Biến thể mới lai giữa Delta và Omicron có thực sự đáng lo ngại?
Theo WHO, Deltacron sẽ không có khả năng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng. Do đó, khả năng phòng thủ của kháng thể chống lại biến thể Omicron thông qua tiêm vaccine hoặc mắc Covid-19 trước đó cũng sẽ có hiệu quả chống lại biến thể lai này.
Deltacron xuất hiện đầu tiên vào tháng 1
Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên gọi “Deltacron” đã được phát hiện ở châu Âu và Mỹ trong thời gian gần đây. Deltacron là biến thể lai giữa Delta và Omicron, được giới khoa học gọi là virus tái tổ hợp AY.4/BA.1.
Thế giới lần đầu tiên được cảnh báo về Deltacron vào đầu tháng 1. Theo đó, người phát hiện ra biến chủng này là Giáo sư khoa học sinh học Leondios Kostrikis, Đại học Cyprus, Cộng hòa Cyprus.
Nghiên cứu từ GS Kostrikis cho thấy, họ đã phát hiện tổng cộng 25 ca nhiễm biến chủng này sau khi giải trình tự 1.377 mẫu gene trong chương trình truy tìm các đột biến tiềm năng của SARS-CoV-2 ở Cyprus.
Vị chuyên gia cho biết, tần suất phát hiện biến chủng lai cao hơn ở những người nằm viện. Do đó, họ đặt giả thuyết về mối tương quan giữa Deltacron và tỷ lệ nhập viện. Họ cũng nhấn mạnh còn quá sớm để kết luận về khả năng lây lan hay những tác động mà chủng Deltacron có thể gây ra.
Mới đây, các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra ít nhất 3 biến thể tái tổ hợp của các chủng Covid-19 Omicron và Delta, được gọi là Deltacron. Theo đó, trong báo cáo hàng tuần của Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA), chuyên gia di truyền học Dmitry Pruss cho biết, để hình thành một virus tái tổ hợp, 2 chủng Covid-19 khác nhau trước tiên phải nhân lên cùng một lúc trong cùng tế bào của cùng một người, mà đây được coi là một diễn biến hiếm gặp. Ngay khi virus đầu tiên bắt đầu nhân bản, hệ thống miễn dịch sẽ kích hoạt các hệ thống phòng thủ khác nhau, nên virus thứ hai có thể đơn giản là không đủ sức vượt qua các rào cản được dựng lên.
TS. Etienne Simon-Loriere, thuộc Viện Pasteur (Anh), cảnh báo, có thể có Delta và Omicron sẽ hình thành nhiều hơn một biến chủng lai. “Loài chúng tôi tìm thấy ở Pháp, Hà Lan, Đan Mạch rất giống nhau. Song, tại Mỹ và Anh, dường như chúng là sự kết hợp các mảnh khác nhau của virus cha mẹ. Do đó, nó khá khác biệt với Deltacron tại Pháp”, ông giải thích. Vị chuyên gia cũng cho hay giới khoa học cần tìm các tên khác để chỉ những tái tổ hợp này hoặc đặt tên nó như biến chủng mới.
Tại Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), các chuyên gia tìm thấy các ca nhiễm biến chủng lai sau khi giải trình tự gene của 29.719 mẫu bệnh phẩm dương tính từ ngày 22/11/2021 đến 13/2 tại Mỹ.
Họ phát hiện 2 ca nhiễm các phiên bản khác nhau của Deltacron. Ngoài ra, 20 trường hợp khác nhiễm cả Delta và Omicron cùng lúc. Đặc biệt, một F0 nhiễm cùng lúc 3 chủng Delta, Omicron và Deltacon. Tuy nhiên, thông tin về ca bệnh này chưa được tiết lộ.
Đến ngày 15/3, Bộ Y tế Brazil báo cáo về hai trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng lai giữa Delta và Omicron hay Deltacron. Họ gồm một người đàn ông 34 tuổi ở bang Amapa và một người phụ nữ 26 tuổi ở bang Para, miền Bắc nước này. Đây là quốc gia mới nhất phát hiện ca nhiễm biến chủng lai Deltacron.
Cùng ngày, Israel cũng ghi nhận ca nhiễm Deltacron đầu tiên. Chỉ trong khoảng hai tháng, số ca bệnh mang chủng này tăng lên ở nhiều quốc gia, nhất là những nước ở châu Âu.
Deltacron có thể khiến đại dịch tiếp tục kéo dài?
Theo nhận định của TS Etienne Simon-Loriere, chuyên gia virus học tại Viện Pasteur ở Paris (Pháp), người đã tham gia vào việc xác nhận biến thể lai ở Pháp: "Mặc dù sự lai tạo giữa biến thể Delta và Omicron rất dễ lây lan và dường như có thể dẫn tới tình trạng "báo động", nhưng thực tế biến thể lai này chưa phải là mối quan tâm mới".
"Mặc dù Deltacron đã tồn tại từ tháng 1/2022 nhưng biến thể lai này rất hiếm và vẫn chưa cho thấy khả năng lây lan theo cấp số nhân," TS. Simon-Loriere cho biết thêm.
Các chuyên gia cho rằng, protein gai của biến thể lai Deltacron gần như hoàn toàn có nguồn gốc từ biến thể Omicron, phần ít còn lại có nguồn gốc từ biến thể Delta. Protein gai đóng một vai trò quan trọng trong xâm nhiễm virus và là mục tiêu chính của các kháng thể được kích hoạt bởi vaccine và tình trạng mắc bệnh trước đó. Điều đó có nghĩa là khả năng phòng thủ của kháng thể chống lại biến thể Omicron mà con người có được thông qua tiêm vaccine hoặc mắc Covid-19 trước đó cũng sẽ có hiệu quả chống lại biến thể lai này.
Trong khi đó, TS. Philippe Colson của IHU Mediterranee Infection ở Marseille, Pháp, tác giả chính của một báo cáo đăng trên trang web về khoa học sức khỏe medRxiv cho biết, vì có quá ít trường hợp mắc Deltacron được xác nhận nên còn quá sớm để có thể đánh giá ngang hàng nhằm xác định liệu Deltacron có khiến virus lây lan nhanh hoặc gây ra triệu chứng nặng hay không. Theo ông Colson, nhóm của ông đã đã thiết kế dụng cụ xét nghiệm PCR "có thể nhanh chóng kiểm tra các mẫu dương tính với sự hiện diện của chủng virus này".
“Đó là một hiện tượng thú vị, và nó giúp chúng ta hiểu thêm về cách thức tiến hóa của virus và cách mà đại dịch tiếp tục kéo dài. Và từ đây, thúc đẩy nhu cầu giám sát liên tục để xác định các biến thể tiềm ẩn cần quan tâm như một phần của hệ thống cảnh báo sớm, theo dõi các xu hướng virus mới bao gồm Covis-19, cúm và các virus khác”-TS. Philippe Colson cho hay.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Paul Hunter, Đại học East Anglia, nhận định Deltacron không gây ra quá nhiều nguy cơ. Bởi đa số người dân đã được tiêm phòng vaccine Covid-19 hoặc có mức độ miễn dịch nhất định sau khi nhiễm nCoV.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho rằng, Deltacron sẽ không có khả năng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng. Các nước nên đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng tăng cường. Đặc biệt, những khu vực có tỷ lệ tiêm thấp cần nhanh chóng bao phủ vaccine để tăng cường miễn dịch cho nhóm dễ bị tổn thương, hạn chế nguy cơ nCoV xâm nhập và sản sinh những đột biến mới nguy hiểm hơn.
Lan Anh