Chủ nhật, 24/11/2024 10:44 (GMT+7)
Thứ năm, 03/11/2022 09:45 (GMT+7)

Bình Dương: Doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo kế hoạch tăng trưởng

Theo dõi KTMT trên

Năm 2022, nhiều doanh nghiệp đang đối diện với các vấn đề khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế - chính trị thế giới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đang nỗ lực hoàn thành đơn hàng cuối năm và bắt đầu lên kế hoạch năm 2023.

Nhiều khó khăn, thách thức

Theo nhận định từ Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gặp không ít thách thức. Trong đó, giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp; giá dầu tăng cao trong khi đây là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; tình trạng thiếu hụt gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến kích cầu tiêu dùng đối với thương mại.

Hơn nữa, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng tại nhiều quốc gia khi nguồn cung hàng hoá đứt gãy, các nước phải có biện pháp để ổn định hàng hoá trong nước.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao ở hầu hết quốc gia, là những thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước. Nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng, dẫn tới đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD.

Bình Dương: Doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo kế hoạch tăng trưởng - Ảnh 1
Các doanh nghiệp tại Bình Dương đang nỗ lục hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

Nhận định về tình hình xuất khẩu dệt may những tháng cuối năm, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, trong bối cảnh đồng USD tăng giá sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, doanh nghiệp xuất khẩu dệt may sẽ được lợi về giá bán. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế này, doanh nghiệp sẽ phải đảm bảo được đơn hàng ổn định. Đó cũng là bài toán với nhiều doanh nghiệp dệt may thời điểm này khi đơn hàng chững lại do lạm phát, nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng giảm trên thế giới.

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu quý IV và cả năm 2022, ưu tiên lúc này là đảm bảo đa dạng các mặt hàng xuất khẩu, sẵn sàng đơn hàng cho mùa Xuân năm sau.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị, trong quý IV/2022 là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu nhận được nhiều đơn hàng tiêu dùng từ Mỹ. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng rà soát chuỗi cung ứng và các sản phẩm cuối cùng được xuất khẩu sang Mỹ, đảm bảo không vi phạm những quy định của thị trường Mỹ.

Nỗ lực xoay chuyển để thích ứng

Trong tình hình khó khăn chung, bằng nỗ lực xoay chuyển cũng như tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA), xuất khẩu giày da đang có bước tăng trưởng tốt, nhất là ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn. Bà Cyndi Chen, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Đại Hoa (TX.Tân Uyên), cho biết: “Công ty đang giữ vững sản lượng 10 triệu đôi giày/năm. Chúng tôi thường xuyên liên hệ với đối tác để nắm vững những yêu cầu thay đổi từ thị trường, đồng thời nỗ lực lớn để bảo đảm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, ổn định đời sống người lao động. Công ty cũng đã có kế hoạch cho năm 2023”.

Bình Dương: Doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo kế hoạch tăng trưởng - Ảnh 2
Nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đã bắt đầu lên kế hoạch cho hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023

Đối với ngành dệt may, để đạt được kế hoạch đặt ra, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực và thích ứng nhanh với những thách thức của thị trường. Thời điểm này các doanh nghiệp đang xoay chuyển để duy trì hoạt động. Những doanh nghiệp lớn có đơn hàng dồi dào có xu hướng chia sẻ cho doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Một số khác tìm cơ hội ngắn hạn ở thị trường nội địa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang thực hiện liên kết để tìm kiếm đơn hàng ở thị trường mới. Chẳng hạn các doanh nghiệp trong nước liên kết với các doanh nghiệp tại Ấn Độ, Pakistan nhằm trao đổi đơn hàng vào các thị trường.

Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, hiện nay, để giữ đơn hàng, giữ thị trường trong bối cảnh lạm phát, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng ở phân khúc trung bình. Đồng thời mở rộng thêm kênh online, tạo điều kiện tốt nhất cho người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm.

Theo đó, xuất khẩu không chỉ phụ thuộc vào 5 thị trường truyền thống như trước đây là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, mà bắt đầu là chuyển dịch sang Nga và một số nước khác. Thêm vào đó, trong bối cảnh những đơn hàng truyền thống như đồ jean, kaki các loại hoặc đồ thun đều bị thiếu đơn hàng, thậm chí có những DN thiếu trên 35%. Nhưng rất nhanh, các doanh nghiệp bắt đầu chuyển dịch từ hàng dệt kim sang hàng dệt thoi.

Đối với ngành kinh doanh sắt, thép, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Thiên Lộc (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, trong khó khăn chung của thế giới, Đại Thiên Lộc vẫn giữ được đơn hàng, giữ vững sản xuất, ổn định đời sống công nhân lao động. “Chúng tôi đang tích cực đầu tư khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững nhằm tăng sức cạnh tranh. Trong giai đoạn nhiều biến động như hiện nay chưa nói trước được điều gì, doanh nghiệp chú trọng nhất là sức cạnh tranh của sản phẩm, khẳng định được vị thế thị trường trong và ngoài nước để trong hoàn cảnh nào chúng tôi đều cố gắng thích ứng”, ông Nghĩa cho biết.

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý khác là các doanh nghiệp ngành cũng thích ứng rất nhanh khi chuyển dịch đầu tư vào công nghệ và tự động hóa để thích ứng được khi cơ cấu mặt hàng có thay đổi. Đồng thời, khi đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm, doanh nghiệp đã sắp xếp lại giờ làm. Không tổ chức tăng ca, làm thêm giờ mà chỉ làm theo giờ hành chính hoặc giảm số ngày làm việc trong tuần để bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong 10 tháng năm 2022 có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,1%).

Tiêu biểu như, xuất khẩu cá tra trong 10 tháng năm 2022 đã đem về trên 2,1 tỷ USD, tăng 76,5 so với cùng kỳ. Với kết quả hiện nay và xu hướng hồi phục nhẹ trong vài tháng tới, dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 có thể ghi nhận mức kỷ lục 2,5 - 2,6 tỷ USD, cao hơn gấp 1,5 lần so với năm 2021.

Ngành hàng dệt may xuất khẩu cũng tăng trưởng khả quan khi trong 10 tháng năm 2022 đạt trên 38 tỷ USD, tương đương bình quân mỗi tháng đạt trung bình 3,7 – 3,8 tỷ USD.

Thanh Vũ

Bạn đang đọc bài viết Bình Dương: Doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo kế hoạch tăng trưởng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới