Chủ nhật, 24/11/2024 10:54 (GMT+7)
Thứ sáu, 02/10/2020 11:43 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện của tương lai

Theo dõi KTMT trên

Tại cuộc họp thường niên của Liên Hợp Quốc diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, các nhà lãnh đạo thế giới cảnh báo nếu Covid-19 không giết chết chúng ta thì biến đổi khí hậu cũng gây hậu quả tương tự.

"Chúng ta đang chứng kiến ngày tận thế của tự nhiên", Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama nói tại cuộc họp, đề cập đến các vụ cháy rừng ở miền Tây nước Mỹ và hiện tượng băng tan ở Greenland.

Biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện của tương lai - Ảnh 1
Hình ảnh cháy rừng tại California (Mỹ). (Ảnh: Internet)

Đây được coi là năm "chúng ta cứu lấy hành tinh của mình", ông nói thêm. Nhưng thay vào đó, Covid-19 đã thu hút hết nguồn lực cũng như sự chú ý của thế giới và hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu của Liên Hợp Quốc đã bị hoãn lại đến cuối năm 2021.

"Trong 75 năm nữa, nhiều thành viên có thể không còn ngồi tại Liên Hợp Quốc này nếu thế giới vẫn tiếp tục không chịu thay đổi", Liên minh Các quốc đảo Nhỏ và Nhóm Các nước Kém phát triển cảnh báo.

Mục tiêu chính của hiệp định khí hậu Paris năm 2015 là hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C, nhưng các nhà khoa học cho biết thế giới đang trên đà ấm lên vượt mức này.

Lượng băng tan kỷ lục tại Greenland

Biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện của tương lai - Ảnh 2
Băng tan khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao. (Ảnh: Internet)

Một nghiên cứu về tan băng ở Greenland đăng tải trên tạp chí Nature số ra ngày 30/9 cho biết, dựa trên dữ liệu và các mẫu lõi băng, là công trình khoa học đầu tiên khôi phục lại số liệu về lượng băng tan trong cả kỷ Holocene.

Theo các nhà nghiên cứu, nếu lượng khí thải nhà kính không được kiểm soát, khối băng dày hàng km sẽ mất đi 36.000 tỉ tấn băng trong thời gian từ năm 2000-2100, khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên 10 cm.

Theo người đứng đầu trưởng nhóm nghiên cứu, Jason Briner, thuộc Đại học Buffalo tại New York, tình trạng tan băng như hiện nay có thể trở thành tình trạng "bình thường mới". Ông nói rõ dù lượng carbon phát thải ở mức nào đi chăng nữa, lượng băng mất đi tại Greenland sẽ nhiều hơn cả lượng băng "bốc hơi" trong thời kỳ ấm nhất trong suốt 12.000 năm qua.

Theo nghiên cứu này, cho đến năm 2010, tác nhân chính dẫn tới mực nước biển tăng là do tình trạng sông băng tan chảy và sự mở rộng của các đại dương vì nhiệt độ ấm lên. Tuy nhiên, trong 20 năm gần đây, các dải băng ở Greenland và Nam Cực lại là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Cho đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, việc tái tạo băng tại Greenland vẫn ổn định bởi dải băng tại đây vẫn có thể tích tụ lượng lớn tuyết rơi đủ để bù đắp cho lượng băng tan trong mùa Hè, song tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng đã phá hủy quy luật này. Theo các nhà khoa học, dải băng duy nhất tại bắc bán cầu chứa lượng nước băng đủ để làm mực nước biển dâng thêm 7 m.

Việc nghiên cứu tình trạng băng tan trong khoảng thời gian 12.000 năm giúp các nhà khoa học nhận thấy sự khác biệt về sự thay đổi tự nhiên trong các khối băng lớn với sự thay đổi xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu do hoạt động của con người.

Nghiên cứu trên cũng phát hiện ra rằng nỗ lực kiềm chế sự tăng nhiệt toàn cầu dưới ngưỡng 2 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 sẽ ngăn tình trạng băng tan tại Greenland làm nước biển dâng thêm 2 cm trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, trong bất kỳ kịch bản nào, mực nước đại dương sẽ vẫn tiếp tục tăng trong thế kỷ 22 và trong tương lai.

Nguy cơ 1,2 tỉ người mất đi chỗ ở vì biến đổi khí hậu

Báo cáo mới đây của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP), một cơ quan nghiên cứu toàn cầu có trụ sở tại Sydney, Australia, cho biết khoảng 1,2 tỉ người sống tại 31 quốc gia ít có khả năng chống chọi với các đe dọa sinh thái có thể sẽ mất nhà cửa vào năm 2050, theo Guardian.

Biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện của tương lai - Ảnh 3
Khoảng 1,2 tỉ người có thể sẽ mất nhà cửa vào năm 2050. (Ảnh minh họa: Internet)

Có 19 quốc gia đối diện những đe dọa nghiêm trọng nhất như thiếu nước sạch và lương thực, cũng như các thảm họa thiên nhiên. Nhiều quốc gia trong nhóm này - gồm Nigeria, Angola, Burkina Faso và Uganda - được dự đoán sẽ chứng kiến tình trạng dân số tăng nhanh, làm trầm trọng thêm vấn đề không gian sinh sống của người dân.

Một số quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc sẽ sớm đối mặt tình trạng khan hiếm nước sạch. Những quốc gia như Pakistan, Iran, Kenya, Mozambique và Madagascar đối mặt nhiều mối đe dọa sinh thái kết hợp, cũng như nguy cơ ngày càng mất khả năng giải quyết các vấn đề.

IEP dự báo Pakistan sẽ là quốc gia có số người di cư lớn nhất, hệ quả của tình trạng không gian sinh sống bị thu hẹp, tiếp theo là Ethiopia và Iran.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện của tương lai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới