên hầu hết các sông, chỉ một số nhánh sông của sông Đồng Nai là giảm.

Với kịch bản phát thải khí nhà kính ở mức trung bình, thì đến năm 2040-2059, biến đổi khí hậu dự kiến sẽ làm lưu lượng đỉnh lũ hàng năm ở các sông tăng khoảng 1-5% so với những năm 1980-1990. Đặc biệt có thể tăng đến 9% tại sông Hồng khu vực chảy qua Yên Bái. Vào thời kỳ 2080-2089, mức tăng này lên tới 5-15%, cá biệt có thể tăng 18,5% trên sông Ba ở Củng Sơn, 21,7% trên sông Thao tại Yên Bái, 19% trên sông Lô tại Ghềnh Gà. Điều đó có nghĩa là những đỉnh lũ mới cao hơn nhiều lần, cường độ dữ dội hơn nhiều lần so với hiện nay.

Với kịch bản phát thải cao, những con số tính toán còn cao hơn nhiều. Tại sông Mê Kông, giữa thế kỷ 21, lưu lượng ngày có thể tăng trên 50% so với đỉnh lũ năm 2000.

Đặc biệt đối với đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm vào mùa lũ, lũ sông Mê Kông sẽ làm ngập gần 2 triệu ha, kéo dài 3-5 tháng. Các nhà khoa học ước tính, 90% diện tích đồng bằng này sẽ ngập vào mùa lũ, trong đó diện tích ngập sâu trên 0,5 m gần 69%.

Đặc biệt, hàng năm vào mùa lũ sẽ gây ngập lụt các vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, vùng kẹp giữa 2 sông Tiền và sông Hậu nghiêm trọng hơn. Cần Thơ và Vĩnh Long là hai vùng bị ngập nghiêm trọng nhất.

Đối lập với những cơn lũ lớn khủng khiếp trong mùa mưa thì về mùa khô, hình ảnh những dòng sông trơ đáy sẽ ngày càng phổ biến.

Dựa trên các kịch bản phát thải, mô hình tính toán đã dự đoán: Vào thời kỳ 2040-2059, mức độ giảm của dòng chảy trung bình về mùa cạn thấp nhất là 1,5% ở sông Đà, sông Hiếu, sông Gâm và cao nhất lên tới 10% trên sông Ba. Trên lưu vực sông Cả, dòng chảy trung bình mùa cạn giảm khoảng 11%. Tháng cạn nhất có thể giảm đến gần 27%. Cùng với nước biển dâng khiến mặn xâm nhập sâu, nhiệt độ tăng làm tăng sự bốc hơi nước, dự đoán đến cuối thể kỷ, lượng nước cần cho tưới trên lưu vực sông này thiếu hụt tới 50% so với hiện nay.

Việt Nam cần 35 tỉ USD để chống biến đổi khí hậu

Theo Báo cáo Chỉ số rủi ro Khí hậu Toàn cầu (KRI) do tổ chức phi chính phủ về môi trường Germanwatch (Đức) công bố vào tháng 1/2021, Việt Nam đứng ở vị thứ 13 trong số các nước có nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trong giai đoạn từ năm 2000 - 2019.

Và để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu từ năm 2021 - 2030, Việt Nam cần 35 tỉ USD, trong khi đó, nền kinh tế của chúng ta chỉ có thể đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. 

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (UNIPCC) cũng chỉ ra rằng những thách thức về khí hậu của Việt Nam lớn hơn nhiều so với thông thường. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai các chiến lược thích ứng và giảm thiểu hiệu quả để ngăn chặn thách thức, do các tác động khí hậu đang ngày càng mạnh mẽ và khó dự đoán hơn.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi dòng chảy của sông và khiến lũ lụt càng trở nên tồi tệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới